"Không phải ai cũng đòi lương cao, chức trọng"
Các Website khác - 13/10/2005
Chưa đồng ý với những phân tích "Ai nên về, ai nên ở lại" của Châu Hồng Lĩnh, bạn Trần Trung Nhất, ĐH Marryland - Hoa Kỳ, email: trungnhatdung@....) gửi ý kiến tranh luận.

Bạn Linh thân mến! Trước hết tôi rất hân hạnh được đọc một số lời bình của bạn về chuyện quá to tát như thế. Tuy nhiên, tôi cũng xin tranh luận với bạn một số điểm.

Sử dụng chất xám, sử dụng con người là một vấn đề lớn mà khi bàn luận về nó, bạn phải xét trên nhiều góc độ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa khác nhau kẻo rất dễ sai lầm để đưa ra một nhận xét duy ý chí.

Tôi xin tranh luận với bạn một số điểm như sau: Thứ nhất, tựa đề "Ai nên về, ai nên ở lại.." một phần nào nâng cao quan điểm cá nhân, lợi ích cá nhân nhiều quá và hoàn toàn đi ngược lại với chủ trương của nhà nước là thu hút chất xám người Việt hải ngoại để về xây dựng đất nước.

Câu nói này vô tình đã dội một gáo nước lạnh vào chủ trương đó và làm nản lòng biết bao nhiêu du học sinh đang di học ở nước ngoài trong dó có tôi, vốn nung nấu ý chí về cống hiến cho đất nước.

Bởi vì thưa bạn, nhiều người - trong đó có tôi - không hẹp hòi nghĩ đến chuyện về cống hiến cho đất nước là phải được lương cao, có chức vụ trọng vọng, mà đơn giản với họ - và trong đó có tôi - chỉ để cống hiến thôi bạn ạ. Với nhiều người- trong đó có tôi - họ sẵn sàng đi xe đạp đến một phòng thí nghiệm uy tín nhất của Việt Nam để làm việc.

Cái nạn quan liêu, bề ngoài, kiểu cách đã vô tình có cơ hội giao thoa trong nền văn hóa Việt Nam đã tạo nên một số con người Việt Nam một số suy nghĩ mang tính hình thức, trưởng giả nếu không muốn nói là xấu.

Bạn lại nói rằng nên biết mình là ai. Câu này nhiều người đọc rất dị ứng và người ta sẽ nghĩ ngay đến khả năng rằng bạn là con của quan chức (?).

Tôi cũng thế đấy bạn à! Nhưng xin thưa bạn, tôi không cần biết mình là ai cả. Khi về, tôi chỉ mở doanh nghiệp tư nhân thôi. Bạn tôi cũng thế, nó mong ước khi về chỉ kiếm mỗi tháng ngàn đô để nuôi mẹ già và 5 đứa em ăn học, chẳng phải là chính đáng sao?

Một anh bạn tôi cũng là con một quan chức ở Bộ, hứa là sau khi đi học về sẽ dành cho anh một "chỗ" đàng hoàng. Từ đó là anh khuyên những người có cùng ngành nghề với anh nên ở lại Mỹ. Và lẽ đương nhiên lòng tin của tôi về một suy nghĩ công bằng của anh ấy không còn.

Nếu là nói nên biết mình là ai thì có lẽ an phận và bạc nhược. Chúng ta phải biết đấu tranh và đi lên vì những gì tốt đẹp nhất. Nếu cấp trên của mình làm sai thì mình phải đấu tranh, bởi vì cái chức không phải là của ông ấy, của gia đình ông ấy mà là cái vị trí mà xã hội, do dân, do nước giao cho.

Thứ ba nữa, bạn nói chỉ những ngành kinh tế, văn hóa, quy hoạch đô thị, .. là có nên về, thế những ngành khác không nên về à?

Bạn có biết nước ta là nước nông nghiệp với hơn 60% lao động làm việc cho ngành này và theo quy hoạch tổng thể đến năm 2020, Việt Nam là một nước công nghiệp và các giá trị thặng dư do nông nghiệp đem lại là tiền đề quan trọng để đầu tư phát triển công nghiệp mà các lý thuyết kinh tế học kinh điển đã đề ra. Vậy thì, những người học về nông nghiệp, công nghệ sinh học nông nghiệp không nên về sao?

Thứ tư, bạn lại nói "những người nên về là những người … có mối quan hệ tốt …? Như thế nào là quan hệ tốt? Một người bạn tôi ở TP. Hồ Chí Minh chả có mối quan hệ nào được nhận vào làm tại một cơ quan nhà nước tại Hà nội khi du học về và phát huy năng lực rất tốt. Có sao đâu bạn.

Lại nói anh bạn khác, khi mới du học về rất giỏi do "có quan hệ tốt" ở một tỉnh lẻ nên nhậu nhẹt, thăng quan tiến chức … và bây giờ muốn đi học tiếp tiến sĩ thì không đi nổi vì cái đầu bây giờ ..toàn rượu và bia.

Đây là vấn đề khó đấy bạn ạ, gởi đi đào tạo đã khó mà khi trở về sử dụng càng khó hơn nữa. Đây là bài toán mang tầm chiến lược, phải có cơ chế chính sách, tạo ra một thị trường khoa học công khai, thi tuyển chức danh công khai, cải thiện chế độ lương bổng… thì họa may mới phát huy được tình hình. Mà chính phủ ta hiện vừa ban hành cơ chế "khoán 10" trong khoa học là một bước đột phá.

Lời kết của tôi là "Đừng bao giờ bi quan" phải đấu tranh vì những giá trị tốt đẹp, có đấu tranh mới phát triển, phải đấu tranh cho những gì tinh hoa của dân tộc Việt và để đạt được một xã hội tiến bộ thì phải có những người không ngừng đấu tranh.

  • Trần Trung Nhất (ĐH Marryland - Hoa Kỳ)

Ý kiến của bạn: