Phủ bại (những tiêu cực) trong giáo dục ở TQ hiện nay chỉ xếp sau các lĩnh vực xây dựng, giao thông, tài chính và đang trở thành một trong những vấn đề được chính phủ và người dân TQ rất quan tâm...
![]() |
.Lo lắng chờ con thi ĐH. Tại Trung Quốc, áp lực thi ĐH "ngàn binh vạn mã chen cầu độc mộc" khiến những tiêu cực trong tuyển sinh dễ phát sinh (Ảnh: Thành Lợi) |
“Ăn đêm” từ thi cử
Lợi dụng chức quyền để nhận hối lộ trong các dịp thi cử, đặc biệt thi ĐH là cách một số lãnh đạo các trường học thường áp dụng.
Năm 2003, Kim Giáp Thận, chủ nhiệm khoa giáo dục mỹ thuật của Học viện Mỹ thuật trung ương kiêm Hiệu trưởng trường PTTH Mỹ thuật trực thuộc và Hiệu phó Thạch Lương đã lợi dụng chức quyền đưa 11 thí sinh từ chỗ thiếu điểm thành thi đỗ. Hai vị này đã xúi giục trưởng phòng giáo vụ Kha Triệu Linh sửa điểm thi của thí sinh trong máy tính, sau đó lại nâng điểm ở bài thi của thí sinh. Vụ việc trót lọt, ba lãnh đạo này nhận được hàng trăm vạn NDT tiền hối lộ của gia đình học sinh.
Hiện tượng này khá phổ biến ở những trường ĐH nổi tiếng. Một lãnh đạo của Học viện sư phạm Trùng Khánh trong một dịp tuyển sinh đã nhận hối lộ của 7 phụ huynh 13.800 NDT (khoảng 270 triệu VNĐ), tương đương 10 năm tiền lương. Trong các dịp thi ĐH hầu như đều xảy ra những vụ việc tương tự.
Một HS tỉnh Quảng Tây, mặc dù đỗ ĐH Hàng không vũ trụ Bắc Kinh nhưng được "thông báo" phải nộp 10 vạn nhân dân NDT (khoảng 160 triệu VNĐ) mới nhận được giấy gọi nhập học. Sự kiện động trời này xảy ra vào năm ngoái, sau khi được Đài truyền hình Trung Quốc đưa tin đã xôn xao toàn giới giáo dục và người dân. Hiệu trưởng nhà trường, viện sĩ Lí Mùi đã phải công khai xin lỗi.
“Móc túi” học sinh bằng đủ các loại phí
Phổ biến và gây nhức nhối nhất là nạn thu học phí bừa bãi. Ước tính 1 thập kỷ qua, Trung Quốc đã thất thoát gần 200 tỷ NDT (khoảng 200.000 tỷ đồng VN!!!) vì tệ nạn này.
Ở một số thành phố, muốn cho con cái vào các trường điểm tiểu học và trung học, phụ huynh phải hoa mắt vì các khoản lệ phí: tiền chọn trường điểm, tiền đóng góp sổ vàng cho nhà trường… Tại một trường tiểu học trọng điểm ở một tỉnh phía Đông bắc, lệ phí chọn trường là 3,5 vạn NDT. Tại Bắc Kinh con số này đã lên tới... 7 vạn NDT (khoảng 140 triệu đồng).
Chưa hết, một số trường còn đề ra rất nhiều khoản thu khác như tiền bảo hiểm cho HS, tiền ăn, tiền dụng cụ học tập… để “móc túi” phụ huynh HS.
