Tổng thầu EPC: Cần một tư duy nhất quán
Các Website khác - 22/06/2006
Tổng thầu EPC với sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước:
Bài 2: Cần một tư duy nhất quán


AHLĐ Phạm Hùng - Tổng Giám đốc Lilama


Để thực hiện được tổng thầu EPC, Đảng và Chính phủ phải tạo được một tư duy nhất quán từ trên xuống dưới và giữa các bộ, ban, ngành.

Hoàn thiện Phòng điều hành trung
tâm Nhà máy nhiệt điện Uông Bí.
Cần những tập đoàn công nghiệp lớn

Một số tư duy cho rằng không nên phát triển công nghiệp nặng vì đầu tư tốn kém, thu hồi vốn chậm... mà chỉ nên phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ, công nghiệp nhẹ, công nghệ thông tin, công nghệ cao... Nhưng thử hỏi một đất nước không có công nghiệp nặng, không có các tập đoàn công nghiệp lớn thì nước đó có phải là một nước công nghiệp không?

Có thể nói ngành công nghiệp nặng là mảnh đất để các lĩnh vực công nghiệp khác phát triển. Phải có những dây chuyền sản xuất công nghệ, chế tạo... để chúng ta áp dụng các phần mềm về thiết kế, chế tạo, quản lý dự án. Phải có những cỗ máy hoạt động để chúng ta tự động hoá nó và đưa hệ thống điều khiển vào sử dụng.

"Bê" nguyên cơ chế
Liên quan đến tổng thầu EPC trong nước thì cơ chế đấu thầu (hoặc Luật Đấu thầu) là chi phối nhiều nhất. Hiện tại một bất cập đang tồn tại ở nước ta là: Chúng ta xây dựng một nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước trên một nền tảng cơ sở vật chất nghèo nàn với những DNNN có thể nói là ốm yếu, thiếu phương tiện, thiết bị, công nghệ, vốn...

Nhưng chúng ta lại "bê nguyên" các cơ chế đấu thầu của các nước tư bản trong đó hầu hết là thành phần kinh tế mà chủ đầu tư và nhà thầu hầu hết là tư nhân, trong khi ở ta phần lớn chủ đầu tư các dự án lớn là Nhà nước.

Trong cơ chế thị trường, việc đấu thầu, cạnh tranh là cần thiết để phát triển, nhưng tại thời điểm này việc áp dụng "cứng nhắc" như vậy cần được khách quan xem xét lại. Một minh chứng rất đầy đủ và rõ ràng rằng tất cả các dự án có nguồn vốn ODA của Nhật Bản được đầu tư ở nước ta, mặc dầu có tổ chức đấu thầu, song không một gói thầu nào lọt qua các nhà thầu của Nhật Bản.

Quy trình thực hiện vai trò tổng thầu EPC đã trở thành thông lệ quốc tế, nên việc định giá sản phẩm hợp đồng EPC và thoả thuận giá cả giữa chủ đầu tư với nhà tổng thầu là dựa trên nguyên tắc "thuận mua vừa bán".

Sau khi đáp ứng các yêu cầu về công nghệ, thiết bị, thông số kỹ thuật, chế độ vận hành, bảo hành... nhà thầu (người bán) có quyền quyết định giá sản phẩm (nhà máy trọn gói) của mình. Ngược lại, chủ đầu tư (người mua) sau khi xác định các yêu cầu về kỹ thuật công nghệ, thương mại, giá cả được thì đồng ý mua. Bằng cách làm này chúng ta mới xây dựng được một cơ chế giá cả theo cơ chế thị trường.

Pháp lệnh hợp đồng
Trong nội dung hợp đồng EPC đã được quy định chi tiết và nghiêm ngặt, đây là cơ sở pháp lý nhất để kiểm tra, xem xét trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện cũng như khi kết thúc hợp đồng.

Nói các khác, hợp đồng EPC là một hợp đồng kinh tế cho nên nó phải được chi phối bằng Pháp lệnh Hợp đồng. Mọi công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát phải dựa vào cơ sở Pháp lệnh Hợp đồng để thực hiện. Chúng ta không nên hình sự hoá công việc này, trừ phi có phát hiện những hiện tượng tham ô, tham nhũng, hối lộ... Có như thế, hệ thống pháp luật của nước ta mới tiến đến hội nhập với thế giới.

Trong thực tế, chúng ta cũng đã thực hiện một số chủ trương đầu tư, sản xuất với cách tư duy như trên. Việc đầu tư xây dựng NM lọc dầu Dung Quất tại Quảng Ngãi cũng nhằm thực hiện mục tiêu này. Nếu chỉ xét về hiệu quả kinh tế đơn thuần (mà không tính đến sự cân bằng phát triển kinh tế các vùng miền) thì chúng ta đã không đặt ở Quảng Ngãi.

Tóm lại, để thực hiện thành công cũng như nhân rộng và phát triển cơ chế tổng thầu EPC nhằm tạo động lực, điều kiện để phát triển ngành công nghiệp nặng (cơ khí chế tạo) là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Chính phủ ta. Song đây cũng là một việc làm đầy khó khăn và thử thách, đòi hỏi chúng ta phải có một quan điểm nhất quán và một phương pháp tư duy hoàn toàn mới về phát triển kinh tế đất nước.