96% người Việt Nam cho rằng "có tiền là hạnh phúc"
Các Website khác - 30/07/2008

Đây là kết quả cuộc nghiên cứu về nhu cầu và ước mơ của người tiêu dùng tại 16 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á có tên “Eye on Asia™” do tập đoàn quảng cáo, tiếp thị và quan hệ công chúng toàn cầu Grey Group tiến hành.

Theo kết quả nghiên cứu, 96% người Việt Nam cho rằng có đủ tiền là hạnh phúc

Kết quả nghiên cứu cho thấy người châu Á đã trở nên bớt bảo thủ và bắt đầu đeo đuổi những phong cách sống cá nhân khác nhau, và thực sự không hài lòng lắm với công việc của mình.

Về đời sống, trung bình khoảng 56% người châu Á cho biết họ bị ảnh hưởng bởi các xu hướng hiện tại, cao hơn hẳn so với các nước phương Tây, chỉ có 41%.

Con số này cũng khá chênh lệch khi ở  Sri Lanka là 84%, Việt Nam là 47%. Ở các nước Nhật Bản và Hàn Quốc, 35% người dân khẳng định rằng họ không chạy theo xu hướng mà thích những gì mang tính lâu dài hơn.

Chỉ có khoảng 30% người Việt Nam cho rằng công việc là niềm vui, trái ngược với con số 70% của người Indonesia và 66% ở New Zealand.

Đặc biệt, một trong những yếu tố khiến người châu Á lạc quan và hạnh phúc là có đủ tiền. Đại đa số, 87%, tin vào điều này. Đặc biệt, 96% người Việt Nam và Đài Loan cho rằng có đủ tiền là yếu tố tạo nên hạnh phúc và sự lạc quan.

Hầu hết các phân khúc đều lạc quan về cuộc sống sau này. 40% tin rằng trong tương lai, mình sẽ có một ngôi nhà lớn, có ô tô và một gia đình hạnh phúc.

“Hầu hết người châu Á đều cảm thấy căng thẳng, áp lực, nhưng người Việt Nam lại cảm thấy cân bằng. Rất nhiều người châu Á làm việc ngày đêm để nâng cao chất lượng cuộc sống. Chỉ có 37% người Nhật thấy cuộc sống hiện tại của họ cân bằng trong khi với người Việt Nam với con số 90% và ở phương Tây là 63%”- Báo cáo cho biết.

Người châu Á đang ngày càng chịu nhiều áp lực

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy người châu Á mong muốn có những thương hiệu châu Á lớn mạnh. Trung bình, có khoảng 70% người châu Á ưa chuộng các thương hiệu trong nước. Ở Việt Nam thì lại có tới 77% ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài, tuy nhiên con số trung bình này trên toàn châu Á chỉ là 40%.

Kiến thức toàn cầu được đánh giá cao, nhưng biết cách áp dụng hiệu quả các kiến thức ấy vào trong nước mới là quan trọng. Cùng với sự phát triển của xã hội ngày càng có nhiều người châu Á làm việc triền miên, cố gắng leo lên nấc thang danh vọng để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nghiên cứu cũng cho thấy người châu Á rất coi trọng sức khỏe, đời sống tinh thần và coi trọng địa vị nhưng có những quan điểm khác nhau về sự sung túc tài chính.

Ước mong lớn nhất của người dân khu vực này là có sức khỏe. Chỉ 66% người châu Á tin rằng họ có chể độ ăn uống khỏe mạnh và hợp lí, tỉ lệ này ở Nhật Bản chỉ là 46%, thậm chí ở Hàn Quốc và Việt Nam chỉ có 37% và 28%. Nhưng có đến 90% người châu Á muốn chú trọng hơn đến đời sống tinh thần.

Theo đánh giá của Grey Group, Eye on Asia™  giúp các nhà tiếp thị  có những kiến thức sâu sắc hơn về khách hàng mục tiêu, để từ đó có thể đề ra các chiến lược hiệu quả hơn trong quảng bá thương hiệu ở các thị trường và phân khúc của mình tại châu Á.

Eye on Asia™  đã tiến hành phỏng vấn khoảng 75.000 người và trong năm 2008 đã thực hiện nghiên cứu tại Việt Nam cùng các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông, Indonesia, Philipines, Ấn Độ, New Zealand, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Sri Lanka và Bangladesh. Ngoài ra, nghiên cứu định lượng cũng được tiến hành lại tại Mỹ, Anh, Pháp và Đức cho phép Eye on Asia™ so sánh kết quả tại các khu vực khác nhau.

Phạm Tuyên