Nghiên cứu khoa học tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, một trong những tổ chức khoa học - công nghệ đã tự trang trải được kinh phí - Ảnh: Qưốc Tuấn |
Nhưng nghị định 115 - vốn được xem là “khoán 10” trong KH&CN - sẽ góp phần như thế nào vào sự phát triển của nền KH&CN VN? Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Quân, vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN), cho biết:
- Lần này Chính phủ khẳng định quyết tâm thay đổi phương thức đầu tư cho các tổ chức KH&CN: ngân sách dành cho các tổ chức KH&CN tiếp tục tăng theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng kinh phí đầu tư sẽ được cấp thông qua nhiệm vụ cụ thể chứ không theo biên chế cơ hữu.
Nghị định mới qui định từ nay đến hết năm 2009, các tổ chức KH&CN phải lựa chọn một trong hai hình thức để chuyển đổi, hoặc là chuyển sang hình thức tổ chức KH&CN tự trang trải kinh phí, hoặc là chuyển sang hình thức doanh nghiệp KH&CN.
Do đó, nghị định qui định cho phép các tổ chức KH&CN khi sản xuất, kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như doanh nghiệp, cho phép họ được xuất, nhập khẩu trực tiếp, được quyền mời chuyên gia nước ngoài và có chế độ trả lương cho chuyên gia, được quyền cử cán bộ ra nước ngoài.
Để các tổ chức KH&CN hoạt động như doanh nghiệp, Nhà nước sẽ giao cho họ quản lý và sử dụng tài sản thuộc nguồn của Nhà nước. Điểm mới tiếp theo là thu nhập của cán bộ khoa học.
Nghị định 115 qui định sau khi hoàn thành tất cả nghĩa vụ đối với Nhà nước và trích lập các quĩ theo qui định, các tổ chức KH&CN được quyền chi phần còn lại cho thu nhập của cán bộ, không giới hạn mức tối đa.
Về tổ chức biên chế, xác định nhiệm vụ, theo nghị định mới, các tổ chức KH&CN được quyền tự xác định nhiệm vụ của mình, thay vì để cơ quan chủ quản xác định nhiệm vụ như trước đây.
Thủ trưởng các tổ chức KH&CN được quyền tuyển dụng viên chức, đặc biệt cho phép thủ trưởng có quyền nâng lương vượt bậc cho những người có thành tích xuất sắc.
Thủ trưởng các tổ chức KH&CN cũng được quyền bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo đối với cán bộ, viên chức sau khi hết hạn tập sự và đã làm hợp đồng làm việc từ ba năm trở lên.
Trước đây có những nhà khoa học chưa dấn thân một phần do cơ chế làm họ mất động lực. Ngược lại, có những nhà khoa học chỉ dựa vào cơ chế, không cần làm gì vẫn được trả lương, hằng năm vẫn nhận đề tài nghiên cứu rồi kết quả không ứng dụng được mà không bị ai khiển trách, xử lý. Vì thế, nghị định ra đời sẽ giải quyết vấn đề này. Khi Nhà nước không bao cấp nữa thì các nhà khoa học sẽ phải lao vào thực tiễn tìm kiếm đề tài xuất phát từ nhu cầu thật của sản xuất, nếu không sẽ không tồn tại được. Mặt khác, Nhà nước cho anh tự chủ nhưng quản chặt đầu vào, đầu ra của đề tài. Do đó, nhà khoa học sẽ phải năng động hơn, và do được quyền tự chủ cao hơn, thu nhập tốt hơn, nhà khoa học sẽ có điều kiện cống hiến tốt hơn. |
- Trước khi nghị định ra đời đã có một số tổ chức tự chủ được rồi, còn những tổ chức khác Nhà nước đặt ra thời gian quá độ, tức là từ 2006-2009 Nhà nước vẫn cấp kinh phí hỗ trợ hoạt động thường xuyên như trước đây và trong thời gian đó cho họ sắp xếp lại bộ máy, làm quen với thị trường, với cách xác định nhiệm vụ và tổ chức sản xuất theo cơ chế thị trường.
