Lớp học hè trên núi Dinh
Các Website khác - 04/07/2008

 

Các nữ võ sinh luyện võ thuật. Ảnh: T.B.
Cứ mỗi độ hè về, hàng trăm bạn trẻ từ khắp bốn phương trời lại khăn gói lên núi Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu) để "luyện công". Nếu ngày giã biệt quê nhà nước mắt vắn dài thì ngày chia tay nhau cũng bồi hồi lưu luyến.

4g45, ba hồi kẻng đột ngột vang lên phá tan màn đêm tĩnh mịch. Ngay tức khắc hơn 300 cô cậu học trò đang say giấc nồng hối hả tung chăn lao ra bên ngoài đánh răng, rửa mặt. Một vài cậu bé còn ngái ngủ liền bị lay dậy. Những động tác thể dục buổi sáng liền sau đó khiến họ tỉnh ngủ hẳn, tiếng la đồng thanh: "Khỏe! Khỏe! Khỏe" dõng dạc vang khắp núi rừng.

Buổi sáng, HS được học văn hóa và giáo lý cuộc sống. Giờ học giáo lý thật hấp dẫn với các chuyên đề về tình bạn, tình yêu thiên nhiên, định hướng tương lai, vượt qua cám dỗ... Các sư dẫn dắt, gợi chuyện, đưa ra tình huống và động viên HS phát biểu trước đám đông. HS được hỗ trợ hệ thống lại kiến thức các môn văn, toán, lịch sử và tiếng Anh. Các bạn hóa trang thành các nhân vật và tái hiện các câu chuyện lịch sử về Hai Bà Trưng, Trọng Thủy - Mỵ Châu, nữ tướng Bùi Thị Xuân...

Buổi chiều, sân chùa sôi động với các nhóm chơi đá cầu, đá banh, cầu lông và tập võ.

Rèn tính tự lập

Hằng năm, chương trình "Học hè với sư” của chùa Phật Quang thu hút hàng trăm HS trên cả nước, riêng hai năm 2007 và 2008 đón hơn 300 HS. Ngoài học văn hóa, HS còn được học giáo lý cuộc sống, chơi các môn thể thao, tập luyện võ thuật, nhạc lý căn bản, tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường, các kỹ năng sơ cấp cứu, lắp ráp đồ điện, đi rừng, một số "tài vặt" như cắm hoa, nấu ăn, quản trò, diễn kịch, dẫn chương trình.

Bạn Ngọc Ly (Bình Thuận) viết lưu bút: "Lên chùa tự làm một số công việc hằng ngày, con mới biết bố mẹ cực khổ thế nào để lo cho con. Bây giờ con muốn khóc òa lên vì đã không biết thương bố mẹ…".

"Chúng tôi cực nhất là trong tuần lễ đầu tiên", đại đức Thích Bảo Nguyện cho biết. Để tập cho HS sớm quen với lối sống tập thể, các sư bèn phạt nghiêm khắc những bạn có tác phong lề mề, trễ nải giờ giấc, xả rác bừa bãi, chơi trò bạo lực. Một số HS để tóc dài, nhuộm xanh đỏ, đeo khoen mũi, ăn mặc hở hang... bị phạt ngay. Không ít "cậu ấm, cô chiêu" chưa từng giặt quần áo giờ cũng phải xắn tay áo. Chưa hết, sống tập thể nên các "quí tử" cũng phải xếp mùng, quét nhà, ăn nói nhỏ nhẹ... Buổi đầu sống chung, các bạn "thưa kiện" nhau liên miên, sau một tuần thì giảm hẳn.

Nửa tháng sau lễ khai giảng khóa học hè 2008, chúng tôi trở lại chùa và nhận ra những thay đổi đến không ngờ. Đăng (Đồng Tháp) vốn có thể trạng ốm yếu, từ sự rụt rè ban đầu giờ đã tự tin phát biểu trước đám đông.

Bạn Vân Anh (Hải Phòng) trước đây gần như chưa từng làm việc nhà giờ đã biết giặt giũ, xếp mùng mền, dọn bàn ăn, quét dọn nơi ở, chăm sóc các "muội" cùng nhóm... Cũng như một số "siêu quậy" khác, An (Kiên Giang) đã từng bị phạt quì hai cây nhang (khoảng 90 phút) do phạm lỗi "ăn hiếp" bạn nhỏ. "Quì nhang giúp mình suy ngẫm về cách hành xử hổng giống ai của mình", An bộc bạch.

Đêm đêm, khi HS đã yên giấc thì các nhà sư vẫn rảo bước quanh khu nội trú. Hễ thấy bạn nào trở mình thao thức là họ lay gọi ra bên ngoài trò chuyện cho vơi bớt nỗi nhớ nhà. Chẳng hiểu sao các khóa học hè tại chùa Phật Quang luôn nhiều nước mắt. Đêm đầu tiên xa mẹ: khóc. Ngồi thiền bị tê chân: khóc. Giận bạn cư xử không vừa ý: lại khóc. Và năm nào cũng vậy, đến ngày bế giảng khóa học hè là tất cả HS cùng khóc. Cũng phải thôi, bạn bè từ bốn phương trời mới vừa kịp thân nhau giờ phải nói lời giã biệt…

THÁI BÌNH