Không để học sinh nào bị đối xử bất công
Các Website khác - 16/05/2008

Phát biểu tại buổi lễ phát động xây dựng “Trường học thân thiện”, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân nêu lên một số yêu cầu về trường học thân thiện

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tặng quà cho học sinh trường THCS Vạn Phúc. Ảnh: Ngọc Khôi

Như Tiền phong đã đưa tin, hôm qua, ngày 15/5, tại trường THCS Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Tây), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã phát động xây dựng “Trường học thân thiện”.

Ngoài lãnh đạo Bộ GD&ĐT còn có đại diện Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các đơn vị, tổ chức quốc tế như UNICEF, Ngân hàng phát triển châu Á, chuyên gia quốc tế Dự án THCS II... dự buổi lễ phát động.

Mô hình trường học thân thiện là sáng kiến của UNICEF và bắt đầu được thí điểm ở một số trường tiểu học, THCS của Việt Nam từ năm 2000 với sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT chính thức phát động xây dựng mô hình này ở trên tất cả các trường học trong cả nước.

Phát biểu tại buổi lễ phát động, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân nêu lên một số yêu cầu về trường học thân thiện, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm của nhà trường đối với công tác phổ cập giáo dục tại địa phương nơi nhà trường đóng.

Phó Thủ tướng cho rằng:

“Dạy học phải thân thiện với mọi loại trình độ học sinh, dạy sát đối tượng, phát hiện, bồi dưỡng được học sinh giỏi và ân cần dìu dắt học sinh học lực yếu kém, không để em nào bị đối xử bất công, bị bỏ rơi ra ngoài trách nhiệm của nhà trường để rồi tự ty, chán học dẫn đến bỏ học”.

Theo Phó Thủ tướng, theo các tiêu chí của UNICEF, nội dung của “trường học thân thiện” khá phong phú nhưng trong bối cảnh kinh tế xã hội của chúng ta hiện nay, các nhà trường cần tập trung vào 3 nội dung trọng tâm:

Học tốt; Đẩy mạnh việc chơi mà học; Mỗi trường học là một địa chỉ nhận chăm sóc công trình văn hoá, lịch sử.

Cụ thể, các nhà trường phải động viên và tiếp nhận tất cả trẻ em ở độ tuổi đến trường, đảm bảo học tập hết cấp học; xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, an toàn; từng bước nâng cấp CSVC, xây dựng trường học khang trang xanh - sạch - đẹp; thầy đổi mới phương pháp dạy học, trò học tập hứng thú; giảm lưu ban, bỏ học để nâng cao hiệu quả giáo dục;

Nâng cao chất lượng các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ, vui chơi trong đó coi trọng việc đưa trò chơi dân gian, các hoạt động tập thể vui mà học phù hợp với lứa tuổi vào nhà trường;

Động viên học sinh tham gia chăm sóc các công trình văn hóa lịch sử của đất nước, mỗi nhà trường nhận hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ, tôn tạo một số khu di tích lịch sử, văn hoá, tích cực chăm lo xây dựng các công trình công cộng, trồng cây, chăm sóc cho đường phố,  ngõ xóm sạch sẽ.

Trước khi phát động chính thức xây dựng mô hình trường học thân thiện, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cùng các Vụ chức năng đã có cuộc tham quan mô hình trường học thân thiện ở một số nước trong khu vực.

Trao đổi với Tiền phong, TS Phùng Khắc Bình (Vụ trưởng Vụ công tác học sinh, sinh viên) cho biết:

“Indonesia cũng là một nước bắt đầu thực hiện mô hình này từ năm 2000 (cùng lúc chúng ta bắt đầu làm thí điểm) do UNICEF và UNESCO tài trợ. Họ đã xây dựng được giáo trình cho 5 môn học gây hứng thú.

Theo đó, trong các tiết học chính khoá, HS được vừa học vừa chơi. Như môn tiếng Anh chẳng hạn, các em được chơi trò chơi ghép vần. Hoặc trong môn Sinh học, các em được chơi nặn hình các con vật, cây cối...

Dự giờ của các bạn, chúng tôi thật sự ấn tượng bởi đó là những tiết học rất sinh động và HS rất hào hứng.

Ở ta, có cần soạn lại SGK để thích ứng với mô hình học tập này không thì cần phải bàn. Nhưng theo ý tôi, việc tạo ra hứng thú cho HS thì điều quan trọng là phương pháp của người dạy”.

Quý Hiên