Càng đua càng… rủi ro
Các Website khác - 07/07/2008

Lãi suất tăng nhưng ngày càng khó huy động vốn, khách gửi cũng ngại ngần; cùng vào cuộc đua lãi suất nhưng hầu hết các ngân hàng đều không muốn, ngân hàng nhỏ luôn lao lên trước;  doanh nghiệp thì ngán ngẩm bởi lãi vay tăng

Các ngân hàng bắt đầu “ngán” cuộc đua lãi suất. Ảnh: Hồng Vĩnh

Những nghịch lý trên đang chứng minh cuộc đua lãi suất huy động (LSHĐ) vốn của ngân hàng thời gian qua đang lộ rõ những dấu hiệu bất ổn. Đó cũng là lý do chính cuối tuần qua buộc NHNN phải giơ “thẻ vàng” cho những ngân hàng có lãi suất quá cao…

Cho đến cuối tuần qua, sau khi NHNN cảnh báo, nhiều ngân hàng trên địa bàn TPHCM đã hạ lãi suất huy động xuống dưới 19%/năm. Trong số đó có không ít ngân hàng đã từng nằm trong nhóm dẫn đầu cuộc đua lãi suất như Kiên Long, Gia Định, Phương Đông…

Tổng GĐ một ngân hàng lớn khẳng định: Với LSHĐ trên 19% thì cho vay với lãi suất 21% chắc chắn sẽ lỗ do giá vốn sau dự trữ bắt buộc đã là 22%/năm.

Trong khi đó ngân hàng không còn cách “lách” nào khác, nhất là sau vụ một GĐ quan hệ khách hàng của VIB Bank Sài Gòn bị mất chức vì nơi này “bắt” khách hàng ký quỹ khi vay.

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho rằng mức chênh lệch hợp lý giữa LSHĐ và cho vay là 4,2% một năm thì NH mới đảm bảo kinh doanh có lời và phát triển bền vững.

Như vậy với quy định không được cho vay quá 21%/năm thì LSHĐ khó có thể quá 17% mỗi năm. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến NHNN vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng có mức huy động vốn bình quân từ 17,5%/năm trở lên báo cáo phương án kinh doanh phù hợp.

Tuy nhiên, hầu như chẳng còn ngân hàng nào duy trì mức lãi suất thấp này vì nói như GĐ khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng thì “khách sẽ rút tiền chạy sang các ngân hàng khác hết”. Thay vào đó là mức lãi suất phổ biến từ 18-19%/năm mà đỉnh điểm là ngân hàng Kiên Long đã từng nâng lên đến 20%/năm vào ngày 30/6/2008.

Trớ trêu thay, lãi suất tăng cao như vậy nhưng Tổng GĐ Ngân hàng ACB Lý Xuân Hải nhận định:

“Nếu tiếp tục đua tăng lãi suất tôi e rằng huy động vẫn không tăng trong khi cá nhân, tổ chức vay vốn năng lực tài chính dù tốt đến đâu cũng sẽ rất khó khăn khi trả nợ. Đó là rủi ro hệ thống cho cả ngành ngân hàng”.

Theo ông Hải thì ngân hàng tăng lãi suất lên cao mà số tiền huy động VNĐ lại có xu hướng giảm.

Tình trạng “tiền chạy” do khách hàng liên tục rút tiền chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác để hưởng lãi suất cao hơn trong thời gian qua cũng gây “rối” cho nhiều ngân hàng vì ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, huy động và sử dụng vốn.

Tổng GĐ một ngân hàng còn cho biết có hiện tượng khách lo ngại và đặt dấu hỏi về tính thanh khoản khi thấy có ngân hàng tăng lãi suất quá cao.

Tổng GĐ ngân hàng Đông Á (DongA Bank) Trần Phương Bình cũng thừa nhận nhiều ngân hàng không hào hứng gì và mong muốn cuộc đua lãi suất càng nhanh chấm dứt càng tốt, thậm chí lãi suất nên giảm để đầu ra dễ thở hơn cho các DN cần vốn.

Lớn chạy theo nhỏ!?

Nghịch lý khá lớn trong cuộc đua LSHĐ là các ngân hàng có quy mô nhỏ luôn chạy trước và “kéo” các ngân hàng lớn theo sau! Việc Sea Bank đi đầu khi đột nhiên nâng lãi suất lên 19,2%/năm trước đây và Kiên Long Bank tăng đến 20%/năm vừa qua là dẫn chứng rõ nhất.

Thời gian qua, hàng loạt các ngân hàng có mức lãi suất cao nhất lại là các ngân hàng nhỏ như Gia Định, Nam Việt, Đại Dưong, Mỹ Xuyên… Sau đó nhiều ngân hàng lớn khác như Sacombank, ACB, Techcombank, Eximbank… đã tăng theo dù họ nhận ra LSHĐ chỉ nên vào khoảng 17-18%/năm trong bối cảnh lạm phát đang có dấu hiệu giảm.

Đáng chú ý hơn có ngân hàng từng tuyên bố họ không thiếu vốn mà còn có thể cho các ngân hàng khác vay nhưng thực tế lại đẩy lãi suất cao nhất lên 18,90%/năm!? Một chuyên gia ngân hàng đặt câu hỏi: “Lẽ ra các ngân hàng lớn không nên đua cùng các ngân hàng nhỏ vì càng đua các ngân hàng nhỏ càng buộc phải đẩy LSHĐ cao hơn do sợ mất khách”.

Mục đích tăng LSHĐ để hút vốn, giúp DN dễ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng hơn đã không được như mong mỏi của cả giới ngân hàng lẫn DN. Lý do chính vẫn là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 30% và các DN cần vốn ngày càng e ngại với lãi suất cho vay quá cao. Cục Thống kê TPHCM đánh giá dư nợ cho vay của các ngân hàng tại TPHCM đang tăng chậm lại.

Mới đây Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, ông Ayumi Konishi khuyến nghị Việt Nam cần tăng lãi suất cao hơn nữa, tuy nhiên thực tế cho thấy ngay cả ngân hàng- những người trong cuộc cũng nhận ra bất ổn của lãi suất cao, không chỉ đối với họ mà còn với cả khách hàng, DN…                           

Hà Phan