Nhiều phụ huynh HS không khỏi hoài nghi về mô hình “trường tự hạch toán” này - Ảnh: Như Hùng |
TT - Đến thời điểm này, hầu hết HS đều đã tựu trường, các khối lớp cũng đã được sắp xếp đâu vào đó để chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới đang gần kề.
Nhưng đột ngột ngày 28-8-2005, phụ huynh HS Trường THPT Lê Quý Đôn lại nhận được thông báo trường sẽ chuyển sang thí điểm theo mô hình “trường công lập tự hạch toán” ngay từ năm học này và trong ba ngày (từ 29 đến 31-8-2005) phải quyết định chọn cho con vào học một trong ba “lĩnh vực” (từ dùng của nhà trường), mặc dù những thông tin về các lớp này hết sức mơ hồ!
Vậy thực chất “trường tự hạch toán” này là gì?
HS có thể đậu vào ĐH nước ngoài?
Thông báo chuyển Trường THPT Lê Quý Đôn sang mô hình "tự hạch toán" được viết với nội dung khá chung chung và theo phụ huynh HS là "sặc mùi quảng cáo". Theo đó, việc chuyển đổi sẽ được cuốn chiếu từ lớp10 trên cơ sở ba lĩnh vực. Nếu chọn học ở lĩnh vực 1, "HS sẽ hoàn thành tốt nhất chương trình THPT hiện hành, đảm bảo chắc chắn thi đậu tốt nghiệp và đạt kết quả tốt trong kỳ thi tuyển sinh đại học trong nước" (?).
Nếu chọn học lĩnh vực 2 thì "ngoài các yêu cầu đã đạt như lĩnh vực 1, HS còn đạt được khả năng để học các trường đại học sử dụng tiếng Anh trong và ngoài nước" (?). Còn nếu HS không muốn chọn học theo hai lĩnh vực trên thì còn một "lĩnh vực khác" (áp dụng cho năm học này) là học theo chế độ bình thường như trước.
Không hiểu có phải do những tuyên bố "đảm bảo đậu" rất chắc nịch kia mà mức học phí đã được nhà trường đẩy lên đến chóng mặt. Nếu chọn học lĩnh vực 1, HS sẽ phải đóng 650.000 đồng/tháng (lớp 10), 820.000 đồng/tháng (lớp 11) và 930.000 đồng/tháng (lớp 12). Ở lĩnh vực 2 mức phí này còn cao hơn: 890.000 đồng/tháng (lớp 10), 1.100.000 đồng/tháng (lớp 11) và 1.200.000 đồng/tháng (lớp 12). Còn nếu chọn lĩnh vực 3 thì chỉ đóng học phí 30.000 đồng/tháng (đối với HS công lập), 120.000 đồng/tháng (bán công).
Tuy nhiên qui định này lại được nhà trường thòng thêm một câu "mức thu này chưa tính các khoản đóng góp khác về cơ sở vật chất, chương trình "kích cầu" (công lập 30.000 đồng/tháng, bán công 45.000 đồng/tháng), học thêm..." như để nhắc nhở phụ huynh: "học theo chế độ bình thường đóng học phí cũng không ít hơn bao nhiêu (!)"...
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều phụ huynh HS không khỏi nghi ngại về những thông tin hết sức mơ hồ: Cơ sở nào để nhà trường đảm bảo chắc chắn HS có thể đậu tốt nghiệp và đạt kết quả tốt trong kỳ thi đại học? Lấy cơ sở gì để cho rằng học lĩnh vực 2 sẽ đạt được khả năng học các trường đại học sử dụng tiếng Anh trong và ngoài nước? Làm sao có thể thay đổi chất lượng giáo dục của một ngôi trường chóng vánh như thế? Nếu HS không đạt những kết quả này, trường có đền bù được không?...
Trong khi đó, có một yếu tố để nhà trường có thể "đảm bảo" chắc chắn: tăng tiết. Theo thông báo của trường, HS học ban A lĩnh vực 1 sẽ được tăng thêm 11 tiết, ban A lĩnh vực 2 thêm 14 tiết các môn toán, lý, hóa, ngoại ngữ, tin học. Ban C của hai lĩnh vực trên cũng tăng số tiết tương tự ở các môn ngoại ngữ, toán, tin, văn, sử, địa.
Sẽ có "con ghẻ, con cưng"?!
Không chỉ bức xúc vì bị đẩy đến một sự chọn lựa quá gấp gáp với một chương trình học không rõ ràng cả về mục tiêu lẫn tính chất giáo dục, một vị phụ huynh tâm sự đầy nỗi niềm: "Từ hôm nhận được thông báo của trường tới giờ, tôi không ngủ được. Số tiền đóng quá cao làm sao có thể kham nổi cho con học lâu dài?". Đó cũng là nỗi băn khoăn lớn nhất của phần lớn phụ huynh khi học phí bỗng nhiên được đẩy lên trên trời mà chắc chắn những gia đình lao động nghèo sẽ không thể nào gánh nổi.
