Tranh cãi về phân quyền trong GD
Các Website khác - 12/11/2005

Hàng thập kỷ nay, Thái Lan đã bàn thảo việc phân quyền cho cấp địa phương và phải đến chính quyền thời Thủ tướng Chuan Leekpai mới lập ra một kế hoạch lớn vào năm 1999. Nhưng kể từ đó, sự phân quyền GD vẫn chỉ là tiến trình được bàn tới bàn lui.

Soạn: AM 616867 gửi đến 996 để nhận ảnh này

“Nếu Bộ GD thắt lưng buộc bụng...

Tờ Bưu điện Bangkok (Bangkok Post) ngày 09/11 đề cập tới vấn đề mà bộ GD Thái Lan đã tìm nhiều cách để giải quyết trong nhiều năm qua: có nên cho tồn tại những trường có dưới 120 HS hay không. Phái phản đối muốn đóng cửa vĩnh viễn các trường này với lý do giảm lãng phí về ngân sách và nhân sự. Hiện tại, đây là các trường thuộc dịch vụ công.

Bộ trưởng GD Chaturon Chaisaeng thì muốn tư nhân hỗ trợ các trường nhỏ và có thể mời tư nhân quản lý những trường không thể thu hút HS. Ý tưởng này cũng phù hợp với kế hoạch của chính phủ nhằm giảm gánh nặng GD và tăng vai trò của tư nhân.

Có thể thấy được số lượng các trường nhỏ không tuyển đủ HS ngày càng tăng trong bản báo cáo của văn phòng Ủy ban Giáo dục Cơ bản (BEC) thuộc bộ GD: Trong số 30.000 trường tiểu học và THCS thuộc BEC, khoảng 1/3 là trường nhỏ.

Tuy vậy, dấu hiệu khả quan là hơn một nửa số trường nhỏ đã cải thiện hoặc có khả năng cải thiện; trong đó, có 1.410 trường nổi lên như là mô hình cho các trường khác học tập; 7.221 trường sẵn sàng thay đổi.

Chỉ khoảng 600 trường cần phải đóng cửa vĩnh viễn hoặc cần hỗ trợ của tư nhân. Những trường yếu kém là những trường có phòng trống (không có HS). Nhưng đóng cửa những trường này hoặc để tư nhân quản lý những trường này không phải là câu trả lời đúng.

Bởi, các trường nhỏ tồn tại có nguyên do của nó. Phần lớn các trường này ở những vùng sâu nơi có ít làng xóm và hộ dân. Nếu đóng cửa, HS sẽ phải đi bộ 5 – 10 cây số để học và chắc chắn, nhiều em phải bỏ học. Giả sử kêu gọi được sự hỗ trợ của tư nhân, cũng không có gì đảm bảo rằng phụ huynh HS có thể trả những khoản chi phí thêm do các nhà điều hành tư nhân đưa ra để bù vào chi phí kinh doanh.

Theo tờ Bưu điện Bangkok, ông bộ trưởng GD phải xem xét một cách kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất cứ quyết định gì về những trường nhỏ. Trường công lập, dù lớn hay nhỏ, đều được thành lập để phục vụ công chúng, đặc biệt là những người không thể chi trả mức học phí cao ở các trường tư thục hoặc các trường quốc tế.

Với những người dân vùng sâu, xa trường nhỏ là những địa điểm duy nhất đón tiếp con em họ. Trường nhỏ, ở xa cùng những GV dạy ở đó là tài sản mà bộ GD phải trân trọng. GV ở những vùng này phải hy sinh những khoản thu nhập phụ mà GV ở thành thị có như mở lớp dạy thêm ngoài giờ học. Đôi khi, họ phải kiêm luôn việc quản lý hoặc bảo vệ, một khối lượng lớn công việc và họ đáng được khuyến khích hơn là nhận những ý tưởng gây nản lòng.

Nhưng để GD hoạt động tốt nhất, bộ GD phải trở nên hiệu quả hơn. Điều này có nghĩa là phải giảm cơ chế quan liêu và đảm bảo rằng khoản ngân sách năm được sử dụng vào việc cải thiện trường sở và đời sống GV chứ không phải là chi cho lương bổng và quản lý. Tờ Bưu điện Bangkok kết luận: “Nếu bộ GD “thắt lưng buộc bụng”, vẫn có thể duy trì các trường nhỏ một cách tốt đẹp.”

Cải tổ GD là việc thiết yếu!

Trong khi đó, bài xã luận trên tờ Dân tộc (The Nation) ra cùng ngày nhận định “cải tổ GD là việc khó, gây đau khổ song tối cần thiết. GV và chính quyền địa phương phải học cách hợp tác vì lợi ích tương lai trẻ em.”

Hàng thập kỷ nay, Thái Lan đã bàn thảo việc phân quyền cho cấp địa phương và phải đến chính quyền thời Thủ tướng Chuan Leekpai mới lập ra một kế hoạch lớn vào năm 1999. Nhưng kể từ đó, sự phân quyền GD vẫn chỉ là tiến trình được bàn tới bàn lui.

Lý do chính việc hoãn chuyển đổi các trường là chính quyền địa phương chưa sẵn sàng nhận trách nhiệm lớn hơn. Phần lớn chính quyền địa phương thiếu nhân viên năng lực có kỹ năng quản lý tốt, chính trực để đảm bảo nguồn ngân sách lớn của chính phủ được sử dụng một cách khôn ngoan, hiệu quả

Trong hoàn cảnh này, nhiều GV phản đối kế hoạch trao các trường công vào tay các tổ chức địa phương là điều dễ hiểu.

Thậm chí, các GV tham gia cuộc biểu tình ngày 08/11 vừa qua còn đe dọa sẽ phủ quyết đảng Thai Rak của Thủ tướng Thaksin trong cuộc tổng tuyển cử đầu năm tới.

Dưới áp lực cuộc biểu tình của hàng ngàn GV, chính phủ Thái Lan ra quyết định mới nhất là các GV tại các trường bị chuyển quyền quản lý cho địa phương sẽ có 2 năm để chuyển sang trường khác hoặc sẽ thôi việc. Nhưng đó cũng thực sự là không có sự lựa chọn bởi vì trên thực tế không thể chuyển hàng trăm ngàn GV tới các trường khác.

Theo tờ The Nation, chính phủ Thái phải có giải pháp tốt hơn. Chính phủ phải thuyết phục các GV hiểu rằng phân quyền trong GD là một công cụ cần thiết để đảm bảo dân chúng địa phương sẽ được chính quyền địa phương phục vụ tốt. Điều này không trái với kế hoạch cải tổ GD nhằm vào việc cải thiện khả năng học tập của HS thông qua nâng cao chất lượng giảng dạy.

Để làm được, chính phủ phải đưa ra loại hình hợp đồng lao động, điều kiện và quan hệ làm việc giữa người quản lý trường học và GV với chính quyền địa phương.

Chính quyền Thủ tướng Thaksin phải đưa ra hệ thống chuyển tiếp cho phép GV và các nhà quản lý địa phương phát triển môi trường làm việc dựa trên cơ sở thừa nhận lẫn nhau và hoàn thiện cơ chế giải quyết các tranh cãi giữa 2 bên một cách công bằng.

Phân quyền và cải tổ GD ở Thái Lan sẽ gặp nhiều trở ngại trong tương lai. Chính phủ Thái Lan phải làm rõ rằng tiến trình hai bên này là điều tất yếu. Đồng thời, GV và chính quyền địa phương phải hợp tác để đạt được mục đích chung lớn lao là cải thiện GD.

  • Minh Thương (tổng hợp)