Căn bệnh... bất khả kháng!
Các Website khác - 03/02/2006
Nghẽn mạng điện thoại trong dịp Tết:
Căn bệnh... bất khả kháng!

Nghẽn mạng; sóng điện thoại chập chờn; khó gửi tin nhắn hoặc phải nhận tin nhắn trùng... Căn bệnh cũ ấy vẫn tái phát trong dịp Tết Nguyên đán 2006.

Liên lạc điện thoại di động trong
dịp Tết vẫn khó khăn.

Nghẽn cục bộ... thông cảm!

Theo ông Phạm Quang Hảo - Phó Giám đốc VinaPhone: Riêng trong dịp Tết, VinaPhone đã tăng trên 30% lưu lượng cuộc gọi, lượng tin nhắn tăng khoảng 200%; và cũng chỉ tính 10 ngày dịp Tết đã có tới 100.000 thuê bao mới.

MobiFone cũng khẳng định lưu lượng cuộc gọi cũng tăng khoảng 40%, lượng tin nhắn cũng đạt tỉ lệ tương tự... Với sự bùng phát này, tất cả các mạng dịch vụ đều đã ít nhiều bị nghẽn mạng cục bộ trong dịp Tết.

Theo phản ánh của đông đảo người tiêu dùng (NTD) thì hiện tượng thường gặp là: Mạng bận (không thể kết nối); sóng chập chờn (kết nối, nhưng lại gián đoạn cuộc gọi); không gửi được hoặc phải gửi nhiều lần tin nhắn mới "trôi"; thậm chí có hiện tượng nhiều lần nhận tin nhắn có cùng nội dung, cùng thuê bao...

Và hiện tượng này đã xảy ra gần như đồng loạt ở các tỉnh, thành phố vào giờ cao điểm trước, trong và sau giao thừa hơn 1 giờ đồng hồ. Đặc biệt trong dịp Tết năm nay, hiện tượng nghẽn ở điện thoại cố định cũng đã xảy ra khi NTD đôi lúc không thể thực hiện cuộc gọi. Tuy nhiên, hiện tượng này ít và không rõ ràng như ở mạng di động.

Theo phản ánh của NTD cũng như trên các diễn đàn thì mạng MobiFone và Viettel bị nghẽn nhiều nhất. Theo bạn Quốc Hà (1003A5 làng quốc tế Thăng Long - Hà Nội) thì vào tầm 22h đến 24h, mạng Viettel ở khu vực này mất sóng hoàn toàn.

Còn theo anh Chí Tuấn (huyện Tam Nông - Phú Thọ) thì sóng MobiFone khu vực này rất tồi, đôi lúc máy không hiển thị sóng dịch vụ. Điều này cũng trùng với đánh giá sơ bộ của VNPT khi có tới 15% trạm thu phát của MobiFone nghẽn vào giờ cao điểm.

Nghẽn mạng do... người tiêu dùng?

Trở lại với trách nhiệm của các nhà CCDV, họ đã rất "khéo léo" khi thừa nhận rằng "sẽ vẫn nghẽn mạng cục bộ trong dịp Tết". "Khéo léo" hơn thế là tất cả cũng khẳng định "nghẽn mạng là hiện tượng bất khả kháng khi lượng cuộc gọi tăng đột biến".

Lý giải một cách khoa học hơn là: Các tổng đài chỉ được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của "ngày thường"; nếu để đáp ứng yêu cầu của "ngày Tết" thì các nhà CCDV phải đầu tư gấp 3 lần hiện tại, điều đó là không khả thi (?). Vì thế, với việc tăng gấp 4 - 5 lần lượng cuộc gọi và tin nhắn trong dịp Tết là điều... đương nhiên.

Với việc thừa nhận và lý giải này, phải chăng nhà CCDV coi việc nghẽn mạng là do NTD, vì chính họ mới là nguyên nhân của việc "tăng đột biến" (?). Điều đó thật khó chấp nhận.

Tại khu vực TPHCM, việc gọi vào thuê bao Viettel xảy ra tình trạng nghẽn mạch nặng hơn cả. Tuy nhiên so với các năm trước, tình trạng nghẽn mạch tại TPHCM có giảm đi, trong khi tại một số tỉnh như Tây Ninh, Vĩnh Long, Tiền Giang... có nhiều khu vực bị nghẽn mạch nặng, có khi suốt cả buổi không thể gửi tin nhắn. Từ mồng 2 Tết trở đi, các mạng di động trở lại khá thông suốt. Nguyên nhân được cho là nhờ các mạng VinaPhone, MobiFone trước Tết có tăng cường tổng đài nhắn tin và các trạm phát sóng, qua tuyên truyền trên báo chí người dân cũng ý thức hơn nên tránh tập trung gửi tin nhắn và không gọi điện mạng di động vào thời điểm giao thừa. T.H.T


Phạm Anh