Một số nhà thầu đã bỏ cuộc giữa chừng dù đó là các công trình trọng điểm trong nội thành TP HCM như cầu Thủ Thiêm, cầu Nguyễn Văn Cừ. Có nhà thầu thì tuân theo tôn chỉ "im lặng là vàng" trước mọi lời mời gọi, nếu có thì sẽ thẳng thừng từ chối dự thầu một số gói.
Mới đây, Tổng công ty Xây dựng số 1 (Tổng 1), nhà thầu chính xây dựng cầu Thủ Thiêm, đã đề nghị UBND TP HCM cho rút ba trong tám nhà thầu phụ đã đăng ký hợp tác xây cầu này. Lý do, các nhà thầu đó đã thẳng thừng tuyên bố bỏ giữa chừng cuộc chơi.
Sau một năm, cầu Thủ Thiêm, phía quận Bình Thạnh chỉ làm được một mố và một trụ vì vướng giải tỏa. Ảnh: Lưu Đức |
Công trình cầu Nguyễn Văn Cừ được khởi công từ cuối năm 2004, nhưng đến nay chỉ có gói thầu xây dựng cầu từ phía quận 1 ra giữa kênh Tẻ là có đơn vị thi công. Các gói thầu xây dựng nhánh cầu rẽ sang quận 4 và xây cầu chính sang quận 8 đã qua ba lần đấu thầu nhưng vẫn không có nhà thầu nào trúng.
Hét giá cao để... né
Theo một quan chức Khu quản lý giao thông đô thị số 1, tại các lần đấu thầu trên, hầu hết nhà thầu đều bỏ giá rất cao so với giá được duyệt. "Không phải họ hùa nhau bỏ thầu cao để làm ế công trình. Mà một phần lý do là họ bỏ cao để né khỏi phải làm", vị quan chức nói.
Tại công trình cầu Thủ Thiêm, cái cớ chung nhất mà các nhà thầu đưa ra là không thể điều động được phương tiện, con người theo đúng tiến độ của nhà thầu chính. Bởi họ còn đang phải rải quân trên các công trình ở xa thành phố.
Theo một số nhà thầu chính và đại diện chủ đầu tư, cái cớ trên chưa phản ánh được thực chất vấn đề.
Kỹ sư Ngô Quang Vinh, trưởng Ban điều hành công trình xây dựng cầu Thủ Thiêm, cho biết, khi đàm phán các nhà thầu đều đưa ra giá thi công rất cao so với mặt bằng chung hoặc cao so với giá được duyệt. Trong khi giá xây dựng công trình hiện nay được quy định rất sát và chặt chẽ, nếu nhà thầu áp giá vào công trình cụ thể thì gần như không còn một kẽ hở nào. Vì thế, việc "hét" giá cao nếu không được cũng tốt, còn nếu được nhà thầu chính chấp thuận, thầu phụ mới may ra kiếm được đôi ba đồng lời.
Những ngồi nhà phía quận bình Thạnh đang chờ giải tỏa để làm cầu Thủ Thiêm. Ảnh: Lưu Đức |
Theo quy định, từ tháng thứ 13 sau khi ký hợp đồng và tiến hành thi công nhà thầu mới được quyền đề nghị điều chỉnh giá vật tư. Trong thời gian đó, giá vật tư tăng liên tục còn nhà thầu thì vẫn phải bỏ tiền ra mua vật tư theo giá thị trường để công trình không bị gián đoạn. Thực tế, giá vật tư theo quy định để ký hợp đồng và thanh quyết toán luôn thấp hơn giá trên thị trường, vốn thường xuyên biến động. Phần thiệt hoàn toàn nằm về phía thi công.
Một nhà thầu cho biết, hiện nay, khi có công trình, không nhà thầu nào (dù là "đại gia" của ngành xây dựng cầu, đường) bỏ tiền túi ra thi công. Tất cả đều đi vay. Đây là một thông lệ để tạo nên dây chuyền: nhà thầu - các ngân hàng thương mại - chủ đầu tư. Khi gặp rủi ro, như trường hợp chủ đầu tư chậm rót tiền thì nhà thầu có chỗ để đổ lỗi là chủ đầu tư và chỗ dựa để vay tiếp là ngân hàng. Nhưng mặt trái của dây chuyền này, mà chính nhà thầu sẽ phải "lãnh đủ", là lợi nhuận từ nhiều công trình có khi thấp hơn nhiều lãi suất vay vốn ngân hàng. Đối với các công trình bị kéo dài thời gian xây dựng do vướng giải tỏa thì lãi suất tiền vay càng tăng cao, nhà thầu càng thêm nặng gánh.
