Lều chữ giữa đại ngàn
Các Website khác - 06/11/2008

 

Lều chữ chênh vênh trên vách đá.

Vừa đi học vừa cho con bú. 50 tuổi nhưng vẫn ráng theo học lớp 10... Những học trò kỳ lạ với lòng hiếu học lạ kỳ này nằm ở miền tây Quảng Nam.

Chúng tôi đến Trường THPT Tây Giang (Quảng Nam). Ở đây đang có 24 học sinh mà hành trình tìm chữ của họ không có giới hạn về tuổi tác, gia cảnh và sự ngăn trở của núi rừng.

Gùi cơm đổi chữ

Cõng trên lưng một gùi lương thực, đi bộ năm ngày từ bản làng mới đến được trường huyện. Đó là hành trình định kỳ để đến lớp của những học sinh đặc biệt này. Về trường, họ được giao một dãy lều cách trường gần một cây số để ở tạm. Những túp lều dựng bằng tre nứa, mái che bạt, rộng chưa đến 10 m2 là nơi trú ngụ của 22 học trò và... hai trẻ em. Cái bếp dựng bằng ba cục đá cuội mang từ dưới suối. Giường là những thanh tre lồ ô chẻ nhỏ lát liền kề nhau. Ở đó, nam nữ đều ngủ chung một giường, ngăn cách nhau bởi một cây tre chắn ngang, có khi là chồng sách, có khi là bao gạo.

Alăng-Nhì là học sinh lớp 10 nhưng đã 22 tuổi, là người lớn nhất trong mái lều này. Anh đến từ xã Axan xa xôi, nơi giáp biên giới nước bạn Lào. Bữa trưa trong túp lều hun hút khói nóng như nung, người đầm đìa mồ hôi, Alăng-Nhì nói: “Nhà xa quá nhưng bà con vận động, mình phải ráng!”.

Vài tháng một lần, nhóm học sinh đặc biệt này lại chia nhau về làng để gùi gạo, sắn, bắp... ra trường huyện. Mùa nắng, thanh niên khỏe mạnh nhất mang được 50 kg gạo, phụ nữ gùi được 30 kg, vượt qua ghềnh thác năm ngày đường họ mới đến được trường học. “Sợ nhất là những lúc mưa rừng! Mưa ở đâu trên thượng nguồn nhưng nước lũ về như thác. Có khi kẹt giữa rừng, phải nhai gạo sống, chờ lũ rút mới đến huyện được” - Nhì tâm sự.

Để tiết kiệm lương thực, những người trong lều chia nhau đi kiếm thức ăn phụ ngoài cơm trắng. Những người học buổi sáng, buổi chiều họ phải vào những cánh rừng gần đó đốn củi, hái măng, hái rau rừng, hái lá me chua... về nấu canh. Những người học buổi chiều thì tối phải đi câu cá, bắt ốc đá trong khe núi.

Zơrơm Thị Chiêng, 20 tuổi, học sinh lớp 10, cũng đến từ xã A Xan. Chị đi học nhưng phải mang theo hai đứa con, đứa lớn ba tuổi và đứa nhỏ chưa tròn bốn tháng tuổi. Chồng chị phải đi rẫy tỉa lúa, trồng bắp gửi ra cho mẹ con chị ăn học. Thấy chúng tôi đường đột vào túp lều bạt, chị co ro che đứa con trai bốn tháng tuổi, có lẽ chị xấu hổ vì đang cho con bú. Trên bếp lửa, nồi cháo măng tre vẫn còn sôi sùng sục. Được biết, hôm nay chồng chị chưa kịp gửi gạo từ trong làng ra nên ba mẹ con chị phải dùng tạm cháo măng trong thời gian chờ gạo. Chị Chiêng tâm sự: “Có hôm mình đang ngồi trên lớp, thằng cu lớn chạy lên kêu mẹ về cho em nhỏ bú vì nó khóc. Cô giáo thương cho mình về mà không đuổi học”. Chị nói chưa dứt lời, đứa bé lại khóc.

Chẻ củi chuẩn bị cho cơm chiều bên lều chữ.

