"Kéo" trường ĐH đẳng cấp quốc tế: Quả đắng của Singapore
Các Website khác - 18/12/2005

Các quan chức Singapore hẳn đã rút được một bài học để đời sau khi Warwick, trường ĐH danh tiếng của Anh quốc, khước từ lời mời lập một cơ sở quy mô tương đương tại đảo quốc sư tử. Đây là lần đầu tiên, một trường ĐH nước ngoài bác bỏ các điều kiện do phía Singapore đưa ra. Mới đây, tờ Asia Times đăng tải bài báo của Jaya Prakash, giảng dạy môn báo chí tại Beacon School of Technology (Singapore), bình luận về vụ việc này.

Soạn: AM 652991 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Sinh viên trường ĐH Warwick (Anh)

Chiến lược chuyển thành nền kinh tế dựa vào giáo dục

Từ đầu thập kỷ 90, các nhà kế hoạch của Singapore đã muốn thành lập đảo quốc này như là một quốc gia dựa vào GD, nơi mà mọi thứ từ nghệ thuật tới văn hóa và khoa học công nghệ sẽ phát triển mạnh. Singapore muốn tăng gấp đôi lượng SV quốc tế lên mức 150.000 SV đến trước năm 2015.

Đến nay, có 12 trường ĐH đẳng cấp quốc tế đã lập cơ sở hoặc hợp tác đào tạo với các trường ĐH ở Singapore, trong đó có trường kinh doanh hàng đầu INSEAD, University of Chicago Graduate Business SchoolJohns Hopkins.

Các trường ĐH nước ngoài mà phần lớn là các trường Mỹ cũng đã mở các cơ sở vệ tinh đưa ra các khóa đặc thù mà thông thường là theo hướng dạy nghề, các chương trình hoặc mở các chi nhánh với các trường ĐH ở Singapore nhưng chưa được phép cấp bằng tại đây.

ĐH Warwick (Anh) và ĐH New South Wales (Australia) là hai trường ĐH nước ngoài duy nhất được Ban Phát triển Kinh tế Singapore (EDB) chọn để lập mô hình trường có quy mô tương đương tại Singapore để có thể cấp các bằng cấp ĐH. Vào năm 2007, ĐH New South Wales - trường ĐH nước ngoài đầu tiên mở tại đảo quốc sư tử, sẽ đón khoảng 500 SV.

Không thu hút được Warwick

Tuy nhiên, ĐH Warwick đã khước từ lời mời lập một cơ sở toàn diện tại Singapore. Vậy chuyện gì đã xảy ra?

Theo Jaya Prakash, quyết định này là một đòn choáng váng trước chiến lược thu hút thêm SV và các nhà học giả nước ngoài của Singapore. Điều này có lẽ cũng là một sự trở ngại tạm thời trong nỗ lực muốn chuyển Singapore thành một nền kinh tế dựa vào giáo dục, giảm bớt phụ thuộc vào sản xuất.

48 thành viên Ban Giám hiệu ĐH Warwick đều không hài lòng với yêu cầu mà Singapore đưa ra. Việc này liên quan đến phong cách và danh tiếng của Warwick mà cốt yếu là “lối sống của Warwick”.

Theo hãng tin Reuters, điểm chủ chốt mà Ban Giám hiệu trường ĐH Warwick băn khoăn là tự do học thuật. ĐH Warwick tuyên bố nếu không có sự cam kết tích cực từ cộng đồng học thuật, Ban Giám hiệu kiên quyết không tiếp tục thực hiện mở một cơ sở toàn diện của trường tại đảo quốc này.

Mâu thuẫn về giá trị

Thio Li-ann, giáo sư luật ở Singapore, người tư vấn cho ĐH Warwick, đã cảnh báo Warwick rằng “chính phủ Singapore sẽ can thiệp nếu các báo cáo học thuật của Warwick nhận định tiêu cực về các chính sách của Singapore”. Trên thực tế, Singapore yêu cầu các cơ sở GD nước ngoài không được can thiệp đến các vấn đề nội bộ nước này.

Và rõ ràng rằng điều này dẫn đến một mâu thuẫn về giá trị.

Theo tờ Thời báo Tài chính của Anh, ĐH Warwick đã yêu cầu Singapore đảm bảo về việc bảo vệ SV của trường trong các mặt như tự do hội họp, ngôn luận và truyền thông cũng như hành đạo. Đấy là yêu cầu về sự đảm bảo trước tiên mà một trường ĐH nổi tiếng về năng lực nghiên cứu đưa ra - Warwick sợ rằng trường sẽ bị “ngăn chặn”. Hiển nhiên là Warwick không sẵn lòng mở cơ sở nếu trường này không được đảm bảo về tự do học thuật.

Khác với một số trường ĐH khác, chuyên môn và danh tiếng của Warwick chủ yếu là ở các chương trình khoa học xã hội. Vì vậy, trường này yêu cầu các nhà học giả phải đưa ra một lượng lớn các bài phân tích và điều tra trong các bài giảng. Làm ảnh hưởng hoặc loại bỏ cách thức này - tức cắt bỏ các khía cạnh của tiến trình nghiên cứu mà có thể khiến các học giả của ĐH Warwick bất đồng với chính phủ – có thể đi ngược lại nỗ lực thu hút trường ĐH Warwick của Singapore.

Việc đáp ứng các tiêu chuẩn của Singapore sẽ là một thỏa hiệp lớn đối với ĐH Warwick, và điều này có thể khiến các nhà ra quyết định của Warwick kết luận rằng đó là điều không đáng. Nếu lấy điều này làm tiêu chuẩn đánh giá thì những lo lắng của Warwick không phải là vô lý. Chính nhiều nhà học giả ở Singapore cũng từ chối không bình luận về tình huống của Warwick.

Warwick, xếp thứ 8 trong số các trường ĐH Anh trong bảng xếp hạng các trường ĐH tốt của The Times, nổi tiếng về tính đa dạng – SV của Warwick thuộc tất cả các nền chính trị khác nhau. Ví dụ, Warwick không ngần ngại khi gần đây, trường đã mời Salman Rushdie, tác giả cuốn sách Những
vần thơ của quỷ Satan (1989) đến nói chuyện. (Cuốn Những vần thơ của quỷ sa tăng bị kết tội phỉ báng đạo Hồi, Salman Rushdie đã bị giáo chủ Khomeyni của Iran ra lệnh cho tín đồ đạo Hồi toàn thế giới xử tử. Tác phẩm này đã gây lên một vụ bê bối chưa từng có không những về văn chương mà cả về tôn giáo, xã hội và chính trị).

Bởi vì những hoạt động kiểu này sẽ không thể được thực hiện tại Singapore, một nhà quan sát nhận định rằng nước này không “sẵn sàng” đón nhận ĐH Warwick.

Vụ việc có thể ảnh hưởng đến cơ hội của Singapore để trở thành một trung tâm GD, vì các trường ĐH khác cũng đang theo dõi sự kiện này.

Jaya Prakash kết luận: Lẽ ra, Singapore phải rộng tay chào đón ĐH Warwick đến thiết lập một cơ sở đào tạo nơi SV không bị hạn chế sự tự do học thuật. Từ bài học này, không hiểu EDB sẽ làm gì tiếp theo để không làm trật mục tiêu chuyển đảo quốc sư tử thành một nền kinh tế dựa vào GD.

  • Vũ Minh Thương (Tổng hợp)