Trường tư cũng sẽ được Nhà nước cấp kinh phí
Các Website khác - 11/01/2006

Xung quanh việc chuyển đổi cơ sở giáo dục bán công sang tư thục, báo giới đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Ngữ - Phó vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ Giáo dục - Đào tạo).

* Có ý kiến cho rằng: "Trên thế giới hiện nay, cơ chế sở hữu đại học rất đa dạng, không phải chỉ có hai loại hình công và tư. Hơn nữa, việc gọi cơ sở giáo dục đại học là công hay tư chủ yếu dựa vào tiêu chí đóng góp của người học đối với dịch vụ giáo dục mà họ nhận được từ cơ sở giáo dục đó. Và như vậy thì ở VN không có trường nào hoàn toàn là công lập. Mặt khác, giáo dục đại học là một dịch vụ đặc biệt luôn cần có sự đầu tư của Nhà nước nên không nhất thiết phải chuyển đổi mô hình từ công sang tư ?". Ông nghĩ sao?

- Đúng là trên thế giới hiện nay, đặc biệt ở những nước có nền kinh tế thị trường và nền giáo dục đại học ra đời, phát triển sớm, vấn đề về sở hữu đại học không phải là nội dung tranh luận phải đặt ra khi đi tìm các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đại học mặc dù thuật ngữ "chia sẻ tài chính" sử dụng ngày càng rộng rãi và cũng không phân hóa rõ ràng công và tư vì trường đại học mang tính đặc thù riêng, không phải như một doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ở VN theo đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của đất nước vẫn phải đặt ra vấn đề này để có cơ chế quản lý thích hợp. Tôi xin nhấn mạnh rằng không phải cứ trường công là trường của Nhà nước còn trường tư là của tư nhân như chúng ta vẫn hiểu theo nghĩa thông thường.

Cũng chính vì hiểu như vậy mà một số ý kiến lo ngại khi chuyển đổi sang loại hình trường tư, Nhà nước sẽ không còn đầu tư nữa. Tôi khẳng định rằng, dù là loại hình trường nào, Nhà nước vẫn tiếp tục chăm lo đầu tư phát triển giáo dục đại học, chỉ có cách đầu tư là thay đổi để xây dựng một nền giáo dục đại học hiện đại tiên tiến, năng động, hiệu quả, hội nhập và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Ví dụ, đã đến lúc chúng ta cần phải xem lại việc có nên tiếp tục đầu tư theo kiểu cấp kinh phí cho các trường như hiện nay hay chuyển sang cơ chế cấp trực tiếp cho người học hoặc cho các trường (cả công và tư) thông qua các hợp đồng triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo theo mục tiêu, chương trình phát triển đội ngũ giảng viên cán bộ nghiên cứu khoa học và cán bộ quản lý; các dự án tăng cường cơ sở vật chất có trọng tâm, trọng điểm; phát triển chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo hay các hợp đồng nghiên cứu khoa học theo các đề tài có đấu thầu, cạnh tranh...

* Được biết, ở nhiều nước trên thế giới (như Mỹ, Trung Quốc...) chỉ có những trường tư hoạt động phi lợi nhuận hoặc lợi nhuận thích hợp thì mới được cấp bằng, còn phần lớn cơ sở giáo dục đại học tư thục vì lợi nhuận chỉ được cấp chứng chỉ chứ không được cấp bằng. Đối với VN, theo quy chế trường đại học tư thục thì đây là những trường hoạt động vì lợi nhuận. Như vậy, khi chuyển đổi sang loại hình trường tư, liệu vấn đề này có được xem xét ? Hơn nữa, khi chuyển đổi như vậy có làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người học?

- Tôi phải khẳng định rằng trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục không có điều nào quy định đây là những trường hoạt động vì lợi nhuận. Còn việc cấp bằng như thế nào là phụ thuộc vào luật pháp của mỗi nước.

Thực tế ở một số nước, các trường tư thục phải liên kết với một trường công mới được cấp bằng là do liên quan đến chất lượng đào tạo và uy tín của trường đó với xã hội chứ không phải do nó hoạt động vì lợi nhuận.

Ở VN, việc cấp bằng giáo dục đại học được quy định tại điều 43 của Luật Giáo dục (sinh viên học hết chương trình đại học, có đủ điều kiện thì được dự thi hoặc bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp và nếu đạt được yêu cầu theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì được hiệu trưởng trường đại học cấp bằng tốt nghiệp).

Như vậy, việc cấp bằng phải căn cứ vào thước đo chất lượng dựa trên những kết quả kiểm định chứ hoàn toàn không liên quan đến chuyện lợi nhuận hay phi lợi nhuận. Vì thế, sinh viên hoàn toàn có thể yên tâm về việc học ở trường công hay trường tư.

Theo Thanh Niên