Sau năm 2009 mà không có khả năng chuyển đổi thì Nhà nước sẽ sáp nhập hoặc giải thể. Những tổ chức nào chuyển đổi sớm sẽ có chính sách khuyến khích.
Hiện nay cả nước có trên 500 tổ chức KH&CN công lập, tôi chưa biết sau bốn năm được Nhà nước hỗ trợ, bị cơ chế mới thúc ép thì có biến động gì không, nhưng nếu căn cứ trên tình trạng hoạt động hiện nay thì sẽ có khoảng 1/3 số tổ chức phải giải thể hoặc sáp nhập vì có nhiều tổ chức chỉ tồn tại trên danh nghĩa, lực lượng mỏng, nhiều năm không có công trình, sản phẩm gì đáng kể.
* Thưa ông, nghị định 115 được xem là khoán 10 trong khoa học và được các nhà khoa học trông đợi từ rất lâu nhưng tại sao đến thời điểm này mới ra đời?
- Có hai nguyên nhân. Thứ nhất, chủ trương lớn của Nhà nước trước đây chưa rõ. Chỉ từ khi kết luận của Hội nghị trung ương 6 khóa IX xác định phải “từng bước chuyển các tổ chức nghiên cứu triển khai sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp”, sau đó được nhắc lại một cách quyết liệt hơn ở nghị quyết của Hội nghị trung ương 9 khóa IX năm vừa rồi “khẩn trương chuyển các tổ chức nghiên cứu triển khai sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp” thì mới có cơ sở về mặt chủ trương để làm. Trước đây mà đưa ra chuyện một viện nghiên cứu khoa học có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì chắc chắn nhiều bộ, ngành khó chấp nhận.
Thứ hai, đã đến lúc chúng ta nhận thấy sự bao cấp của Nhà nước là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ của hoạt động khoa học, vì thế phải tháo gỡ. Kết hợp hai nguyên nhân đó nghị định 115 mới ra đời.
Mặc dù vậy, quá trình xây dựng cũng phải tranh luận căng thẳng vì không dễ thay đổi tư duy của một số nhà khoa học, một số bộ, ngành.
Các nhà khoa học e ngại nếu khoán thế này sẽ dẫn tới chuyên quyền, độc đoán, dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên, cuối cùng cũng đạt được sự đồng thuận.
* Vậy theo ông, sự ra đời của nghị định 115 sẽ góp phần như thế nào vào sự phát triển của nền KH&CN?
- Chắc chắn sẽ có biến đổi tốt. Đối với các tổ chức KH&CN nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách, nghị định 115 qui định Nhà nước sẽ vẫn tiếp tục cấp kinh phí hoạt động thường xuyên, tất nhiên sẽ không phải theo biên chế đầu người mà sẽ dần chuyển sang phương thức cấp kinh phí theo nhiệm vụ được giao.
Còn những tổ chức có điều kiện sản xuất kinh doanh thì việc ra đời của nghị định 115 sẽ giúp họ được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn. Ngoài ra, họ sẽ có điều kiện đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất vì bản thân họ có chức năng sản xuất kinh doanh.
KHIẾT HƯNG thực hiện
▪ Phạm vi kiến thức thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ tương đương như thi tự luận (23/09/2005)
▪ Thành lập Trường CĐ Điện lực TP.HCM (23/09/2005)
▪ Rớt, đậu và đường đời (24/09/2005)
▪ Ước mong (24/09/2005)
▪ 80.000 USD hỗ trợ thiết bị công nghệ cao cho trường ĐH (23/09/2005)
▪ Mua bảo hiểm để được ưu tiên tuyển sinh? (24/09/2005)
▪ Tráo bài thi tại Học viện Ngân hàng (23/09/2005)
▪ Lần đầu tiên, Hà Nội “chấm điểm” trường học (23/09/2005)
▪ Chưa thi đã thu học phí! (23/09/2005)
▪ "Vững kiến thức: Trắc nghiệm hay tự luận đều làm được" (24/09/2005)