Cho dù giá dầu vẫn đứng ở mức cao ngất ngưởng trên 140 USD/thùng, các chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh khác vẫn là nỗi ám ảnh đối với nhiều doanh nghiệp nhưng dường như tất cả không thể ngăn cản được đà tăng giá của các cổ phiếu.
Chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong phiên đầu tháng 7/2008 và đã vượt ngưỡng 400 điểm. (Ảnh: LAD)
Tâm lý lạc quan bao trùm nhờ một loạt báo cáo tích cực
Liên tục tăng giá trong 6 phiên cuối tháng 6/2008, chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong phiên đầu tháng 7/2008 và đã vượt ngưỡng 400 điểm.
Sức cầu cổ phiếu vẫn rất mạnh trong khi đó sức cung lại giảm đột ngột. Tâm lý lạc quan vẫn áp đảo trên thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam.
Sự lạc quan tin tưởng vào sự hồi phục vững chắc của thị trường dường như lại được thổi bùng lên trong phiên giao dịch sáng 1/7 khi mà các nhà đầu tư lại nhận thêm một báo cáo đầy lạc quan của một tổ chức đầu tư nữa. TIN LIÊN QUAN
Cụ thể, VinchiCapital, một công ty quản lý quỹ có trụ sở tại TP.HCM nhận định, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn đang đối mặt với nhiều bất ổn nhưng đây lại là cơ hội hiếm hoi thứ 2 trong vòng 10 năm để mua cổ phiếu.
Theo tổ chức này, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm quá nhiều, từ hơn 900 điểm vào hồi đầu năm 2008 xuống dưới 400 điểm như vừa qua và là thị trường giảm nặng nề nhất châu Á. Trong khi đó, theo VinchiCapital, các yếu tố kinh tế vĩ mô quan trọng của Việt Nam vẫn được duy trì ở mức rất tốt giống như năm 2007, như: xuất khẩu, FDI, kiều hối, giá trị công nghiệp, nông nghiệp, tiêu dùng và du lịch… đều ở mức cao.
Cũng đánh giá rất tích cực về kinh tế Việt Nam, trao đổi với VietNamNet bên lề Cuộc họp toàn cầu về Diễn đàn các Thị trường mới nổi năm 2008 đang diễn ra tại Hà Nội, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kurodo nhận định, sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế cũng như lạm phát cao của Việt Nam chịu sự tác động từ sự sụt giảm kinh tế toàn cầu, nhất là nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn của Việt Nam khá sáng sủa.
Một công ty quản lý quỹ có tiếng khác là PXP Vietnam Asset Management thì cho rằng, các điều kiện kinh tế của Việt Nam ít nghiêm trọng hơn những gì mà giới quan sát thị trường nhận định trong vài tháng trước đây.
Theo PXP, áp lực lạm phát có thể suy giảm từ tháng 8, trong khi đó, thâm hụt thương mại cũng sẽ giảm từ tháng 7 sau khi những chính sách tiền tệ thắt chặt có hiệu lực.
Trước đó, một loạt thông tin tích cực đã đến với thị trường. Đó là các bản báo cáo đầy lạc quan về triển vọng lâu dài của kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng của các định chế tài chính lớn trên thế giới như WB, HSBC, Swiss Credit…
Các chỉ số kinh tế vĩ mô trong 6 tháng đầu năm vừa được Chính phủ công bố cũng rất khả quan. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), xuất khẩu đứng ở mức cao kỷ lục; nhập khẩu suy giảm; lạm phát giảm; dự trữ ngoại hối ở mức cao với hơn 20 tỷ USD…
Tất cả các yếu tố trên, cùng với sự suy giảm kéo dài của thị trường chứng khoán trong hơn 1 năm qua đã là một lực đẩy khá mạnh kéo giá chứng khoán trên cả 2 sàn Hà Nội và TP.HCM hồi phục mạnh mẽ.
Cầu cổ phiếu tăng khá mạnh không chỉ từ phía các nhà đầu tư nước ngoài (với mục đích đầu tư dài hạn) mà còn xuất phát từ các nhà đầu tư trong nước trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư khác như vàng trở nên rủi ro hơn trong 1-2 tuần vừa qua.
VN-Index tăng phiên thứ 7 liên tiếp lên 409,61 điểm
Mở cửa phiên giao dịch sáng 1/7, chỉ số VN-Index đã dễ dàng vượt ngưỡng 400 điểm. Cụ thể kết thúc giao dịch đợt 1, VN-Index đã tăng thêm 7,06 điểm (tương đương tăng 1,76%) lên mức 406,46 điểm.
Do lượng đặt bán suy giảm, khối lượng giao dịch trong đợt 1 vẫn chưa có nhiều biến động lớn khi vẫn chỉ có gần 2,3 triệu cổ phiếu được giao dịch, trị giá 55,683 tỷ đồng.
Trong đợt 1 hôm nay, trên tổng số 157 mã chứng khoán niêm yết (thêm cổ phiếu KMR của CTCP Mirae chính thức giao dịch hôm qua với hơn 7,2 triệu cổ phiếu) có 94 mã tăng giá, 25 mã tạm thời đứng giá, 5 mã chưa có giao dịch và còn lại là 33 mã giảm giá.
Sự chú ý vẫn được dành nhiều cho những mã cổ phiếu lớn trên sàn và gần như toàn bộ nhóm này tăng kịch trần, ngoại trừ STB của Sacombank có sự giằng co đôi chút với giao dịch sôi động còn lại các mã khác vẫn đang có lượng cầu khá tốt trong khi đó bên nắm giữ cổ phiếu vẫn chưa muốn bán ra lúc này.
Giao dịch đợt 2 vẫn đang diễn biến tốt khi chỉ số VN-Index đã có mức tăng trên 2%.
Kết thúc đợt giao dịch thứ 3 (cũng là đợt cuối cùng trong ngày) chỉ số VN-Index tăng thêm 10,21 điểm (tương đương 2,55%) lên 409,61 điểm.
Tính chung trong cả 7 phiên vừa qua, chỉ số VN-Index đã tăng tổng cộng 43,59 điểm (tương đương tăng 11,91%).
▪ Vay vốn bị thu phí: Hãy gọi đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước (30/06/2008)
▪ Giá dầu vượt 140USD/thùng, chứng khoán giảm khắp nơi trên thế giới (28/06/2008)
▪ Giá dầu vượt mốc 140 USD mỗi thùng (27/06/2008)
▪ Vn-Index "chao đảo" vì T+3 (26/06/2008)
▪ Thị trường đang duy trì đà tăng (26/06/2008)
▪ VN-Index lên 383,78 điểm (25/06/2008)
▪ Tài trợ 3 triệu USD cho đấu thầu điện tử (25/06/2008)
▪ Diễn biến trái ngược trên hai sàn (24/06/2008)
▪ Có nên tiếp tục đầu tư vàng? (24/06/2008)
▪ Trắng tay vì "lướt sóng" vàng! (23/06/2008)