Khi thanh niên góp sức xóa đói giảm nghèo
Các Website khác - 08/10/2008

Vụ Thu năm 2008, bằng nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn II của Chính phủ, Huyện Đoàn Vĩnh Thạnh (Bình Định) tổ chức triển khai mô hình lúa lai Nhị ưu 838 tại thôn Tiên Hòa (xã Vĩnh Hòa).

Đoàn viên, thanh niên tham quan tại mô hình

Hiệu quả mô hình đem lại không chỉ cho nâng cao năng suất, đem lại thu nhập cho gia đình mà cái được lớn nhất đã làm thay đổi dần tập quán canh tác cũ mà đoàn viên, thanh niên nơi đây hay làm bấy lâu nay.

Tận mắt thấy và tin

Tham gia có 15 đoàn viên, thanh niên sản xuất trên diện tích 1 ha. Các đoàn viên, thanh niên tham gia được hỗ trợ đầu tư 100% tiền giống lúa, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Đây là mô hình đầu tiên mà Huyện Đoàn Vĩnh Thạnh triển khai cho đoàn viên, thanh niên trồng lúa lai Nhị ưu 838. Qua mô hình đã giúp cho đoàn viên, thanh niên tiếp cận, học tập và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất cây lúa nước, đặc biệt là giống lúa lai. Từng bước thay đổi tập quán sản xuất, phòng tránh thiên tai, giảm chi phí, tăng độ phì nhiêu của đất theo phương pháp canh tác mới.

Các hộ tham gia được hướng dẫn và tập huấn về quy trình kỹ thuật sản xuất lúa lai Nhị ưu 838 như: làm đất, phun thuốc diệt trừ cỏ, phương pháp kỹ thuật xử lý hạt giống, mật độ gieo sạ 2,5kg/sào, cách bón phân, tưới nước và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.

Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật trong sản xuất nên sau 110 ngày lúa đã cho thu hoạch, năng suất đạt hơn 80 tạ/ha, cao hơn 20 tạ/ha so với lúa thuần.

Anh Nguyễn Thành Dũng - một trong những người tham gia mô hình cho biết: “Sau khi trồng lúa lai, tôi mới tin là cây lúa này cho năng suất cao, đạt hơn 80 tạ/ha, cao hơn lúa thường tới 1,5-2 lần. Lúc triển khai trồng lúa lai, không chỉ tôi mà các hộ tham gia đều lo lắng, biết có đạt không hay mất trắng. Nhưng giờ tôi tin rồi và tận mắt thấy nữa”.

Đây là lần đầu tiên, đoàn viên và thanh niên thôn Tiên Hòa (xã Vĩnh Hòa) đưa vào sản xuất lúa lai Nhị ưu 838 gặp không ít khó khăn. Về kỹ thuật sản xuất lúa lai phức tạp hơn trồng cây lúa thuần như tỉa dặm, bón phân, làm cỏ, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, tưới nước phải đúng quy trình.

Anh Nguyễn Văn Cảnh nói: “Tuy lúa lai sinh trưởng dài ngày hơn các giống lúa được sử dụng truyền thống, chúng ta phải bón phân 4 lần trong khi lúa thường bón 3 lần, nhưng lượng giống gieo sạ chỉ bằng 1/3, năng suất đem lại cao hơn nhiều”. Anh Cảnh cũng khẳng định sẽ làm lúa lai trong những vụ tiếp theo.

Tiếp tục sản xuất các vụ sau

Thu hoạch lúa lai, năng suất lúa cao nhất từ trước đến nay

Dưới sự hướng dẫn của cán bộ Khuyến nông, áp dụng các bước quy trình kỹ thuật trong chăm sóc lúa lai nên các trà lúa thực hiện mô hình đều phát triển, sinh trưởng tốt.

Theo nhận xét của các hộ tham gia, giống lúa lai Nhị ưu 838 có những đặc điểm nổi bật hơn các giống lúa hiện gieo sạ tại địa phương như: Có khả năng chống chịu các yếu tố bất lợi do ngoại cảnh tác động, ít sâu bệnh nhất là bệnh đạo ôn, vàng lá, rầy nâu. Ngoài ra, có khả năng thích ứng với chân đất tại địa phương và cho năng suất cao trong vụ Thu và Đông Xuân, đây là điều kiện thuận lợi để chuyển đổi từ sản xuất 3 vụ xuống còn 2 vụ/năm.

Anh Trịnh Thành Trung- Phó Bí thư Huyện Đoàn cho nhận xét: “Đây là lần đầu tiên Huyện Đoàn Vĩnh Thạnh triển khai mô hình sản xuất lúa lai cho đoàn viên, thanh niên. Hiệu quả đem lại rất cao, được đoàn viên, thanh niên đồng tình. Hướng đến, đoàn viên thanh niên sẽ tiếp tục sản xuất các vụ sau”.

Tại hội thảo đầu bờ đánh giá về năng suất lúa lai Nhị ưu 838 được tổ chức vừa qua, các đại biểu và các hộ tham gia đã tập trung thảo luận và một lần nữa khẳng định hiệu quả kinh tế của giống lúa lai Nhị ưu 838, việc mở rộng diện tích lúa lai trong những vụ tới là hết sức cần thiết nhằm nâng cao năng suất, sản lượng lương thực.

Ông Phạm Việt Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa đề nghị: “Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục nhân rộng mô hình này cho bà con, không chỉ ở Tiên Hòa mà các thôn khác trong xã thấy được hiệu quả kinh tế của cây lúa lai. Huyện cũng tiếp tục hỗ trợ giống lúa cho bà con vì bà con ở đây rất là khó khăn”. 

Qua mô hình điểm này, đã làm cho đoàn viên, thanh niên nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Thực hiện được mô hình này cũng sẽ góp phần  thay đổi dần tập quán canh tác cũ mà đoàn viên, thanh niên vùng cao hay làm bấy lâu nay, vì muốn có hiệu quả như vậy thì phải áp dụng phương pháp canh tác theo đúng quy trình nghiêm ngặt hơn.

Sản xuất lúa lai không chỉ cho năng suất cao mà còn giảm được chi phí trên cùng một đơn vị diện tích đã tăng thu nhập của đời sống đoàn viên, thanh niên ngày càng tăng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Long Vũ