Tháng 8/2002, theo báo cáo của Uỷ ban kế hoạch nhà nước TQ thì các vụ tố cáo hiện tượng loạn thu phí trong giáo dục chiếm tỉ lệ cao nhất, nhiều hơn cả những phản ánh về y tế hay nhà đất. Theo thống kê của cục kiểm toán nhà nước TQ, năm 2003 có 18 trường ĐH trực thuộc Bộ GD đã thu phí vượt mức quy định 868 triệu NDT, trong đó có các trường nổi tiếng nhất nhì TQ như ĐH Bắc Kinh, ĐH Thanh Hoa...Các khoản thu đã được khéo biến tướng đến không đếm nổi: Tiền tu sửa, học phí MBA, học thêm…
Đại đa số học sinh và phụ huynh không nắm rõ mức học phí chuẩn, hoặc đôi khi biết tâm lí “dĩ hoà vi quý”, không muốn tranh cãi với nhà trường, sợ ảnh hưởng đến con em mình. Điều này khiến chính phủ TQ càng khó ngăn chặn hiện tượng này.
"Chấm mút"
tu sửa trường lớpMột con đường kiếm lời khác là liên kết với các đơn vị tham gia đấu thầu tu sửa, xây dựng trường sở. Gần đây, nguyên Hiệu phó ĐH Đồng Tế (Thượng Hải) Ngô Thế Minh đã bị phạt 10 năm tù, chịu tịch thu một số tài sản và tiền của đã tham ô trước đây. Từ đầu năm 1996 đến cuối năm 1999, ông này đã 4 lần nhận hối lộ của công ty trúng thầu xây dựng cho trường, tổng số tiền lên tới 80.000 NDT và 20.000 USD.
Đa phần các vụ trục lợi của lãnh đạo các trường ĐH và CĐ ở TQ đều mang tính tập thể, thường là sự câu kết giữa Hiệu trưởng, Bí thư đảng uỷ, Hiệu phó phụ trách xây dựng hoặc trưởng phòng tài vụ...
Kiếm chác nhờ bán SGK và dụng cụ giảng dạy
Không kém phần phổ biến là việc lợi dụng bán sách giáo khoa (SGK) hoặc các tài liệu học tập cho học sinh để lấy phần trăm. Hàng năm, các trường học ở TQ thường phải mua một lượng rất lớn SGK, máy vi tính và các dụng cụ phục vụ công tác giảng dạy. Đây là cơ hội để một số phần tử lợi dụng “xơ múi”.
Tháng 8 năm 2004, báo chí TQ phanh phui vụ án các trường ĐH và CĐ ở tỉnh Tứ Xuyên câu kết hưởng hoa hồng từ việc bán sách và tài liệu cho HS. Theo báo cáo, số tiền mà các trường được hưởng khá cáo: từ 15% đến 30%.
Trong vụ án này có tới 36 cán bộ, nhân viên của 13 trường ĐH và CĐ ở Thành Đô bị bắt, số tiền phạm pháp lên tới 12 triệu NDT. Trong đó, Trương Vũ Thư - trưởng khoa phụ trách cung cấp giáo trình, tài liệu cho SV của một trường ĐH đút túi tới hơn 160.000 NDT (khoảng 300 triệu VNĐ). Theo lời một số SV ở các trường ĐH trên, trong 4 năm học, trung bình họ phải nộp 2000 NDT (khoảng 4 triệu VNĐ) tiền giáo trình. Như vậy, căn cứ vào con số thấp nhất là 15% tiền hoa hồng mà nhân viên trong trường được hưởng thì trung bình mỗi SV mất oan 300 NDT (khoảng 600.000 VNĐ).
Mua bảo hiểm cho HS cũng là một mánh “đắc địa”. Các công ty bảo hiểm muốn có nguồn khách hàng là HS thì phải tìm đến lãnh đạo các phòng giáo dục. Từ năm 1999 đến 2003, nguyên trưởng phòng và phó phòng GD một huyện của tỉnh Quảng Tây đã nhận hơn 2 vạn NDT tiền hoa hồng từ các công ty bảo hiểm nhân thọ.
Ngăn chặn phủ bại trong giáo dục: Vấn đề nóng bỏng
Vài năm gần đây, vấn nạn trong giáo dục TQ ngày càng bức xúc. Độc quyền trong giáo dục, thiếu sự giám sát của các tổ chức xã hội, phân bổ ngân sách giáo dục không hợp lý... là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nhức nhối này.
