Kéo cỗ xe giáo dục ra khỏi vũng lầy khủng hoảng
Các Website khác - 11/06/2008

 

Tại hội thảo về các vấn đề của ngành giáo dục và đào tạo do viện Nghiên cứu phát triển tổ chức cuối tuần trước, giáo sư Hoàng Tuỵ đã trình bày bài tham luận “khủng hoảng giáo dục: nguyên nhân và lối ra trước thách thức toàn cầu hoá”.

Theo GS Hoàng Tuỵ, không thể chấn hưng giáo dục bằng những cải cách nửa vời, chậm chạp. Ảnh minh hoạ: TLHT (Sài Gòn Tiếp Thị).
Xin trích đăng một phần bài trình bày của ông về giải pháp chấn hưng giáo dục

Thật ra, không phải chỉ mấy năm qua khủng hoảng giáo dục mới được nhận dạng.

Ngay từ năm 1995, tại một hội nghị lớn do nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt hồi ấy triệu tập và chủ trì, đã có nhiều ý kiến nêu lên thực trạng nguy kịch của giáo dục.

Nhiều nhận định và kiến nghị tâm huyết đề xuất trong hội nghị đó và một loạt hội thảo tiếp theo đã được tiếp thu và ghi nhận trong nghị quyết trung ương II khoá 8, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong nhận thức và tư duy lãnh đạo đối với giáo dục. Nhưng từ đó đến nay, giáo dục vẫn ì ạch, chưa có dấu hiệu bứt ra được khỏi thế trì trệ triền miên.

Trong thực tế, dù bảo thủ đến đâu, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như bất cứ ai, đều không thể làm ngơ trước nhiều vấn nạn giáo dục đã và đang làm đau đầu cả xã hội. Chỉ có điều, để khắc phục các vấn nạn ấy, ngành giáo dục thực hiện những sửa đổi vụn vặt, chắp vá, chậm chạp, thiếu nhất quán, nên tác dụng và hiệu quả thấp, dẫn đến tình trạng các vấn nạn kéo dài triền miên, ngày càng trở nên phức tạp vượt quá tầm kiểm soát.

Sức ỳ và tinh thần ngại thay đổi, cộng với tính thiếu chuyên nghiệp, biểu hiện rõ nhất trong vấn đề thi cử và phân ban. Suốt hơn hai chục năm trời, những cải cách về thi cử chỉ đạt được kết quả là bỏ thi theo bộ đề thi (mất 8 năm), bỏ thi tiểu học, thi THCS (mới cách đây vài năm), kết hợp thi THPT với thi tuyển sinh đại học làm một (giải pháp nửa vời chưa tốt lắm), nhưng chưa bỏ được mà còn tăng cường thi tốt nghiệp ở đại học.

Về việc chương trình THPT có nên phân ban hay không, và phân ban như thế nào, thì loay hoay mãi 15 năm trời, thí điểm đi thí điểm lại các phương án phân ban kiểu cũ (theo hướng chuyên môn hoá dứt điểm từ lớp 10 hay 11), sau thất bại nhiều lần đến năm 2006 mới bắt đầu sửa theo kinh nghiệm các nước tiên tiến, nhưng cũng chỉ sửa nửa vời vì vẫn tiếc rẻ chương trình, sách giáo khoa đã trót soạn và in theo tinh thần phân ban cũ từ mấy năm trước…

Hai vấn đề lớn khác là chế độ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, và chế độ xét duyệt, công nhận chức danh GS, PGS. Đây là hai lĩnh vực công tác có nhiều sai lầm nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến toàn bộ hệ thống giáo dục, nhưng trong suốt ba mươi năm hầu như không thay đổi.

Nhiều kiến nghị của chuyên gia trong nước và Việt kiều kêu gọi chấn chỉnh hai công tác này đều bị xếp xó. Mãi đến mấy năm gần đây, một số kiến nghị ấy mới bắt đầu được nghiên cứu và chấp nhận một phần, nhưng khi thực hiện lại cũng trì hoãn thêm một số năm nữa, không ai hiểu vì lý do gì.

Sự ngập ngừng, tiến vài bước rồi lại lùi, có khi quay ngược 180 độ, biểu hiện tư duy lấn cấn, chưa thông suốt, chưa sẵn sàng đổi mới, ngay cả khi sự cấp thiết phải thay đổi đã quá rõ và đã được chính thức thừa nhận.

