Tuyển sinh 2005: Điêu đứng đại học vùng!
Các Website khác - 12/08/2005

TT - Chưa rõ Bộ GD-ĐT sẽ xác định mức điểm sàn bao nhiêu cho kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, nhưng có thể nhận thấy một viễn cảnh không mấy vui vẻ đối với nhiều trường tốp dưới...

Trong đó bi đát nhất là các ĐH vùng...

15 điểm: đếm trên đầu ngón tay!

Khối C Trường ĐH Sư phạm Đồng Tháp có 1.373 thí sinh (TS) dự thi nhưng chỉ có 94 TS đạt mốc 15 điểm! Nếu xét theo ngành, tình thế còn đáng ngại hơn. Ngành sư phạm lịch sử chỉ có vỏn vẹn 23 TS và sư phạm địa lý có 27 TS nếu lấy mức điểm 15, trong khi ngành sư phạm giáo dục chính trị chỉ có 11 TS ở mức điểm này.

Thử hạ xuống mức điểm 14 thì ngành sư phạm giáo dục chính trị cũng chỉ tuyển được 13 TS! Trong khi đó, một số ngành tuyển khối A cũng lâm vào cảnh ngộ tương tự như quản trị kinh doanh chỉ có... tám TS đạt 15 điểm trở lên. Bi đát hơn, ngành công tác xã hội chỉ có duy nhất một TS đạt mức điểm 15 và nếu hạ xuống 13,5 điểm mới có thêm một TS nữa!

Tuy là ĐH vùng với khu vực tuyển sinh rộng hơn, nhưng ĐH Cần Thơ cũng nằm trong cảnh “chợ chiều” về điểm thi, nhất là khối C. Trong số 41.533 TS dự thi, chỉ có 4.120 TS đạt điểm 15 trở lên (chỉ tiêu 4.700), chiếm khoảng 10%. Trong đó, với 7.915 TS dự thi khối C nhưng số TS đạt từ 15 điểm trở lên chỉ có 227.

Trong đó, một số ngành có TS đạt 15 điểm trở lên rất thấp như sư phạm lịch sử có 27 TS, sư phạm giáo dục công dân 18 TS, ngữ văn 26 TS. Nếu lấy mức điểm 14 thì ngành sư phạm giáo dục công dân cũng chỉ tuyển được 22 TS. Tương tự, các ngành khối A cũng khá nghèo nàn về điểm số như ngành thủy công đồng bằng chỉ có 16 TS đạt 15 điểm trở lên.

Hai ĐH khác là ĐH Tây nguyên và Tây Bắc tình trạng cũng không khả quan hơn. ĐH Tây nguyên “hút” được 16.254 TS dự thi nhưng số TS đạt từ 15 điểm trở lên cũng chỉ có 1.090/1.500 chỉ tiêu. Riêng khối C có 5.295 TS dự thi nhưng chỉ có 42 TS đạt 15 điểm trở lên. Trong đó ngành giáo dục chính trị chỉ có bảy TS và nếu lấy 14 điểm thì cũng chỉ có 12 TS!

Là một trong hai ĐH của vùng Tây Bắc, Trường ĐH Tây Bắc thu hút 10.776 TS dự thi vào trường nhưng số TS đạt điểm 15 trở lên chỉ có 799 TS/1.000 chỉ tiêu. Trong đó ngành kế toán chỉ có bảy TS đạt từ 15 điểm, 13 TS từ 14 điểm và 23 TS từ 13 điểm. Thấp hơn là ngành lâm sinh, chỉ có năm TS từ 15 điểm, bảy TS từ 14 điểm và tám TS từ 13 điểm!

Trong khi đó, tình cảnh của Trường ĐH An Giang cũng không khá hơn là mấy: số TS đạt từ 15 điểm chỉ có 943/1.400 chỉ tiêu. Trong đó ngành kinh tế chỉ có bốn TS đạt từ 15 điểm và bảy TS nếu lấy điểm là 14, ngành phát triển nông thôn có 16 TS đạt điểm 15 trở lên!

Tìm đâu người học bây giờ?

Ông Tạ Quang Lâm, phó phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khẳng định chắc nịch: “Điểm sàn không thể cao hơn 15, bởi cao hơn thì nhiều trường sẽ chết!”. Quả là chết thật, vì ngay như ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay cũng phải "hạ mình" lấy đến mức 15 cho hai ngành sư phạm tâm lý giáo dục và cử nhân ngữ văn. Một trường sư phạm trọng điểm mà như vậy thì các trường khác sẽ như thế nào?

Một cán bộ Trường ĐH Cần Thơ cho biết nếu lấy điểm sàn là 15 cho tất cả các khối thì trường sẽ thiếu khoảng 1.100 chỉ tiêu (đã tính luôn 20% gọi vượt). Có lẽ vì vậy mà vị cán bộ này cho biết ĐH Cần Thơ dự kiến sẽ đề xuất mức điểm sàn 14 cho tất cả các khối. Tương tự, ông Võ Thanh Tùng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm Đồng Tháp, cũng cho biết trường sẽ đề xuất mức điểm sàn thấp hơn 15, cụ thể nếu lấy 14 điểm thì mới có thể tuyển đủ chỉ tiêu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thao, hiệu trưởng ĐH Tây nguyên, cũng tâm sự đầy nỗi niềm: nếu lấy điểm xét tuyển từ 15 trở lên thì trường chỉ tuyển được khoảng 60% chỉ tiêu và dự kiến phải tuyển đến NV3 cho một số ngành!

Mặc dù khá an tâm về điểm thi khối C nhưng ĐH An Giang lại lo lắng cho “số phận” các ngành khối kinh tế (ngoài sư phạm). Ông Trần Văn Thanh, trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng, khẳng định: điểm thi khối A và D khá thấp, nếu điểm sàn khối A là 15 thì tình hình sẽ rất bi đát, các ngành này sẽ bị thiếu TS trầm trọng!

Ông Thanh lý giải: "Điểm thi khối A phân hóa khá rõ nét, điểm cao thì rất cao nhưng lại không nhiều, trong khi biểu điểm lại phân bố chủ yếu ở điểm mức 5-8 điểm/ba môn". Và phương án NV2 cũng đã được tính đến nhưng ông Thanh cho rằng không hi vọng là mấy.

Xem ra bài toán điểm sàn với yêu cầu vừa đáp ứng đủ chỉ tiêu đào tạo vừa đảm bảo chất lượng đầu vào quả hết sức nan giải. Trong bối cảnh đó, dường như áp dụng một mức điểm sàn chung cho tất cả các trường là không khả thi và vô cùng khập khiễng!

MINH GIẢNG