Hàng ngàn lượt người đăng ký
Khoa Việt Nam học trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM hiện đang có 150 sinh viên (SV) nước ngoài theo học bộ môn Tiếng Việt hệ chính quy. Với hệ không chính quy, con số này hiện có trên 600 học viên. Trung bình mỗi năm, ở đây có trên 3.000 lượt người đăng ký học. So với 3 năm trước đây thì con số này đã tăng lên gấp đôi. Trong số đó, trên 50% là các SV, học viên có quốc tịch Hàn Quốc, kế đến là Nhật, Mỹ và nhiều nước ở các châu lục khác nhau trên thế giới. Cũng trong năm học 2008 - 2009, nhà trường triển khai khóa đầu tiên chương trình cao học ngành Việt Nam học với số lượng 20 học viên.
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng đào tạo chương trình cử nhân và cao học chuyên ngành Tiếng Việt (thuộc khoa Ngữ văn), mỗi năm khoảng 10 SV hệ chính quy. Những chương trình ngắn hạn, số lượng học viên đăng ký tùy theo từng thời điểm, dao động từ 20 - 60 học viên. Tuy nhiên, so với chỉ vài người đăng ký lúc đầu thành lập, thì nay con số này đã tăng mạnh.
Tại trường ĐH Ngoại ngữ Hankuk (Hàn Quốc), số lượng SV theo học tiếng Việt hiện tại khoảng 100 người, đầu vào mỗi năm khoảng 30 SV. Ngoài ra, tại trường ĐH Tổng hợp Chung Won mỗi năm tuyển sinh 40 SV, trường ĐH Tổng hợp Pusan mỗi năm tuyển sinh 50 SV theo học Tiếng Việt.
Trường ĐH Ngoại ngữ Tokyo (Nhật Bản) cũng tuyển sinh khoảng 20 SV mỗi khóa theo học tiếng Việt. Tuy nhiên, so với năm 1991 điểm thi đầu vào của môn Tiếng Việt luôn thấp hơn tiếng Thái, thì giờ đây điểm đầu vào ngành này đã cao hơn tất cả các thứ tiếng của khu vực Đông Nam Á, và đứng thứ 3 trong số các ngoại ngữ được dạy tại trường này. Trường ĐH Ritsumeikan Asia Pacific lúc đông nhất cũng có khoảng 6 lớp với 130 SV theo học.
TS Nguyễn Văn Huệ cùng các SV trường ĐH Ngoại ngữ Tokyo - Ảnh do nhân vật cung cấp
Lớp học trong... 1 giờ
SV Hàn Quốc học tiếng Việt rất chăm. Họ thi nhau học rất quyết liệt để có thể đạt được điểm tốt, bởi đó là điều rất quan trọng khi xin việc sau này. Một giảng viên đang giảng dạy tiếng Việt tại trường ĐH Ngoại ngữ Hankuk |
Park Ki Young là SV đến từ Hàn Quốc, đang học tại khoa Việt Nam học trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Dù mới chỉ học năm thứ hai nhưng cậu nói tiếng Việt khá "rành", nhờ môi trường thực hành tiếng Việt ngay tại Việt Nam. Park Ki Young cho biết: "Bên Hàn Quốc rất khó tìm việc làm, mình theo học tiếng Việt với hy vọng sẽ tìm được việc làm dễ hơn tại đây. Nếu có điều kiện trở về Hàn Quốc làm việc thì sẽ tốt hơn, nhưng điều đó thật khó. Có thể mình sẽ sinh sống lâu dài tại Việt Nam".
Bên cạnh đó, nhiều người đến Việt Nam học tiếng Việt lại với mục đích tiếp cận nhanh hơn với nền văn hóa, con người và đất nước Việt Nam. Thibaut Nguyen - Việt kiều Pháp là một ví dụ. Đang theo học nghiên cứu sinh về chuyên ngành Xã hội học, Thibaut Nguyen đã chọn Việt Nam làm đề tài nghiên cứu. Trong chuyến đi 9 tháng sang Việt Nam để tìm tư liệu thực hiện đề tài, TP.HCM là điểm dừng đầu tiên của cậu. "Mình sẽ học tiếng Việt trong khoảng 4 tháng tại TP.HCM, sau đó mình sẽ tiếp tục đến Mũi Né, Nha Trang, Hội An, Hà Nội, Sa Pa...".
Có khi, mục đích học tiếng Việt của người nước ngoài chỉ để đi du lịch, như đôi bạn David (người Mỹ). Chuyến du lịch đến TP.HCM chỉ 5 ngày, nhưng đôi bạn này đã tìm đến khoa Ngữ văn trường ĐH Sư phạm TP.HCM xin được học tiếng Việt trong vòng 1 giờ đồng hồ, chỉ để có thể biết vài câu chào hỏi, tên các món ăn, các điểm đến...
Theo Thanh Nien Online
▪ 3 “kiều nữ” của Sao Tháng Giêng (20/01/2009)
▪ Bộ trưởng của những lời kêu gọi (20/01/2009)
▪ SVVN thừa khả năng vào các trường lớn của Mỹ (20/01/2009)
▪ “Tiền thưởng Tết không mua nổi một ký thịt bò!” (19/01/2009)
▪ Người thân đưa thi hài sinh viên Bình về quê (19/01/2009)
▪ Lệ phí tuyển sinh 2009: Trường muốn tăng, Bộ không đồng ý (17/01/2009)
▪ Tuyển sinh ĐH, CĐ 2009: Vừa điểm sàn, vừa điểm tối thiểu? (17/01/2009)
▪ Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2009: Thí sinh có 6 cơ hội vào ĐH-CĐ (17/01/2009)
▪ Người Việt tại Nga vĩnh biệt Quốc Bình lần cuối (16/01/2009)
▪ Độ “vênh” lớn giữa kết quả hai kì thi (16/01/2009)