Không có lý do gì để chần chừ
Các Website khác - 21/12/2005

Bộ GD-ĐT vừa chính thức cho phép chín trường ĐH trong cả nước được thực hiện thí điểm đào tạo một số ngành theo chương trình, giáo trình tiên tiến của một số trường ĐH nước ngoài. Đối tượng nào sẽ được theo học các chương trình tiên tiến? Các chương trình tiên tiến (CTTT) sẽ được chuyển giao và thực hiện đào tạo ở các cơ sở đào tạo trong nước như thế nào?

Soạn: AM 655439 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết:

- Sau khi xem xét các đề án đăng ký đào tạo theo chương trình, giáo trình tiên tiến của các trường ĐH trong cả nước, Bộ GD-ĐT đã lựa chọn được một số trường có đủ năng lực về cơ sở vật chất và đội ngũ GV để bắt đầu thí điểm đào tạo 10 chương trình, giáo trình tiên tiến các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật - công nghệ và quản lý kinh tế.

Khóa đầu tiên đào tạo theo các CTTT sẽ bắt đầu được thực hiện từ năm học 2006-2007. Căn cứ trên hiệu quả của các chương trình đào tạo thí điểm, bộ sẽ tiếp tục thẩm định và từng bước mở rộng các trường ĐH tham gia và số lượng các chương trình đào tạo trong những năm tiếp theo.

Nếu triển khai được việc này càng sớm, chủ động chuyển giao chương trình và công nghệ đào tạo tiên tiến, chúng ta càng sớm có được các chương trình đào tạo và bằng cấp được quốc tế thừa nhận gắn với tên những trường ĐH của VN.

Bộ khuyến khích thí điểm các chương trình tiên tiến

- Có thể gọi đó là một hình thức liên kết đào tạo chất lượng cao với nước ngoài, thưa ông?

- Trước hết tôi phải khẳng định các CTTT hoàn toàn không phải là các chương trình liên kết đào tạo. Các chương trình liên kết đào tạo có đối tác nước ngoài, có thể giảng dạy theo chương trình của họ, do trường nước ngoài hoặc hai trường cùng cấp bằng.

Còn các CTTT là những chương trình hoàn toàn của VN có sử dụng chương trình, giáo trình, công nghệ đào tạo tiên tiến của nước ngoài, do các trường ĐH VN thực hiện đào tạo và cấp bằng.

Trong đó, điểm khác biệt quan trọng nhất là các chương trình liên kết đào tạo là sự thỏa thuận giữa hai cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Khi các điều kiện và quyền lợi gặp nhau thì hai bên phối hợp cùng nhau thực hiện, trường ĐH VN phải đáp ứng những ràng buộc về quyền lợi và trách nhiệm với đối tác nước ngoài, kể cả mức học phí...

Như tôi đã nhấn mạnh, việc đầu tư thực hiện những CTTT là bắt đầu việc xây dựng một số thương hiệu GDĐH của VN, để làm động lực về chất lượng và công nghệ đào tạo cho toàn hệ thống GDĐH của chúng ta.

- Thưa ông, vậy một CTTT sẽ có gì khác biệt so với các chương trình đào tạo cùng ngành ở các trường ĐH nước ta hiện nay?

- Các đề án đào tạo do các trường ĐH gửi về bộ đều đã được xét duyệt dựa trên những tiêu chí xem xét từ cả hai phía: đối tác nước ngoài và cơ sở trong nước sẽ thực hiện đào tạo. Từ đó, bước đầu hiện chúng tôi mới chỉ cho phép thí điểm 10 CTTT.

Những yếu tố quan trọng để chúng tôi đánh giá là nguồn gốc của chương trình từ trường ĐH và nước nào? Trường ĐH đó đã được kiểm định chưa? Mức độ uy tín, chất lượng đào tạo của các trường ĐH nước ngoài nơi đã xây dựng chương trình, giáo trình sẽ đóng vai trò quan trọng trong đánh giá.

Một tiêu chí quan trọng nữa là chất lượng đội ngũ GV của trường ĐH đề nghị được áp dụng CTTT, trong đó quan trọng là tỉ lệ GV có khả năng dạy bằng tiếng Anh, bằng cấp, tỉ lệ GV tốt nghiệp ở nước ngoài về... Và một tiêu chí không thể thiếu được là cơ sở vật chất của trường, khả năng đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế. Để thực hiện được, đòi hỏi các trường phải có sự đầu tư chuẩn bị đồng bộ về GV, cơ sở vật chất, quản lý và tổ chức đào tạo.

