Im lặng là yên thân?
Các Website khác - 10/01/2006

(VietNamNet) - Không ít sinh viên (SV), không tạm hài lòng với chương trình, phương pháp giảng dạy nơi mình học. Hoặc gặp rắc rối với phòng này phòng kia hay chính giảng viên của mình. Nhưng ít ai lên tiếng, mặc dù trong mỗi trường đều có thùng thư góp ý. SV không lên tiếng vì lẽ gì?

Xem bài 1: Chuyện kể về những kiểu...hành

Soạn: AM 673357 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nơi thể hiện dân chủ của sinh viên.(Ảnh: Đoan Trúc)
Thùng thư ư! Ai đọc?

N.V.Thanh, SV trường ĐH Văn Hiến cho biết: "Vẫn hàng ngày qua lại thùng thư góp ý, nhưng suốt mấy năm học, chưa một lần sờ đến mặc dù trong bụng chứa khá nhiều ý kiến muốn tỏ bày". Thanh nghĩ rằng, Hiệu trưởng hay Ban Giám hiệu (BGH) nhà trường ít có thời gian để đọc những lá thư góp ý nằm im ỉm trong thùng thư. Có chăng, chỉ là phòng công tác SV hay cùng lắm là thư ký.

Các bạn trong lớp của Thanh, thỉnh thoảng vẫn bức xúc vì chương trình học, phương pháp giảng dạy...nhưng hiếm thấy ai dám mang ý kiến đó đi trình bày. Họ chỉ than thở với nhau và...dừng lại ở việc bất mãn. Riêng chuyện cải thiện thì...không ai quan tâm.

Cũng cùng quan điểm ấy Thanh Loan, SV trường ĐH Nông lâm TP.HCM lắc đầu: "Em nghĩ chắc thầy cô, BGH không đọc đến những thư góp ý trong thùng thư đâu. Có gì thì lên thẳng trên khoa góp ý hay hơn".

Với Thanh Loan, SV trường ĐH Nông lâm TP.HCM, có gì thì lên thẳng trên khoa góp ý hay hơn. Nói thế, nhưng 3 năm ĐH, Loan chưa một lần "lên thẳng khoa". Cô bạn cũng có vài thắc mắc, băn khoăn; nhưng không đáng. Như nhiều SV, Loan thú nhận: "Nhiều bạn khác cũng chịu như mình. Họ không lên tiếng, tội gì mình ý kiến".

Các bạn SV luôn nghĩ là những góp ý trong thùng thư không được quan tâm. Nhưng thực ra, có những trường, thùng thư luôn được chuyển lên BGH trường hoặc chuyển đến những giảng viên được sinh viên góp ý. Những góp ý của sinh viên về nội dung, phương pháp học...luôn được ưu tiên.

Tuy nhiên, cũng có một vài SV, gởi vào thùng thư không phải là những ý kiến góp ý mà là những tờ giấy với lời lẽ khó chấp nhận. Một nhân viên phòng công tác chính trị-sinh viên lắc đầu: "Thùng thư mà biết nói thì..."

Ý kiến à! Đâu muốn chết?

V.Đ.H, SV một trường dân lập tại TP.HCM kể về kinh nghiệm một lần góp ý trực tiếp của mình. H bảo: "Không dại gì làm điều đó, chỉ những ai không muốn ra trường đúng hạn". H đã từng thẳng thắn góp ý với một giảng viên, mặc dù đã cố gắng tránh những lời lẽ gay gắt, nhưng vẫn bị 2 lần điểm 4 khi thi học kỳ.

Một cô bạn của H thì vẫn chưa ra trường được vì luôn "ý kiến ý cò". H cho biết: "Em và nhiều bạn trong lớp đã khuyên bạn ấy là không nên nói nhiều, thể nào cũng khó ra trường. Y như rằng, đến giờ vẫn còn nợ lại vài môn, những môn học mà bạn ấy hay chất vấn".

Cũng chung hoàn cảnh, N.V.D, SV một trường ĐH ở ĐBSCL, không bằng lòng với phương pháp giảng dạy của một giảng viên, cậu đứng lên ý kiến ngay trước lớp, đồng thời đưa những kiến thức mình có được về môn học đó để chứng minh là giảng viên chưa đúng. Sau một hồi tranh luận với giảng viên, D bị đuổi ra khỏi lớp. Và cậu phải nhờ đến sự can thiệp của khoa để được vào học lại.

