Học trên vùng đất thép
Các Website khác - 09/10/2008

Tiếp sức đến trường 2008

Dành cho 120 học sinh khu vực miền Đông Nam bộ đậu ĐH, CĐ có hoàn cảnh khó khăn năm 2008
* Danh sách SV ĐH, CĐ nhận học bổng

Hai mẹ con Trương Quốc Nhựt với công việc nhà trong căn nhà cũ nát - Ảnh: Trần Huỳnh
Tiếng là dân thành phố nhưng ở vùng đất thép Củ Chi, một huyện ngoại thành TP.HCM có đến hơn 90% học trò phải bươn chải mưu sinh cùng gia đình.

Lam lũ, chật vật với cuộc sống nhưng nhiều bạn đã chạm đến ước mơ vào giảng đường đại học dù còn đó những nhọc nhằn phía trước...

Khuyến học nối tiếp ở vùng ven

Tất tả hướng dẫn học trò làm hồ sơ gửi báo Tuổi Trẻ xin học bổng “Tiếp sức đến trường”, từng nhận học bổng “Học sinh nghèo vượt khó” từ chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ, sau khi ra trường thầy giáo Nguyễn Văn Cải Trường THPT Quang Trung (Củ Chi) về lại trường cũ. Cũng từ lúc về dạy tại trường năm 2003, thầy Cải đã cùng các thầy cô lập Hội khuyến học đầu tiên trong các trường THPT của TP.HCM để giúp đỡ HS nghèo.

Năm học mới bắt đầu cũng là bắt đầu những lo toan của thầy trò ở một trường xa trung tâm TP hơn 50km. Làm hiệu trưởng từ ngày thành lập (1989) đến nay, thầy Hoe đã cùng các thầy cô trong trường, ban đại diện phụ huynh “tiếp sức” hàng trăm học trò mình để ngăn dòng bỏ học. Có lẽ đấy là cái tâm của người thầy cũng từng mồ côi cha từ tấm bé, nếm trải cuộc sống vất vả.

Từ mái trường yêu thương ấy, nhiều học trò sau khi trưởng thành đã quay về thực hiện việc làm của “người trước rước người sau”. Một giảng viên trẻ ĐH KHXH&NV TP.HCM là cựu học sinh của trường đã vận động bạn bè thành lập quỹ học bổng trao đều đặn cho các em HS hoặc SV nghèo là học trò cũ của trường. Còn với một ân nhân từng giúp Cải thời SV, khi biết anh về trường và tham gia hội khuyến học, chính ân nhân ấy lại thông qua Cải để hỗ trợ 10 suất học bổng (100.000 đồng/suất/tháng) cho HS. Và còn biết bao tấm lòng nhân ái đã đến với các học trò nghèo vùng đất thép Củ Chi thông qua hội khuyến học này.

Hiện thầy Cải cũng đang tìm nguồn giúp một học trò Trường THPT Củ Chi. Đó là một cậu học trò giỏi mà “nếu không kịp hỗ trợ có thể sẽ khó tiếp tục đến trường được…” - thầy Cải nói.

Nhọc nhằn với ước mơ…

Người học trò đó là Trương Quốc Nhựt, ở ấp Trảng Lắm, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi. Mẹ con Nhật ở trong một căn nhà cũ kỹ với mái vừa lợp tranh vừa lợp tôn, vách tre đan mục nát lỗ chỗ; nền đất lồi lõm, chái nhà ọp ẹp tưởng chừng sập hồi nào không hay.

Vậy nhưng Nhựt vừa đậu khoa kinh tế ĐHQG TP.HCM. Ba mất lúc Nhựt đang học lớp 6; mẹ làm mướn đủ thứ việc cho người ta: từ rửa chén cho mấy quán cơm đến nhổ mạ, cấy, cắt lúa, hái bắp, nhổ đậu...

Cả hai anh em Nhựt từ nhỏ đã phải tự kiếm sống bằng đủ nghề: hái bắp, lặt đậu, cắt nhánh trúc, vác cỏ, mò cua bắt ốc... Làm việc quá sức, năm lớp 10 trong giờ học thể dục Nhựt đã ói ra máu, đi bệnh viện mới phát hiện bị lao phổi.

Nghe con đậu ĐH, người mẹ tất tả vay mượn khắp nơi để đủ tiền cho con nhập học và tìm thêm việc làm.

Thật ra, học trò nơi đây không thiếu những gương mặt vượt khó như Nhựt. Bạn Trần Thị Hồng Linh ở ấp Mỹ Khánh B, xã Thái Mỹ chẳng hạn. Cô nữ sinh Trường THPT Quang Trung ấy cũng mất cha từ rất sớm. Học lớp 3 Linh đã phụ giúp mẹ bán xôi, bắp trước cổng trường mình. Lớn hơn chút Linh buổi học, buổi đi bán khoai. Mẹ Linh nấu cơm thuê nuôi hai con ăn học và lo cho bà ngoại và ông bác bị tâm thần, trong khi bà ngoại mang đủ thứ bệnh: tiểu đường, huyết áp, tim mạch...

Bản thân người mẹ cũng bị suy thận, phải chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Củ Chi đều đặn ba buổi/tuần. Cái nghèo khổ níu kéo, căn bệnh trầm kha của mẹ cùng bao khó khăn khác nhiều lúc muốn quật ngã Linh. “Hai chị em con Linh cực lắm, vừa học vừa chăm lo cho mẹ” - bà Võ Thị Lắm, hàng xóm, nói. Con đường phía trước của cô học trò 12 năm liền là HS giỏi vừa thi đậu vào khoa ngữ văn Anh ĐH KHXH&NV TP.HCM này đã mở ra nhưng vẫn còn biết bao chông gai.

KIM ANH - TRẦN HUỲNH