Khi lựa chọn được những CT đào tạo của các trường ĐH có uy tín, chắc chắn các CTTT sẽ có những ưu điểm so với mặt bằng ĐH chung của chúng ta hiện nay: nội dung chương trình, hệ thống giáo trình hoàn chỉnh, hiện đại, có chất lượng hơn gắn liền với những yêu cầu tương ứng về đội ngũ GV, phương pháp đào tạo, phương pháp đánh giá… Tất cả đều đạt chuẩn mực quốc tế và được quốc tế thừa nhận.

- Thưa ông, một trong những kinh nghiệm quan trọng nhất để đổi mới giáo dục ĐH thành công đã được Singapore đúc kết là phải học tập công nghệ (đào tạo) nguồn, không chấp nhận bắt chước những bản sao thứ cấp, tránh tình trạng “tam sao thất bản”. Vậy còn chúng ta, khi áp dụng các CTTT, chúng ta có áp dụng nguyên tắc này?

- Có chứ. Không phải chương trình nào có yếu tố “ngoại” cũng được nhận là tiên tiến, không phải trường ĐH nào cũng có thể triển khai CTTT. Phải có sự thẩm định chặt chẽ của Bộ GD-ĐT về chất lượng chương trình, khả năng thực hiện có đảm bảo chất lượng đó...

Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường thực hiện đào tạo thí điểm theo các chương trình tiên tiến gốc từ nước ngoài với yêu cầu rõ ràng: phải là các chương trình có chất lượng đã được kiểm định và được sử dụng ở các trường uy tín của nước ngoài, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tế của VN.

Có thể nói là các CTTT đều được “nhập khẩu” trọn gói, đồng bộ từ nội dung chương trình, giáo trình, quy trình đào tạo và cả phương thức kiểm tra, đánh giá. Chỉ có một điểm khác là các môn khoa học Mác - Lênin phải được giảng dạy trong CTTT nhưng có thể được bố trí một cách hợp lý trong một khoảng thời gian nhất định và phù hợp với điều kiện học tập và giảng dạy của mỗi chương trình.

Chính phủ và xã hội đều ủng hộ

- Các chương trình này sẽ giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh?

- Đúng vậy. Các CTTT sẽ được giảng dạy bằng tiếng nước ngoài phù hợp với “nguồn” chương trình được sử dụng, chủ yếu là tiếng Anh. Điều này đã được Luật Giáo dục sửa đổi cho phép. Riêng một số môn đặc thù như các môn khoa học Mác - Lênin thì vẫn được giảng dạy bằng tiếng Việt.

- Thưa Thứ trưởng, với những yêu cầu cao như vậy, liệu các trường ĐH đã có đủ sức thực hiện các CTTT khi quy trình và chất lượng đào tạo ĐH của VN đang bị phê phán là “xa rời các chuẩn mực quốc tế”?

- Bước vào thực hiện, nhất là trong giai đoạn đầu tiên thí điểm như hiện nay, các trường ĐH đang phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ. Làm sao để tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế? Đó thực sự là một thách thức lớn đối với các trường ĐH của chúng ta, kể cả các trường trọng điểm.

Tiếp theo là khó khăn do trình độ ngoại ngữ và trình độ chuyên môn của các GV tham gia giảng dạy, cán bộ quản lý còn hạn chế. Khó khăn thứ ba là sự nhanh nhạy trong việc cập nhật và đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá, quản lý chương trình sao cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Khó khăn thứ tư là cơ chế về tài chính quy định về việc thu chi học phí và sử dụng kinh phí, chế độ lương, phụ cấp giảng dạy cho các GV...

Thù lao trả cho các GV giảng dạy cho CTTT như thế nào để tương xứng với trình độ chuyên môn cũng đang là một câu hỏi lớn. Để đầu tư đáp ứng đủ yêu cầu đào tạo theo chuẩn mực quốc tế, đòi hỏi sẽ phải có những cơ chế chính sách phù hợp để các trường có thể thực hiện được.

Khó khăn cuối cùng, theo chúng tôi là thuộc về người học: cần phải thay đổi tư duy học và nghiên cứu một cách thụ động bằng các biện pháp học và nghiên cứu chủ động hơn trong quá trình thu nhận kiến thức mới có thể trở thành SV của các CTTT.

Sẽ phải gặp không ít khó khăn nhưng theo chúng tôi đây là thời điểm thuận lợi để thực hiện kế hoạch này vì rất nhiều lý do. Lý do quan trọng nhất là việc triển khai đào tạo theo chương trình, giáo trình tiên tiến nhận được sự ủng hộ cao của Chính phủ bằng việc thông qua Nghị quyết về cơ bản đổi mới và toàn diện GDĐH VN giai đoạn 2006-2020.