Anh bạn cho biết: "Sau lần đó, không bao giờ nói gì nữa, yên phận cho qua. Chứ ai lại nhờ trưởng khoa can thiệp lần nữa". Và các bạn trong lớp D cũng rút kinh nghiệm từ bạn mình, không ai ý kiến gì nữa!

Sợ bị giảng viên đì, sợ bị văn phòng khoa điểm mặt, sợ không được ra trường...khiến nhiều SV phải ngậm bồ hòn, phải tự bắng lòng với những bất cập trên giảng đường.

"Thùng thư" trực tiếp

Đến khoa Tài chính - Kế toán trường ĐH Văn Lang, tôi thực sự ngạc nhiên. Bởi không có khoảng cách giữa giảng viên với sv, không có vẻ sợ sệt, khúm núm của các bạn với phó khoa hay các nhân viên trong văn phòng khoa. Bắt cóc một SV, bạn cho biết: "Tụi em vẫn thường đến văn phòng khoa để hỏi bài giảng viên, tranh luận về nội dung môn học hay ý kiến về những quy định chưa hợp lý của khoa, trường".

Cũng đã bắt gặp các bạn SV trường ĐH Kinh tế TP.HCM ý kiến thẳng với TS Trần Hoàng Ngân, Trưởng khoa ngân hàng của trường về chương trình học. Không thấy một khoảng cách nào giữa trưởng khoa và SV. Những vấn đề thầy giải đáp được thì SV được trả lời trực tiếp. Thỉnh thoảng lại bắt gặp một SV lên văn phòng khoa của mình để phản đối về lịch thi, lịch thực tập...

Trao đổi với TS Nguyễn Cửu Đỉnh, trường ĐH Văn Lang về vấn đề này, TS cho biết:"Cũng nhờ SV mà BGH trường biết được giảng viên nào giảng dạy chưa tốt, giảng viên nào không nhiệt tình...Và những quy định nào chưa hợp lý, chưa sát thực với SV". Bỏ qua "công đoạn" góp ý qua thùng thư, hiện nay, khá nhiều SV chọn cho mình cách góp ý trực tiếp.

H.M.T, SV năm 3 trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết: "Có gì bất cập, tụi mình thường đến thẳng khoa để thắc mắc, ý kiến. Như thế hiệu quả hơn và biết chắc là ý kiến đóng góp của mình đến đúng người. Cũng có khi mình bày tỏ quan điểm với giảng viên hoặc giáo viên chủ nhiệm".

Vũ Thanh Huyền, trường ĐH Văn Lang thì có kinh nghiệm: "Thư viện trường luôn mở cửa đúng với giờ lên lớp của SV, thế là tụi mình ý kiến lên khoa, xin được tăng thêm thời gian phục vụ. Nhà trường thấy phù hợp nên thực hiện ngay".

Suốt thời gian đi học, Huyền luôn góp ý thẳng với khoa, thầy chủ nhiệm hay với giảng viên về những điều mình xem là chưa hợp lý, chưa đáp ứng nhu cầu của SV. Những điều có thể sửa đổi ngay thì nhà trường sửa đổi không thì cũng nhận được những lời giải thích thoả đáng. Có khi Huyền lại biết được những khó khăn của khoa, trường nữa.

Một cán bộ khoa của trường DL Công nghệ thông tin TP.HCM cho biết: "Trường đã ngưng mời vài giảng viên giảng dạy vì nhận thấy ý kiến của SV là xác đáng". Sau mỗi học kỳ, khoa thường tổ chức lấy ý kiến SV để có điều chỉnh cho học kỳ sau hay góp ý với giảng viên, cán bộ giảng dạy...

Thầy Ngô Minh Uy, trường Văn Hiến cho biết: "Các khoa khác thì không biết, nhưng khoa Tâm Lý luôn khuyến khích SV góp ý thẳng trực tiếp với khoa. Hoặc cũng có thể lên khoa để lại những ý kiến góp ý với BGH, rồi khoa chuyển lên trên".

  • Đoan Trúc
Bài 3: Một ngày ở phòng giáo vụ
Ý kiến của bạn: