270.000 tỷ đồng vốn nhà nước phải cổ phần hóa
Các Website khác - 28/11/2005

Mới trên 10% vốn trong các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa. 270.000 tỷ đồng còn tồn ở những đơn vị làm ăn không hiệu quả. Theo ông Hồ Xuân Hùng, Phó Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cần nhanh chóng chuyển đổi, bởi càng chậm sẽ càng thiệt hại cho nền kinh tế.

Ông Hồ Xuân Hùng.
Ông Hồ Xuân Hùng.
- Ông đánh giá thế nào về quá trình đổi mới và sắp xếp khối doanh nghiệp nhà nước?

- Điểm yếu kém nhất của khối doanh nghiệp nhà nước hiện nay là hoạt động kém hiệu quả, sức cạnh tranh cũng kém, trong khi chúng ta đang bước vào hội nhập toàn diện với việc mở rộng các lĩnh vực cho mọi thành phần kinh tế tham gia.

Tính đến tháng 10, mặc dù cả nước đã chuyển đổi được trên 2.600 doanh nghiệp sang công ty cổ phần, nhưng vốn được cổ phần vẫn còn quá ít, chỉ hơn 10% số vốn nhà nước trong các doanh nghiệp. Hiện nay số vốn chưa được cổ phẩn hóa còn rất lớn, nhưng đa số không phát huy được hiệu quả. Do đó không có cách nào khác là chúng ta phải nhanh chóng chuyển đổi, bởi nếu càng chậm sẽ càng thiệt hại cho nền kinh tế.

- Dự án Luật Doanh nghiệp (dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này) đưa ra thời hạn sau bốn năm kể từ khi luật có hiệu lực sẽ chuyển toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần và công ty TNHH. Theo ông, mức độ khả thi ra sao?

- Tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu này vì đã có kinh nghiệm trong nhiều năm qua. Vấn đề quan trọng hiện nay chủ yếu vẫn là công ty mẹ, còn các công ty con, công ty độc lập thuộc các bộ hoặc tỉnh đã chuyển qua cổ phần gần hết.

Các công ty mẹ phải rà soát lại xem công ty nào sẽ chuyển sang công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên. Một số quy định trong việc chuyển đổi sang hình thức công ty mẹ - con, công ty một thành viên cũng phải sửa để thủ tục đơn giản và gọn nhẹ hơn so với hiện nay.

- Mặc dù đã có cơ chế mở cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia khi doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa, nhưng đến nay chỉ mới có 25 doanh nghiệp có sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, theo ông vì sao?

- Thời gian qua chúng ta cổ phần hóa phần lớn là những doanh nghiệp nhỏ, làm ăn kém hiệu quả. Quy định còn quá chặt đối với doanh nghiệp nước ngoài muốn tham gia, chẳng hạn chỉ cho phép họ tham gia góp vốn với một tỷ lệ rất nhỏ.

Trong khi đó mục đích nhà đầu tư nước ngoài vào đây không phải là để được hưởng ưu đãi, mà muốn tham gia ban điều hành để có thể cải cách về quản trị cũng như phương thức kinh doanh của doanh nghiệp. Vấn đề này vừa qua chúng ta đã tháo gỡ và sẽ còn đổi mới tiếp để nhà đầu tư nước ngoài được tham gia điều hành và quản trị doanh nghiệp.

- Nhiều ý kiến đề nghị nên thuê các công ty nước ngoài tham gia định giá doanh nghiệp trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để phát huy hiệu quả cao hơn, đồng thời tránh việc định giá thiếu khách quan và yếu kém như hiện nay, gây thất thoát lớn nguồn vốn nhà nước. Quan điểm ông ra sao?

- Với những doanh nghiệp lớn, chúng ta phải thuê công ty kiểm toán quốc tế, chẳng hạn sắp tới cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương thì phải thuê kiểm toán nước ngoài. Chính phủ cũng đã cho phép thuê công ty kiểm toán nước ngoài định giá khi cổ phần hóa các tổng công ty, doanh nghiệp lớn. Bởi vì với những trường hợp như vậy, các công ty kiểm toán trong nước không làm nổi và nếu làm sẽ dễ dẫn đến thất thoát hoặc kéo dài thời gian.

(Theo Tuổi Trẻ)