Thuận lợi thứ hai là sự ủng hộ của xã hội, của người dân với yêu cầu muốn được học những chương trình có chất lượng cao ngang tầm khu vực và thế giới.

Thuận lợi thứ ba là việc bản thân các trường ĐH rất ủng hộ chủ trương này và họ đã chủ động chuẩn bị tham gia. Và nếu đã chậm, đã thua kém thì càng không có lý do gì để chúng ta chần chừ, chậm trễ hơn nữa, để bị tụt hậu không thể rút ngắn khoảng cách với GDĐH của khu vực và quốc tế.

Mong các nhà khoa học trẻ về nước giảng dạy

- Như Thứ trưởng đã từng nhận định, trình độ tiếng Anh, khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại trong giảng dạy của đội ngũ GV ĐH hiện nay còn rất hạn chế? Vậy Bộ GD-ĐT nhìn vào nguồn nhân lực nào để triển khai các chương trình tiên tiến giảng dạy bằng tiếng Anh?

- Tôi cho rằng không đơn giản đưa chương trình, giáo trình của nước ngoài vào dạy ở trường ĐH là chúng ta đã có các CTTT. Chắc chắn khi đào tạo theo những CTTT, các trường ĐH của chúng ta phải có sự đổi mới thực sự về công nghệ giảng dạy, không thể tiếp tục phương pháp “thầy đọc trò ghi”, đội ngũ GV phải có phương pháp giảng dạy mới, đánh giá theo cách mới.

Ngay từ khi chỉ đạo các trường lập đề án đào tạo CTTT, chúng tôi đã đặc biệt chú ý đến vấn đề chuẩn bị đội ngũ GV. Đây là sẽ một yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành công của các CTTT.

Trong hướng dẫn triển khai chi tiết cho các trường tham gia thí điểm, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải có đội ngũ GV đạt các tiêu chí cụ thể về cả số lượng và chất lượng, đòi hỏi song song cả trình độ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ để giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, khả năng sử dụng các phương tiện hiện đại...

Đội ngũ GV có thể huy động và tập hợp được, ngoài những GV mời từ nước ngoài, chúng ta có thể trông cậy vào hàng ngàn GV trẻ được cử đi đào tạo nước ngoài trong những năm gần đây. Bộ cũng khuyến khích các trường sử dụng GV là người nước ngoài hoặc Việt kiều tham gia giảng dạy. Có thể nói về nguồn nhân lực, chúng ta không phải quá lo lắng sẽ thiếu thầy giỏi.

Vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào để phát huy được khả năng của họ và chế độ thù lao như thế nào cho tương xứng. Đây chính là vấn đề mà bộ sẽ phải cùng với các trường nghiên cứu, đề xuất những chính sách cụ thể, đủ sức thu hút đội ngũ trẻ đã và đang được đào tạo ở nước ngoài về tham gia.

Nhưng mặt khác, có thể nói đây là một cơ hội để không ít GV trẻ được đào tạo ở nước ngoài có thể về nước phát huy khả năng của mình. Chính vì vậy, tôi rất mong các GV, nhà khoa học trẻ đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài quan tâm đến việc các trường ĐH của chúng ta thực hiện các CTTT và kêu gọi các bạn trở về tham gia, đóng góp tài năng, tâm huyết của mình.

- Vậy còn nguồn tuyển cho các CTTT khi chương trình được giảng dạy gần như hoàn toàn bằng ngoại ngữ? Phương thức thi tuyển sinh có gì khác với tuyển sinh đại trà vào ĐH, CĐ?

- Về tuyển sinh, các yêu cầu cụ thể sẽ tùy thuộc từng CTTT ở từng trường, phụ thuộc vào việc chương trình dạy bằng tiếng Anh hay ngoại ngữ nào khác. Nhưng về cơ bản, trước mắt, trong giai đoạn thí điểm, SV có nguyện vọng theo học các CTTT vẫn phải đáp ứng các yêu cầu chung về tuyển sinh ĐH, sau khi trúng tuyển vào trường, nếu đáp ứng đủ các điều kiện, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, SV có thể đăng ký theo học các CTTT.

Chúng tôi xác định vẫn phải đảm bảo nguyên tắc tuyển chọn tuyển chọn chặt chẽ trong tuyển sinh vì đây là đào tạo ĐH chính quy, thậm chí yêu cầu về “đầu vào” còn có phần cao hơn đại trà. Đây cũng là một điểm khác với đa số chương trình liên kết đào tạo là đầu vào chỉ xét tuyển, để được tuyển vào các CTTT, bắt buộc thí sinh cần phải tham dự kỳ thi tuyển sinh hàng năm và phải trúng tuyển ĐH đã.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

  • Theo Thanh Hà (Tuổi trẻ)