So với trẻ cùng tuổi khác, Lý Thanh Tề, 9 tuổi, không ở lớp nhiều nhưng lại học nhiều hơn. Bố của cô bé, ông Lý Thuyết Quân, 62 tuổi, dạy cô Trung văn, Toán, Họa, Âm nhạc và thậm chí cả Chiêm tinh học và Nghệ thuật chiến tranh.
Ngày nay, ở Trung Quốc, những cô bé như Lý Thanh Tề không phải là hiếm. Mặc dù không có con số thống kê chính xác những người học tại gia ở Trung Quốc, nhưng những báo cáo không ngừng về các trường hợp được nêu trên phương tiện đại chúng cho thấy con số là rất lớn.
Thà tự mình dạy con...
Các bậc phụ huynh muốn con cái học ở nhà đa phần vì họ không tin chúng có thể học những điều thực sự cần thiết ở trường. "Hầu như các môn học nhà trường đưa ra đều vô dụng đối với tương lai của con tôi. Tôi thà tự mình dạy con cái gì đó có ích hơn là tốn tiền cho nó đi học ở trường", ông Lý Thuyết Quân khẳng định.
"Cái gì có ích" trở nên rõ ràng khi bước vào nhà ông này. Trên trần và tường dán đầy những biểu đồ hình sao Lý Thuyết Quân vẽ. Gần cửa sổ treo một bản hợp xướng âm nhạc cổ điển Trung Quốc. Vật đáng giá nhất trong gia đình là 2 chiếc đàn violin và chiếc đàn organ điện tử. Lý Thuyết Quân chỉ mới tốt nghiệp tiểu học, nhưng giờ đây ông là giáo viên duy nhất của con gái. Ông tin rằng mình thừa trình độ dạy con và sẽ thuê gia sư kèm cặp khi không thể vận dụng bài giảng.
Duy Nguyên, giảng viên Học viện Bạch Vân ở Quảng Châu cũng là một giảng viên tại gia. Ông quyết định cho cô con gái 9 tuổi, Duy Tiểu Hỷ, học ở nhà từ năm 2000 vì cảm thấy giáo dục của trường còn rất nhiều khuyết điểm. Duy nói với một tờ báo địa phương: "Lý do quan trọng là tôi thất vọng với phương pháp giảng dạy ở trường tiểu học và trung học cơ sở. Rất sáo rỗng. HS phải làm đi làm lại các phép toán và chúng không được phép thể hiện bản thân một cách tự do trong các bài luận".
Duy Nguyên cũng cho rằng, học sinh không cần phải học 9 hay 12 năm để hoàn thành khóa học ở trường tiểu học và trung học cơ sở. Nếu chúng học nhanh và việc giảng dạy có hiệu quả một nửa thời gian trên cũng đã là đủ.
Duy Nguyên mua sách và tự học tiếng Hán, tiếng Anh và vi tính. Vợ ông chịu trách nhiệm về Toán, Âm nhạc, Nghệ thuật và Thể dục. Cô bé Duy Tiểu Hỷ học rất nhanh. Trong vòng một năm rưỡi cô bé đã học xong khóa học của năm thứ nhất ở cấp trung học cơ sở. "Chúng tôi không muốn đào tạo một thiên tài. Tôi cho cháu học ở nhà vì tin rằng các phương pháp giảng dạy đều thích nghi cho mỗi nhu cầu của trẻ."
Bỏ học để tập trung... chuyên môn
Tuy nhiên, Đinh Văn Quân lại hy vọng nuôi dưỡng một thiên tài qua việc học ở nhà. Từng là một doanh nhân ở Yixing, một thành phố nhỏ ở tỉnh Giang Tô, phía Đông Trung Quốc, ông tương đối nổi tiếng sau khi cậu con trai Đinh Quân Hội 18 tuổi đánh bại tay cơ 7 lần vô địch thế giới, Stephen Hendry, để giành chức quán quân giải snooker Trung Quốc mở rộng năm 2005.
ĐInh Quân Hội rời trường học lúc 10 tuổi vì bố cậu tin rằng cậu là một thiên tài chơi snooker, và cậu nên tập trung vào việc chơi môn thể thao này. Đinh Văn Quân từ bỏ công việc kinh doanh ở quê nhà, bán nhà và đưa con trai đến Đông Quan, tỉnh Quảng Đông nơi môn snooker rất phổ biến. Họ thuê một căn nhà nhỏ và bắt đầu 8 năm luyện tập mang đến cho Văn Quân chiến thắng trong tháng 4 vừa qua.
"Cuộc đời là việc đánh bạc. Thậm chí đi học cũng là việc đánh bạc. Thất bại không là gì cả, miễn là bạn tin tưởng những gì bạn đang làm xứng đáng với kết quả đạt được." Đinh Văn Quân nói.
Nhưng liệu mọi "HS tại gia" có đủ may mắn để chiến thắng trong canh bài này không?
Bất hợp pháp?