Bốn cha con ngồi cùng lớp

Cô giáo Đờley-Liên dẫn chúng tôi qua bên kia con suối, nơi có túp lều nằm chỏng chơ trên vách đá. Con đường nhầy nhụa bùn đất sau cơn mưa chiều hôm trước còn nồng nặc mùi hăng hăng của lá cây mục. Căn lều dột nát bên bờ suối là chỗ trú ngụ của Rướih Nhíp và ba đứa con. Rướih Nhíp đã trên 50 tuổi nhưng vẫn dắt díu bầy con từ xã biên giới Gari xa xôi về đây học cái chữ với giấc mơ các con của mình sẽ làm cán bộ xã giúp dân. Bốn cha con Rướih Nhíp đều học lớp 10 chương trình bổ túc văn hóa của trường. Rướih Thị Quá, con gái đầu của Rướih Nhíp, tâm sự: “Em được đi học là thấy vui rồi. Vui hơn đi rẫy. Em muốn sau này về làng làm ở Hội Phụ nữ xã để giúp đỡ cho bà con”. Rướih Bưới và Rướih Túc (hai đứa em của Quá) một người mơ làm công an xã và người kia muốn trở thành cán bộ khuyến nông. Cứ thế mỗi người một giấc mơ, họ che chở nhau đi tìm cái chữ.

Trời nhiều mây, biết sẽ có mưa chiều, hai anh em Rướih Bưới tranh thủ chẻ đống củi khô chuẩn bị cho buổi cơm tối. Rưới Thị Quá xách cái giỏ đi thẳng đến con suối sau lưng lều bắt ốc trước khi nước đục ở thượng nguồn tràn về. Cuộc bám trụ với lều chữ ngày ngày trôi qua không lúc nào thảnh thơi. Thứ thư giãn duy nhất của gia đình nhà họ Rướih trong túp lều này là bộ cờ tướng và một cây đàn guitar đã mục nát. Rướih Bưới chỉ tay lên cửa nhà bếp rồi mời chúng tôi ở lại ăn cơm.

Cô giáo Liên cho biết dù nghèo nhưng các học sinh đặc biệt này rất lễ độ và hiếu nghĩa. Những ngày nghỉ học, các em tranh thủ tự nguyện trồng rau, trồng cải trong sân vườn giúp các thầy cô. Nhà cô Liên có việc gì, biết được là các em tìm đến giúp, từ việc nhỏ đến việc lớn. “Gặp mình từ xa, các học sinh lớn tuổi này cứ vòng tay dạ thưa cô! Mình vui nhưng ngại lắm. Có khi Rướih Nhíp thấy mình cũng thưa cô nhưng thật ra ông ấy xứng tuổi cha mình” - cô Liên nói.

Để no cái bụng mà đến trường với họ đã khó, gánh nặng học phí còn làm họ lo canh cánh hơn. “Nhà mình bốn người đi học bổ túc. Học phí mỗi kỳ 500 ngàn đồng cho một học sinh. Dồn hết tiền thu mùa rẫy năm ngoái, mình mới cho các con đi học được. Mình trông cho tháng ngày đi nhanh...”- Rướih Nhíp nhíu đôi lông mày âu lo.

Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Briu Liếc thật tình: “Thấy hoàn cảnh của các em đi học mà mình chảy nước mắt. Tôi cố lục tìm thử có khoản gì của huyện để giúp đỡ các em. Nhưng huyện mới thành lập, cái gì cũng thiếu nên đành ngậm đắng. Mùa mưa lũ giữa rừng già đang đến gần, lo nhất là lương thực cho các em trong những ngày mưa gió”.

Ông Liếc cho biết đang phấn đấu không có thôn trắng về giáo dục, không để xảy ra chuyện học sinh bỏ học vì chuyện ăn ở. Huyện cũng đã quyết định xây dựng quỹ “Ươm mầm Tây Giang” trích bằng 1% khoản chi thường xuyên của huyện hàng năm, tương ứng 200 triệu đồng dành riêng cho việc dạy học. “Mấy anh cứ tin đi, năm sau lên đây mọi chuyện sẽ tươi sáng hơn” - ông Liếc nói chắc nịch.

Zơrơm Thị Chiêng và hai đứa con nhỏ mang từ xã lên huyện để đi học với mẹ.

Tự trọng và thơm thảo

Nói như người Kinh, những học trò ở lều chữ này đã được xếp vào dạng “rớt mùng tơi”. Nhìn lên những dòng chữ các em viết trên lều chữ, chẳng ai có thể nhịn được cười và quý tấm lòng mến khách của các em: “Nhà bếp (bếp Việt), các món ăn đơn sơ, đạm bạc. Kính mời quý khách!”.

Cô giáo Đờley-Liên ghé tai thì thào: “Các em ở đây tội nghiệp lắm. Bữa đói bữa no, thiếu gạo ăn nhưng họ tự ái lắm, hoặc nhịn đói hoặc đi hái rau rừng. Thầy cô thấy thương, mang gì ra cho thì các em nhận cái đó, không khi mô xin chi. Mình cũng đâu giàu có chi, chỉ thăm hỏi và động viên các em là cùng”.

Theo TẤN VŨ (Pháp luật TPHCM)