Bấy nhiêu kinh nghiệm thất bại là những bài học cho thấy không thể chấn hưng giáo dục bằng những cải cách nửa vời, chậm chạp. Những biện pháp tích cực hai năm gần đây, tuy rất cần thiết và đáng hoan nghênh, cũng chỉ mới có tác dụng sửa sang bề ngoài bộ mặt nhà trường cho dễ coi, chứ thật sự chưa động tới cốt lõi.

Chẳng hạn, chống tiêu cực trong thi cử chỉ mới làm cho quang cảnh thi cử sạch sẽ hơn chứ chưa động tới cái gốc của hội chứng thi. Quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm tràn lan, giải quyết vấn nạn bỏ học, ngồi nhầm lớp chưa hề động tới nguyên tắc công bằng trong giáo dục; kế hoạch đào tạo hai vạn tiến sĩ chưa động tới cốt lõi vấn đề tuyển chọn, sử dụng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đại học.

Trong khi những đề nghị cải cách nhắm tới một nền giáo dục hiện đại, công bằng, dân chủ, văn minh, đều rất khó được tiếp thu thì ngược lại nhiều ý tưởng về tự do hoá và thị trường hoá giáo dục lại được hưởng ứng với một nhiệt tình mù quáng, tưởng như đó là chiếc đũa thần để chữa mọi căn bệnh trầm kha của giáo dục Việt Nam.

Đặc biệt, chưa nghiên cứu kỹ để hiểu đúng tinh thần cuộc cải cách quản lý đại học gần đây ở các nước phát triển đã vội vã noi theo họ đề ra chủ trương phiêu lưu: cổ phần hoá đại học công và phát triển đại học tư vì lợi nhuận mạnh hơn cả ở các nước ấy, gây lo lắng cho nhiều tầng lớp xã hội trước sự buông lơi trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục.

Trước tình hình khủng hoảng kéo dài của giáo dục, chỉ có một lối ra tiết kiệm và nhanh chóng là thực hiện một cuộc cải cách giáo dục toàn diện, triệt để, nhằm xây dựng lại hệ thống giáo dục từ gốc, tiến tới một nền giáo dục thật sự hiện đại.

Đó thật sự là mệnh lệnh cuộc sống, nếu chúng ta không muốn bị đẩy ra ngoài lề thế giới văn minh ngày nay. Tốt nhất, Chính phủ nên thành lập một tổ đặc nhiệm, độc lập với Bộ Giáo dục và Đào tạo, chịu trách nhiệm xây dựng trong thời hạn 12 tháng một đề án cải cách giáo dục toàn diện, kèm theo một lộ trình thực hiện đề án đó sau khi được Chính phủ đồng ý để trình Quốc hội thông qua.

Tổ đặc nhiệm này cần có một nòng cốt gồm một số không nhiều (dưới 5) những chuyên gia thật sự có năng lực và thật sự am hiểu giáo dục hiện đại, làm việc toàn thời gian, và bên cạnh đó một hội đồng rộng hơn, làm việc bán thời gian, gồm có đại diện bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà khoa học, nhà văn hoá, và doanh nhân.

Trong thời gian chuẩn bị đề án cải cách căn cơ, nên gác lại việc xây dựng chiến lược phát triển giáo dục 2008 - 2020 (cần rút kinh nghiệm về thất bại của chiến lược phát triển giáo dục 2000 - 2010). Đồng thời, để tạo cơ sở và mở đường chuyển sang cải cách toàn diện, cần tập trung giải quyết một số vấn đề cấp bách về những lỗi hệ thống trầm trọng đã nêu ở trên:

1) chính sách đối với thầy cô giáo, đặc biệt là nghịch lý lương/thu nhập hiện nay;

2) thi cử và đi liền với nó là phân ban ở THPT và chế độ tín chỉ ở đại học;

3) nhấn mạnh chất lượng và chuẩn mực thay vì chạy theo số lượng, bất chấp chuẩn mực;

4) cải tổ quản lý (đặc biệt quản lý tài chính), khắc phục bệnh tập trung quan liêu, tăng tính chuyên nghiệp và tính trách nhiệm, chống lãng phí, tham nhũng trong nội bộ ngành.

Theo M.Q
Sài Gòn Tiếp Thị