Dịch vụ nhạc chuông chờ ra đời đã xóa đi cái ấn tượng cũ kỹ và không bản sắc của tiếng "tút, tút" dài khô khốc, nhưng đôi khi do vô tình, chủ thuê bao cài đặt nhầm đoạn âm thanh lạ, một câu nói dị thường, gây khó chịu cho người gọi.
> Gạ tình qua di động \Vợ chồng giận nhau vì điện thoại di động
Ba lần bấm máy gọi cho cô nhân viên mới vào làm, anh Thắng - chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Hà Nội mới nhận được tín hiệu từ đầu dây bên kia. Thế nhưng, vừa đưa con dế lên tai nghe, anh tá hỏa dập máy. Từ ngạc nhiên, bàng hoàng, Thắng chuyển sang trạng thái tức giận. Anh lẩm bẩm: "Đúng là không biết trời cao đất dày là gì".
Thắng không giận sao được khi anh có việc gấp ở công ty đang cần cô nhân viên xử lý, vậy mà vừa nhấc máy lên anh đã nghe phía dây lanh lảnh giọng một cô gái: "Đứa nào gọi bà thế?". Thắng lấy máy cố định của công ty bấm lại thì vẫn cái giọng cũ vang lên. Chịu hết nổi.
Cách sử dụng điện thoại cũng thể hiện văn hóa của mỗi người. Ảnh minh họa: mobilenet |
Chừng 10 phút sau, Hạnh - tên cô nhân viên - bấm máy gọi lại. Cô xin lỗi về chuyện điện thoại để trong cốp xe không nghe thấy anh gọi. Khi anh thắc mắc về cái câu "Đứa nào gọi bà thế?" thì Hạnh cũng tá hỏa và một mực nói không hề nhấc máy và cũng không biết chuyện gì xảy ra.
Sau này Hạnh kể lại, thủ phạm chính là cậu em trai nghịch ngợm, tự cài đặt nhạc chuông cho chị gái. Lẽ ra cài đặt bài "Để gió cuốn đi" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì chẳng hiểu tý toáy kiểu gì cậu bấm nhầm vào phần âm tự tạo thành.
Một quan chức của Bộ Tài chính cũng kể lại câu chuyện "cười ra nước mắt" mà ông gặp phải. Cách đây chừng 3 tháng, không hiểu vì lý do gì mà bất kể bạn cũ, nhân viên trong văn phòng mỗi lần gọi điện cho ông xong lại buông một câu nhận xét: "Gớm dạo này sếp nhí nhảnh thế, cứ như là chớm yêu". Tưởng mọi người đùa cho vui nên sếp không để ý. 3 ngày sau tình cờ ông bấm điện thoại gọi vào máy của mình thì đầu dây bên kia phát ra bản nhạc: "Em như ánh sao trên trời, cô đơn vì thiếu vắng em. Ôm bao nhớ thương đợi chờ. Ngày mai nhớ thương em từng giờ".
Những tin bài liên quan - Nhà cung cấp biện bạch chuyện rớt sóng |
"Lúc này tôi mới tìm ra thủ phạm gây ra những tiếng cười đùa của nhân viên chính là bản nhạc yêu thương quá teen so với lứa tuổi của tôi", ông nói.
Kẻ gây ra sự cố trên lại chính là cậu con trai tuổi teen, trong lúc hứng chí không những đã cài bản nhạc trên cho bố. "Vừa tức vừa buồn cười, ngay chiều hôm sau tôi đã hủy dịch vụ nhạc chuông chờ để trở về tiếng tút, tút quen thuộc", ông cho biết thêm.
Cách đây 3 năm, dịch vụ nhạc chuông chờ ra đời xóa đi cái ấn tượng về tiếng "tút, tút" dài khô khốc. Những bài hát, câu chào tiếng động được dân sành dế thi nhau cài đặt. Thậm chí họ còn chọn những bản tình ca hay, phù hợp với tâm trạng để mặc định cho từng số máy gọi đến.
Thế nhưng khi thị trường bước vào giai đoạn bùng nổ với khoảng 50 nhà cung cấp dịch vụ thì những giai điệu tình ca réo rắt bị biến tấu thành những âm thanh rất khó nghe. "Đứa nào gọi ông đấy?, Đại ca đang ngủ đừng làm phiền, Bẩm cụ có điện thoại, Cụ ơi, cụ nghe điện đi, con lạy cụ, cụ nghe điện đi - đây là những câu dù không muốn nhưng các thuê bao điện thoại gọi đi thỉnh thoảng vẫn nghe được. Thậm chí chủ nhân số điện thoại 0122380xxxx còn cài hẳn đoạn ca cải lương: "Hãy nhấc máy đi anh, em đang chờ đang đợi. Anh mà không nhấc máy lên em bóp chết bây giờ".
Là nhân viên một công ty truyền thông ở Hà Nội, chị Vân thường phải thường xuyên liên lạc với khách hàng qua điện thoại di động. Chị cho hay chuyện khách hàng đặt chế độ nhạc chuông chờ kiểu khủng bố vẫn xảy ra như cơm bữa. Có lần chị vừa bấm máy cho thuê bao 098 thì đầu dây bên kia vang lên một giọng nữa "Thuê bao quý khách vừa gọi hiện đang trong tình trạng hết tiền. Xin quý khách nạp tiền cho thuê bao để chủ thuê bao có thể gọi lại cho bạn". Nghe đến đây chị cứ tưởng chủ thuê bao tắt máy, trấn tĩnh một lúc mới biết đây là chuông chờ.
Theo chị Vân, những đoạn chuông chờ ấy dù sao vẫn còn nhẹ nhàng hơn so với những bản đọc "ráp" hoặc nhạc "rock" mà một vài chủ thuê bao vẫn dùng. Thậm chí chủ một thuê bao mạng 098 nọ còn bê nguyên tiếng xe lửa "xịch, xịch, xòe" vào điện thoại khiến không ít người gọi đến muốn nổ tung cái đầu.
Có cung ắt có cầu, khách hàng cần thì nhà khai thác sẵn sàng đáp ứng. Việc chọn nhạc chuông, nhạc chờ cho dế là quyền của mỗi người. Một chuyên gia viễn thông của Viettel nói: "Khi chọn Imuzik (nhạc chuông chờ) của Viettel, mỗi khách cần xác định rằng bạn không phải chọn nhạc cho mình nghe mà là để cho các thuê bao khác gọi đến thưởng thức. Do vậy, cần lưu ý lựa chọn giai điệu bản nhạc cho phù hợp, tránh gây hiểu lầm cho người khác".
Phan Linh Anh
▪ Sân golf "xuống" ruộng, nông dân mang án nghèo! (29/07/2008)
▪ Doanh nghiệp tự cứu: Muôn màu muôn vẻ (26/07/2008)
▪ Chưa phát hiện thấy hoạt động rửa tiền ở Việt Nam (26/07/2008)
▪ Sony đóng cửa nhà máy tại Việt Nam (25/07/2008)
▪ “Made in” hay “made by”? (25/07/2008)
▪ MobiFone và Vinaphone được phép giảm cước thuê bao trả sau (24/07/2008)
▪ Sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn muối năm 2008 (23/07/2008)
▪ "Kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục" (21/07/2008)
▪ Ôtô cũ vẫn sống 'khỏe' bất chấp hàng rào thuế quan (19/07/2008)
▪ MobiFone cung cấp thêm nhiều bài hát mới cho Funring (18/07/2008)