Một nhóm phụ huynh HS lớp 10C... cũng cho biết lớp của con họ đã đồng tình cùng nhau đăng ký học lớp bình thường (lĩnh vực 3), nhưng vẫn lo ngại với kiểu thông báo của trường "HS học lĩnh vực 1, 2 sẽ được học với trang thiết bị hiện đại (?), thư viện phong phú (?), giáo viên được chọn lọc..." như thế không tránh khỏi có sự phân biệt đối xử giữa các "lĩnh vực".
Rõ ràng những gì đang diễn ra ở Trường THPT Lê Quý Đôn đã bộc lộ một sự vội vã, gấp gáp đến khó hiểu, trong khi nội dung giáo dục lại chẳng có biểu hiện gì là mới. Hay nói đúng hơn, đây thực chất là loại hình trường học hai buổi/ngày, trong đó việc tăng tiết (hay dạy thêm) được thực hiện một cách hợp pháp vào buổi học thứ hai với mức học phí cao vòi vọi mà thiếu những cơ sở để đảm bảo cho chất lượng giảng dạy.
KIM LIÊN
Giám đốc sở GD-ĐT TP.HCM Huỳnh Công Minh: Rất mong phụ huynh thông cảm!
- Theo tôi được biết, đến thời điểm này đã có hơn 100 phụ huynh đăng ký cho con em mình học loại hình (lĩnh vực) 2. Bên cạnh đó, một số HS ở các trường THPT khác trên địa bàn TP cũng xin chuyển về Lê Quý Đôn để học loại hình này nhưng sở chưa giải quyết. * Thưa ông, rất nhiều phụ huynh băn khoăn về những điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục ở những lớp thu phí cao này khi mà hiện TP.HCM vẫn đang thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, phòng ốc, trang thiết bị… của nhà trường thì vẫn như cũ? - Nhiều năm nay Trường Lê Quý Đôn đã có hệ thống thư viện, phòng thực hành, thí nghiệm, phòng máy tính… đầy đủ. Năm học 2005-2006 sẽ đưa vào sử dụng dãy nhà mới xây dựng để phục vụ những lớp loại hình 1 và 2. Giáo viên thì sẽ chọn một số giáo viên giỏi ở ngay tại trường và thỉnh giảng giáo viên ở các trường khác. Tính ra đòi hỏi về giáo viên sẽ không nhiều vì vài lớp loại hình 1 và 2 - mỗi môn chỉ cần 1-2 giáo viên. Những lớp trên sẽ được tổ chức giảng dạy theo phương pháp quốc tế, sĩ số 30 HS/lớp, học lý thuyết đi đôi với thực hành… * Nhưng tại sao khi thực hiện thí điểm mô hình này lại không thông báo cho phụ huynh, HS biết trước khi chọn nguyện vọng vào lớp 10, thưa ông? - Chúng tôi cũng biết khuyết điểm là thông báo đến phụ huynh chậm trễ, rất mong phụ huynh thông cảm. Chúng tôi đã khắc phục bằng cách để cho phụ huynh tự nguyện đăng ký với nhiều phương án chọn lựa. Năm học sau loại hình trên sẽ được mở rộng một cách chặt chẽ và có kinh nghiệm hơn, trường nào ra trường ấy, chỉ có một loại hình lớp công lập tự hạch toán chứ không tồn tại ba loại hình như năm nay. * Trong thông báo gửi đến phụ huynh của hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn, có những câu: “Đảm bảo chắc chắn thi đậu tốt nghiệp và đạt kết quả tốt trong kỳ thi tuyển sinh đại học trong nước… HS còn đạt được khả năng để học các trường đại học sử dụng tiếng Anh trong và ngoài nước”. Có qui định nào ràng buộc trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường trong vấn đề “đảm bảo chắc chắn” này không? - Đây chỉ là mức độ, chuẩn chất của lớp học đó, HS học những lớp này thì có cơ hội đạt được mức độ ấy. Văn bản thông báo của nhà trường đã dùng từ sai, không thể nói “đảm bảo chắc chắn”, cũng không thể bắt hiệu trưởng làm cam kết sẽ đậu tốt nghiệp - rất phi lý và mang tính chất mua bán. HOÀNG HƯƠNG thực hiện |
▪ Bị "ép" mua sách đúng tác giả (31/08/2005)
▪ Học bổng tại ĐH Dundee, Scotland (30/08/2005)
▪ Học bổng sau đại học ngành điện tử tại ĐH Glamorgan, Anh (30/08/2005)
▪ ĐH Bath, Anh cấp học bổng sau đại học (30/08/2005)
▪ ĐH Queensland cấp học bổng tiến sĩ quản trị kinh doanh (30/08/2005)
▪ Những câu hỏi nóng quanh đề nghị thu học phí cao (30/08/2005)
▪ Đường đến trường (31/08/2005)
▪ Bình Phước: 3.000 HS tốt nghiệp THCS chưa biết “đi đâu, về đâu” (31/08/2005)
▪ Trượt ĐH, CĐ có thể vào trung cấp? (30/08/2005)
▪ CĐ Công nghiệp Hà Nội thông báo điểm chuẩn (30/08/2005)