Thi công trong nội thành quá khó
Ngoài giá cả, chính sách tài chính, các nhà thầu còn ngại chuyện vận chuyển vật tư, tiến độ đền bù giải tỏa và công tác thanh kiểm tra. Tại các công trình cầu, đường nằm sâu trong nội thành, việc vận chuyển vật tư theo đường bộ chỉ được thực hiện từ sau 21h đến trước 6h sáng hôm sau. Trong thời gian ngắn như vậy nhà xe không thể tăng nhiều vòng quay chạy xe để có lời. Mặt khác vì chạy đêm nên tiền tài công, bốc xếp vật tư rất cao làm cho giá thành vận chuyển lên cao hơn vận chuyển ban ngày.
Cầu Nguyễn Văn Cừ gần một năm rưỡi sau ngày khởi công mới chỉ làm tới một số trụ bên phía quận 1. Phía quận 4 và 8 chưa làm được vì ít có nhà thầu quan tâm. Ảnh: Lưu Đức |
Công tác thanh kiểm tra thời gian gần đây cũng được tiến hành khá mạnh, gắt. Trong điều kiện giá cả thi công đã áp rất sát, gần như không còn cửa để "cựa quậy", lại được thanh, kiểm tra liên tục thì quả là khó làm ăn. Chưa kể do thi công trong nội thành, nơi đông dân, dù có làm cho ngay ngắn thì việc bị "dòm ngó" đã gây khó chịu cho không ít nhà thầu. "Có anh là trưởng điều hành một công trình, chỉ vì một lời phản ánh của người qua đường về việc để xe thi công làm bẩn đường phố cũng bị buộc nhận quyết định chuyển vùng công tác!"- Phó giám đốc một đơn vị làm chủ đầu tư kể.
Thi công trong nội thành, mặt bằng luôn hẹp trong khi để làm các công trình thì phải sử dụng các phương tiện lớn nên nguy cơ xảy ra các sự cố như cần cẩu va chạm vào các công trình nhà ở, điện, điện thại... là rất lớn. Mặt khác các công trình ngầm ở trong nội thành thì dày đặc mà cơ chế phối hợp để giúp nhà thầu biết được vị trí các công trình ngầm chưa có. "Khi đụng phải công trình ngầm, bị "phạt vạ" thì nhà thầu chưa chắc còn cháo để mà ăn", một nhà thầu chua chát nói.
Cái khó nữa với các nhà thầu là tiến độ giải tỏa ở nhiều công trình luôn chậm. Khi đã đưa thiết bị máy móc, con người vào công trình mà chưa giải tỏa được thì lấy đâu mặt bằng thi công. Máy móc, con người đành ngồi chơi xơi nước trong khi tiền khấu hao hoặc thuê máy móc vẫn phải trả, tiền lương của công nhân vẫn phải chi.
Theo ông Lê Quyết Thắng, Phó Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, những vướng mắc trên đã được trình báo lên lãnh đạo thành phố để kéo các nhà thầu vào xây dựng cầu, đường. Nhưng đến nay vẫn chưa có cách giải quyết hữu hiệu những vướng mắc trên. "Trước tình hình đó dù chúng tôi đã "trân trọng kính mời" nhưng rất ít nhà thầu có đủ năng lực tham gia các công trình. Có chăng họ có văn bản đáp lại xã giao rồi từ chối", ông Thắng nói.
Lưu Đức
▪ Việt Nam tiến gần hơn đến quy chế thành viên WTO (29/03/2006)
▪ Doanh nghiệp New Zealand quan tâm dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (29/03/2006)
▪ 9 triệu hộ dân được vay vốn Ngân hàng NN&PTNT VN (29/03/2006)
▪ Siêu thị miễn thuế Mộc Bài: Thất thoát hàng tỉ đồng tiền thuế (29/03/2006)
▪ Nhà, đất công sẽ phân thành 3 loại (29/03/2006)
▪ Thêm loại hình dịch vụ bảo hiểm nhân thọ bưu chính (29/03/2006)
▪ Ai tiếp tay cho sai phạm của Thiên Nam? (29/03/2006)
▪ Khắc phục xong các sự cố về điện (29/03/2006)
▪ Chợ... từ thiện (!) (29/03/2006)
▪ Mạng di động VinaPhone lại gặp trục trặc (29/03/2006)