Thí sinh tự do xin dấu ở nơi đăng kí hộ khẩu
Thời hạn thu nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT quy định thống nhất trên phạm vi toàn quốc như sau: theo hệ thống của Sở GD&ĐT từ ngày 10/3 đến hết ngày 10/4. Các em cũng có thể nộp hồ sơ ĐKDT tại các trường tổ chức thi từ ngày 11/4 đến hết ngày 17/4.
Hồ sơ ĐKDT gồm: Một túi đựng hồ sơ, phiếu số 1, phiếu số 2. Trong đó, phiếu số 1 do sở GD&ĐT lưu giữ, phiếu số 2 do thí sinh (TS) giữ và được sử dụng trong những trường hợp cần thiết. Bản photocopy mặt trước phiếu ĐKDT số 1 nộp cho trường không tổ chức thi hoặc hệ CĐ của trường ĐH. 3 ảnh chân dung cỡ 4x6 được chụp trong thời gian 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ ĐKDT; 3 phong bì dán tem sẵn ghi rõ họ tên và địa chỉ của TS. Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có). Tại mục 2 của phiếu ĐKDT, tất cả TS có nguyện vọng 1 đăng kí vào học tại các trường có tổ chức thi tuyển sinh đều phải ghi đầy đủ tên trường, ký hiệu trường, khối thi, mã ngành của trường mà TS sẽ dự thi và có NV1 vào học.
Riêng TS có nguyện vọng 1 học tại các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH phải khai hồ sơ như sau: Mục 2: Chỉ ghi tên trường, ký hiệu trường và khối thi của trường mà TS dự thi (không ghi mã ngành).
Mục 3, ghi đầy đủ tên trường, ký hiệu trường, khối thi và mã ngành của trường không tổ chức thi hoặc của hệ CĐ của trường ĐH mà TS có nguyện vọng học (NV1).
Về địa điểm nộp hồ sơ, TS dự thi tại trường nào sẽ nộp hồ sơ ĐKDT cho trường đó qua hệ thống thu nhận hồ sơ của các Sở GD&ĐT. Khi hết thời hạn nộp hồ sơ theo hệ thống của Sở GD&ĐT, thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp cho các trường theo đúng thời hạn quy định.
Theo quy chế tuyển sinh, TS có thể thay đổi nguyện vọng đối với ngành học của trường ĐKDT trong ngày đến làm thủ tục dự thi. Tuy nhiên, mọi sự chỉnh sửa chỉ có thể làm được trước khi kì thi diễn ra. Sau khi đã bước vào kì thi chính thức, mọi sự chỉnh sửa sẽ không được chấp nhận.
TS tự do cũng mua bộ hồ sơ ĐKDT tại các hiệu sách trong cả nước. Điều đặc biệt lưu ý, trong hồ sơ ĐKDT có mục xác nhận của địa phương. Chính vì vậy, các em bắt buộc phải xin dấu ở mục này. Cụ thể, các em có thể xin dấu xác nhận của UBND phường, xã nơi các em có đăng ký hộ khẩu thường trú.

|
(Ảnh: C.H) |
Có thể thay đổi nguyện vọng trong ngày làm thủ tục dự thi
Những TS dự thi ĐH theo đề chung của Bộ GD&ĐT có kết quả thi từ điểm sàn ĐH (hoặc CĐ) trở lên, nếu không trúng tuyển đợt 1, thì nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (đợt 2 hoặc đợt 3) qua đường bưu điện chuyển phát nhanh vào ngành cùng khối thi, trong vùng tuyển quy định của một trường ĐH hoặc trường CĐ còn chỉ tiêu xét tuyển.
