Cần chấm dứt thi môn thay thế tiếng nước ngoài
Các Website khác - 11/08/2005

Học sinh lớp 10
TTO - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng yêu cầu, cần tạo điều kiện để học sinh được học một thứ tiếng nước ngoài (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga hoặc tiếng Trung Quốc) từ cấp THCS và được học tiếp ngoại ngữ đó ở cấp THPT. Hạn chế và sớm chấm dứt không còn phải thi môn thay thế tiếng nước ngoài.

Trong nội dung "Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2005-2006" gửi các Sở GD-ĐT trong cả nước, Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng cũng đề nghị các Sở GD-ĐT thực hiện thí điểm dạy tiếng Trung Quốc ở cấp THCS, năm học này tiếp tục dạy ở lớp 9 theo sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành năm 2005. Tiếp tục thực hiện thí điểm dự án tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp, thí điểm dạy tiếng Nhật.

Các Sở GD-ĐT cần quản lý chặt chẽ các kỳ thi và đánh giá tốt nghiệp cấp học, thi tuyển sinh. Khắc phục cho được tình trạng kết quả đánh giá, thi cử không phản ánh đúng chất lượng giảng dạy, học tập, không bảo đảm chính xác, công bằng, tác động tiêu cực đối với hoạt động dạy và học.

Tiếp tục thí điểm phân ban THPT. Các trường tham gia thí điểm phân ban phải nghiêm túc thực hiện các văn bản hướng dẫn về thực hiện phân ban và dạy học tự chọn của Bộ GD-ĐT.

Từ năm học 2005-2006, Bộ GD-ĐT triển khai thí điểm mô hình trường THPT kỹ thuật tại 4 trường của các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp, Phú Thọ và Quảng Bình. Các Sở GD-ĐT chỉ đạo thực hiện chương trình, sách giáo khoa, tài liệu kỹ thuật nghề trường THPT kỹ thuật theo quy định. Đồng thời, chủ động tham mưu với UBND tỉnh, thành phố phối hợp nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề và ưu tiên bố trí giáo viên cho các trường THPT kỹ thuật, đặc biệt là giáo viên dạy kỹ thuật nghề.

Triển khai đại trà chương trình, sách giáo khoa lớp 9. Bố trí cho giáo viên dạy đại trà sách giáo khoa lớp 9 được bồi dưỡng thay sách theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT. Bảo đảm dạy đủ các môn theo quy định trong kế hoạch giáo dục và thực hiện đầy đủ các hoạt động giáo dục khác.

Các địa phương, trường học không được tùy tiện đặt ra các kỳ thi, thi thử ngoài quy định của Bộ. Khẩn trương chuẩn bị cho HS tiếp cận, làm quen với hình thức thi trắc nghiệm, đặc biệt là môn tiếng nước ngoài.

Từ năm học này, không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THCS. Những HS học hết chương trình THCS sẽ được xét, công nhận và cấp bằng tốt nghiệp THCS theo quy định của Bộ GD-ĐT (về vấn đề này, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể sau).

Xây dựng và phân bố chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10 phải đảm bảo tính hợp lý, cân đối giữa các loại hình trường lớp (công lập, ngoài công lập; bảo đảm tính liên tục của việc thí điểm phân ban; thực hiện thí điểm mô hình trường THPT kỹ thuật), đảm bảo sự phân luồng học sinh sau THCS và THPT.

Đối với những nơi chưa mở được trường ngoài công lập hoặc đã có trường ngoài công lập nhưng học sinh phải đi học quá xa, cho phép mở một số lớp bán công trong trường công lập nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu tuyển sinh công lập, từng bước giảm dần sớm chấm dứt việc mở lớp bán công trong trường công lập.

Tiếp tục đổi mới các hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh, kết hợp hình thức thi, kiểm tra tự luận với trắc nghiệm; đổi mới cách ra đề kiểm tra theo hướng đòi hỏi người học phải hiểu bài, vận dụng kiến thức, hạn chế lối học vẹt, ghi nhớ máy móc. Các địa phương phải có các biện pháp quản lý, tăng cường giáo dục cán bộ, giáo viên và học sinh tích cực, chủ động trong dạy và học, nghiêm túc trong kiểm tra, đánh giá để phản ánh đúng chất lượng dạy và học của từng học sinh, từng lớp, từng trường.

QUỐC DŨNG