Cải tạo chung cư cũ: Vẫn chỉ dừng ở nghiên cứu, lập quy hoạch
Các Website khác - 22/06/2006
Cải tạo chung cư cũ: Vẫn chỉ dừng ở nghiên cứu, lập quy hoạch
Thu Huyền

Sau gần một năm HĐND TP.Hà Nội ban hành nghị quyết về cải tạo xây dựng mới các khu chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn, tiến độ các dự án thí điểm vẫn giậm chân tại chỗ. Theo báo cáo của các doanh nghiệp thì khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề vốn và quy hoạch.

Nhiều khu chung cư xuống cấp
đang chờ được cải tạo.
4 năm chưa được duyệt quy hoạch
Theo ông Nguyễn Đăng Bình - Phó Giám đốc Sở TNMTNĐ - mặc dù thành phố đã chỉ đạo triển khai cải tạo các khu chung cư cũ, nhưng đến nay việc triển khai rất chậm trễ, gặp nhiều vướng mắc. Gần một năm qua, các khu chung cư được chọn làm thí điểm như khu Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, khu B Kim Liên chỉ dừng ở việc nghiên cứu, điều tra xã hội học, lập quy hoạch.

Bà Tô Thị Hạnh - Giám đốc Cty cổ phần đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội, chủ đầu tư dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ - cho biết, sau gần 4 năm theo đuổi dự án cải tạo khu Nguyễn Công Trứ, kết quả duy nhất đạt được là đánh giá hiện trạng sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật, xã hội, điều tra xã hội học và lấy ý kiến người dân.

"Quy hoạch chi tiết 1/500 là cơ sở quan trọng đầu tiên để triển khai dự án chưa được duyệt nói gì đến việc lên phương án giải phóng mặt bằng, tìm nguồn vốn đầu tư hay thi công" - bà Hạnh phàn nàn.

Vẫn theo ông Bình, ngân sách thành phố không thể đầu tư, trong khi đó nguồn vốn cho dự án này lại rất lớn. Cụ thể, khu B Kim Liên có diện tích 5,2ha, cần đầu tư khoảng 1.700 tỉ đồng, khu tập thể Nguyễn Công Trứ 5,7ha cần tổng vốn đầu tư 2.000 tỉ đồng, khu Văn Chương cần 1.300 tỉ đồng. Do vốn rất khó khăn, nhiều chủ đầu tư đã phải rút lui.

Đối với việc cải tạo các chung cư, phần lợi nhuận chủ yếu có được từ diện tích kinh doanh ở tầng 1, diện tích sàn chồng cao thêm. Tuy nhiên, hầu hết các khu này đều "vướng" vào quy hoạch, không thể tăng mật độ xây dựng một cách tuỳ tiện.

Đề nghị tăng mật độ xây dựng lên 50-55%

Theo báo cáo của Cty đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7, nguồn vốn để xây dựng hạ tầng khu tập thể Nguyễn Công Trứ lên tới hàng trăm tỉ đồng, ngoài ra cần 50.000m2 đất tái định cư. Khu Thanh Xuân Bắc cũng còn thiếu khoảng 2.000 tỉ đồng nếu phải lấy thu bù chi (GPMB, xây dựng hạ tầng). Vì vậy, các chủ đầu tư đều đề xuất thành phố cần có cơ chế hỗ trợ vốn về hạ tầng, tái định cư.

Ngoài ra, khảo sát tại tập thể Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, khu Thanh Xuân Bắc cho thấy mật độ xây dựng đều tăng từ 35% lên 75-80% (chủ yếu do dân cơi nới, lấn chiếm). Do vậy, nếu thực hiện đúng theo quy hoạch cũ sẽ không thể bù đắp được chi phí. Các sở, ngành và chủ đầu tư thống nhất đề nghị thành phố cho phép mật độ xây dựng là 50-55%, hệ số sử dụng đất 5-5,5 lần. Thành phố cần đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, có cơ chế cho dân được vay vốn để trả phần diện tích nhà chênh lệch.

Phó Chủ tịch UBND TP Đỗ Hoàng Ân cho biết, thành phố sẽ sớm ban hành một chính sách đặc thù, đảm bảo quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp. Về quy hoạch, thành phố sẽ cho thực hiện linh hoạt hơn, có thể tăng mật độ dân cư; cho phép chủ đầu tư được sử dụng diện tích tầng 1 vào kinh doanh.

Tuy nhiên, chủ đầu tư cần thực hiện đúng chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho dân (có thể xây trước một số khu nhà cao tầng để tạm cư). Mặt khác, thành phố có cơ chế ưu đãi xét duyệt quy hoạch, miễn - giảm tiền sử dụng đất, cho vay vốn với ưu đãi đầu tư; hỗ trợ vốn vay cho người mua, gia đình trẻ. Đối với các khu tập thể cũ nát, nguy hiểm, thành phố ứng vốn ra để làm trước.