Ngày 15/3, Lý An Tô, mẹ của Lý Thanh Tề và là bạn gái cũ của Lý Thuyết Quân đã kiện ông này vì vi phạm luật giáo dục bắt buộc của nước CHND Trung Hoa và luật của nước CHND Trung Hoa về quyền bảo vệ trẻ vị thành niên. Vụ việc gây ra tranh luận ầm ĩ.
Luật giáo dục bắt buộc quy định cộng đồng, nhà trường và gia đình phải bảo vệ quyền lợi được học tập của trẻ em và trẻ vị thành niên trong độ tuổi đi học.
Đàm Tông Triết, phó Giáo sư trường ĐH Khoa học Chính trị và Luật Tây Nam nói trong một buổi phỏng vấn của Đài truyền hình Trùng Khánh: "Luật của nước ta chỉ rõ giáo dục tiểu học và trung học cơ sở là bắt buộc. Cha mẹ và người bảo trợ nên cho trẻ đến tuổi đi học được đi học. Nếu không làm tròn nghĩa vụ này, họ sẽ bị cưỡng chế phải làm."
Tôn Giang Dũng, phó Hiệu trưởng trường tiểu học Bảo Thông Thụ ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên lại có ý kiến khác. Ông này cho rằng, điều khoản trong luật chỉ đề cập đến những người không mang chương trình giáo dục đến cho trẻ. Trong khi, hầu hết các bậc cha mẹ dạy con học ở nhà đều cố gắng để con cái có được hệ thống giáo dục tốt hơn.
Ngày 27/5 vừa qua tòa án xem xét và ra phán quyết Lý Tề Quân phải cho con đi học. Ông này trả lời là sẽ không bao giờ cho con gái đến trường nữa.
Vấn đề "xã hội"
Ở Mỹ, giáo dục tại gia là hợp pháp. Tuy nhiên, các phụ huynh dạy con học ở nhà vẫn có mối lo về khả năng hòa nhập với xã hội của con cái khi thiếu kinh nghiệm về trường học thông thường. Hiện đây cũng là vấn đề gây tranh cãi giữa các nhà tiên phong về giáo dục tại gia ở Trung Quốc.
Cha mẹ cô bé Duy Tiểu Hỷ đã sớm gặp phải vấn đề này. Ở nhà, bà và chồng đóng vai trò giáo viên, bạn học và đồng thời là người ganh đua. Họ đã thử rất nhiều cách để con gái họ giao tiếp với xã hội như đưa đi tham quan, đến hiệu sách và đến nhà bạn bè. Nhưng, bà thừa nhận: "Giáo dục tại gia thiếu sự giao tiếp và cạnh tranh".
Giáo sư Lục Dư Quán của ĐH giáo dục Tứ Xuyên cho rằng, mối quan hệ đơn giản trong gia đình khó có thể kích thích được sự phát triển toàn diện nhân cách của trẻ. Theo ông, sự tương tác giữa giáo viên và HS và giữa HS với nhau, thậm chí cả những gì bọn trẻ nhìn thấy trên đường đi học, là một phần của sự hòa nhập với xã hội.
Duy Tiểu Hỷ, học một năm rưỡi ở nhà và trở lại trường tháng 10/2001. Hiện cô bé đang học ở một trường trung học cơ sở ở Quảng Châu. Đinh Quân Hội cũng đang nghĩ đến việc đi học lại. Cậu đã nộp hồ sơ vào trường ĐH Phúc Đán ở Thượng Hải nhưng bị từ chối. Thần đồng snooker này cùng với bố vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực để theo đuổi việc học tập theo cách thông thường.
Mặc dù nhiều HS đã trở lại trường học, nhưng một số chuyên gia có thái độ cởi mở đối với việc giáo dục tại gia. Theo Mạnh Tứ Thanh, học giả của Viện Khoa học giáo dục Thiên Tân nói: "Giáo dục tại gia đánh dấu một bước tiến về giáo dục ở Trung Quốc. Tương lai, cần thiết lập luật lệ và hỗ trợ những người liên quan đến hình thức giáo dục này. Quyền học tập của trẻ em được giáo dục tại gia và quyền lựa chọn hình thức giáo dục con em của phụ huynh cần được bảo vệ".
Ý kiến của bạn:
▪ 33 trường đã công bố điểm chuẩn (13/08/2005)
▪ Điểm chuẩn 73 ngành của ĐH Huế (13/08/2005)
▪ Học sử minh hoạ hứng thú hơn? (13/08/2005)
▪ Những trường nào tuyển đợt 2, 3? (13/08/2005)
▪ Điểm chuẩn, danh sách trúng tuyển CĐ bán công Hoa Sen, CĐ Tài chính kế toán 4 (12/08/2005)
▪ Học bổng trưởng Bosworth và Brooke House (12/08/2005)
▪ Thêm một thí sinh được điểm 10 môn Văn (12/08/2005)
▪ Phạm Thu Trang: Thủ khoa 30 điểm cả hai khối thi (12/08/2005)
▪ Danh sách trúng tuyển ĐH Bách khoa TP.HCM (12/08/2005)
▪ Bình Dương: gần 200 tỉ đồng xây trường kỹ thuật (13/08/2005)