Không dùng kết quả CĐ xét tuyển ĐH Cả hai đợt thi ĐH và CĐ đều do Bộ GD&ĐT ra đề thi chung. Tuy nhiên, do mức độ, yêu cầu trong nội dung đề thi ĐH và CĐ có sự khác nhau. Do đó, kết quả thi bằng đề ĐH và đề CĐ không được sử dụng để đăng ký xét tuyển như nhau. Đối với kết quả thi bằng đề thi ĐH chung có thể sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH và CĐ khác. Nhưng kết quả thi bằng đề thi CĐ chung chỉ được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường CĐ và hệ CĐ trong các trường ĐH, không thể dùng để đăng ký xét tuyển vào ĐH. |
Các trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển và lệ phí đăng ký xét tuyển đợt 2 của thí sinh từ ngày 25/8 đến hết giờ mở cửa giao dịch thường lệ của bưu điện trong ngày 10/9; đợt 3 từ ngày 15/9 đến hết ngày 30/9.
Các trường chỉ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển và lệ phí đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện, không nhận trực tiếp, không đăng ký xét qua mạng và chỉ nhận giấy chứng nhận kết quả thi có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi (không nhận bản sao, bản photocopy). Thời gian nộp hồ sơ tính theo dấu bưu điện. Các trường không được kết thúc việc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh đã nộp theo thời hạn quy định trên.
Riêng thí sinh đã trúng tuyển ĐH, nếu có nguyện vọng học tại trường CĐ địa phương cùng khối thi và trong vùng tuyển, phải làm đơn kèm giấy báo trúng tuyển gửi trường CĐ có nguyện vọng học để trường xét tuyển.
Thí sinh dự thi ĐH theo đề thi chung chỉ được tham gia xét tuyển khi có tổng điểm ba môn thi từ điểm sàn trở lên (không có môn nào bị điểm 0). Các trường quy định mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển không thấp hơn điểm sàn.
Các cụm thi quốc gia vẫn giữ ổn định như năm 2008 tại TP Vinh, TP Quy Nhơn, TP Cần Thơ. TS tự do không bắt buộc phải dự thi tại cụm thi được chỉ định theo hộ khẩu thường trú. Với những thí sinh đăng ký dự thi vào các trường ĐH khối quốc phòng và công an, hoặc các trường và các ngành năng khiếu như: thể dục thể thao, nghệ thuật, mỹ thuật, nhạc, họa, sân khấu điện ảnh, kiến trúc, mỹ thuật công nghiệp, văn hóa quần chúng và các ngành năng khiếu của các trường sư phạm... vẫn phải đến trường ĐH để dự thi (không dự thi ở cụm).
Mất phiếu số 2, phải viết giấy xác nhận thông tin điều chỉnh Khi bị mất phiếu số 2, thí sinh có thể mang những giấy tờ tùy thân dán ảnh hợp lệ xuất trình cho cán bộ trả giấy báo dự thi để nhận giấy báo của mình. Giấy tờ hợp lệ có thể là CMND, thẻ học sinh... Đồng thời khi bị mất phiếu số 2, ngay khi nhận được giấy báo dự thi, thí sinh phải xem có bị sai sót gì trong hồ sơ đăng ký dự thi không. Nếu sai sót, thí sinh phải báo cáo hội đồng tuyển sinh để làm thủ tục điều chỉnh ngay trước khi bước vào dự thi chính thức, tức là ngày đầu tiên của mỗi đợt thi. Muốn chỉnh sửa, thí sinh cần mang những giấy tờ cần thiết để xác nhận thông tin mình sửa. Ví dụ, nếu thấy có những sai sót hoặc nhầm lẫn về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh thì phải mang giấy khai sinh; nhầm lẫn đối tượng, khu vực ưu tiên thì phải mang giấy xác nhận của địa phương... Thông thường, khi điều chỉnh hồ sơ đăng ký dự thi, cán bộ điều chỉnh phải xác nhận vào phiếu số 2, nhưng đối với những thí sinh làm mất phiếu số 2 thì cán bộ chỉnh sửa hồ sơ bắt buộc phải viết giấy xác nhận thông tin điều chỉnh cho thí sinh, sau đó đóng dấu xác nhận. Thí sinh có trách nhiệm giữ giấy này để sau này có thể đối chứng khi cần thiết. H. Nguyên |
Theo Giadinh net