Ông Cố Minh Viễn, Hội trưởng Hội học thuật giáo dục TQ nói: "Hiện nay tính thương mại trong giáo dục ngày càng rõ nét. Hầu bao của phụ huynh và học sinh đã trở thành nguồn kinh phí của các trường".
Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này là vấn đề mà các đại biểu tham lưỡng hội (hai cuộc họp thường niên: Quốc hội và Chính hiệp TQ) rất quan tâm. Mới đây, Chính phủ đã có nhiều động thái điều chỉnh.
Ví như, kỳ tuyển sinh ĐH năm 2005, Bộ Giáo dục (GD) TQ đã yêu cầu các trường ĐH phải đảm bảo 6 công khai, gồm: chính sách tuyển sinh; tư cách tuyển sinh của trường ĐH và tư cách của thí sinh; kế hoạch tuyển sinh; thông tin xét tuyển và gọi nhập học; thông tin tư vấn cho thí sinh và các biện pháp khiếu nại; kết quả xử lí các vụ gian lận mang tính nghiêm trọng trong thi cử.
Ngoài ra, Bộ GD, Ủy ban phát triển và cải cách nhà nước, Bộ Tài chính đã đồng thời ra thông báo chỉnh đốn việc thu phí ở các trường. Thông báo này nhấn mạnh, nếu để xảy ra hiện tượng lợi dụng việc tuyển sinh, thi cử để thu phí bừa bãi sẽ lập tức truy cứu trách nhiệm người lãnh đạo cao nhất trường đó.
Trước hết, Bộ GD đã ra quyết sách yêu cầu tất cả các trường học trên toàn quốc phải áp dụng chế độ “thu phí một lần”. UBND các tỉnh phải căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu phát triển giáo dục của tỉnh, đồng thời thường xuyên kiểm tra mức thu chi của các trường để định ra mức lệ phí hợp lý nhất.
Ví dụ, tiền giáo trình phải căn cứ vào bảng giá do tỉnh quy định. Số lượng sách phải dựa trên đề cương dạy học do Bộ GD ban hành và các danh mục SGK do sở GD tỉnh quy định. Nhà trường phải thông báo trước đến từng gia đinh về các khoản phí trong năm học. Trước cổng trường treo bảng giá cụ thể số tiền phải nộp, ghi rõ số điện thoại. Khi có vấn đề gì chưa hiểu hoặc nghi ngờ, có thể gọi điện đến cơ quan có thẩm quyền để đối chiếu với quy định của Bộ GD, nếu sai có thể được tố cáo.
Thứ trưởng Bộ GD TQ Trương Bảo Khánh cho rằng, phương pháp này giúp kiểm tra chặt chẽ hơn các khoản lệ phí như tiền học, tiền sách, tiền sách bài tập…Vì vậy, đã nhận được sự ủng hộ của hầu hết phụ huynh học sinh.
Bài và ảnh: Thành Nam (từ Bắc Kinh)
▪ DS trúng tuyển ĐH Sư phạm HN 2, Nông lâm TP.HCM, Ngoại ngữ HN, Thủy sản (18/08/2005)
▪ ĐH Sư phạm Hà Nội 2 công bố điểm chuẩn và 139 chỉ tiêu NV2 (18/08/2005)
▪ Nguyện vọng 2: ai cũng... hồi hộp! (19/08/2005)
▪ 40 suất học bổng VEF năm 2007 (18/08/2005)
▪ Học viện Kỹ thuật Mật mã tuyển 90 chỉ tiêu đợt 2 (18/08/2005)
▪ Khởi động dự án giáo dục ĐH 2 (18/08/2005)
▪ Khởi động dự án giáo dục ĐH 2 (18/08/2005)
▪ Điểm chuẩn 17 ngành của ĐH Sư phạm Hà Nội 2 (18/08/2005)
▪ Sư phạm HN2 và Kỹ thuật Hưng Yên tuyển NV2 (18/08/2005)
▪ Dự án Giáo dục ĐH 2: Tập trung đầu tư cho 14 trường ĐH trọng điểm (18/08/2005)