![]() |
Nhà ở nông thôn khi đô thị hóa ngày càng trở nên có giá trị. |
Một trong những điểm mới của việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sở hữu công trình xây dựng (gọi chung là giấy hồng) theo Nghị định 95/CP là cấp giấy hồng cho nhà ở nông thôn. Trước nghị định này, nhà ở nông thôn chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
"Cả nước có khoảng 76% nhà ở nông thôn được cấp sổ đỏ nhưng chưa hề được cấp giấy sở hữu nào đối với nhà ở, gây trở ngại cho người dân khi có nhu cầu thế chấp, vay vốn hay chuyển nhượng", Cục trưởng Quản lý nhà Trịnh Huy Thục nói trong Hội nghị triển khai Nghị định 95/CP sáng nay tại TP HCM. Theo Luật Đất đai 2003, chậm nhất đến tháng 6/2006 cả nước phải hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mọi tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên theo ông Thục, Luật Đất đai 2003 vẫn chưa đề cập đến việc cấp giấy hồng cho nhà ở, công trình xây dựng ở nông thôn, trong khi nhu cầu có giấy hồng của người dân đang ngày càng tăng cao do quy luật thị trường.
Ông Đỗ Phi Hùng, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho biết, khoảng 30-40% nhà ở nông thôn tại thành phố đang có nhu cầu được cấp giấy hồng, trong khi đến 92% nhà nông thôn đã được cấp sổ đỏ. "Do đặc thù của vùng nông thôn trước đây nhà ở đơn giản, giá trị thấp, tập quán ở ổn định lâu dài nên người dân không nghĩ đến việc có giấy hồng. Tuy nhiên, tình hình hiện nay khác khi tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, việc chuyển nhượng, thừa kế... đã làm tăng giá trị nhà nông thôn", ông Đỗ Phi Hùng nhận xét.
Nghị định 95/CP quy định cấp giấy hồng cho các tổ chức, cá nhân có nhà ở, công trình xây dựng được tạo lập hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Giấy hồng sẽ không thực hiện cấp đổi đại trà như trước theo Nghị định 60/CP, mà cấp theo nhu cầu người dân. "Nghị định 60/CP quy định tổ chức, cá nhân có nhà ở phải đi đăng ký để được cấp giấy hồng, thì theo Nghị định 95/CP, tổ chức, cá nhân có nhu cầu chỉ cần nộp đơn đề nghị chính quyền địa phương cấp giấy hồng", ông Thục giải thích. Giấy hồng được cấp theo Nghị định 60/CP vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, trừ khi chủ sở hữu có nhu cầu đổi mẫu giấy hồng mới.
Sau Nghị định 181/CP ban hành tháng 10 năm 2004 hướng dẫn thực hiện Luật đất đai 2003, từ 6/11/2004, cả nước đã ngưng cấp giấy hồng, chuyển sang cấp giấy đỏ và ghi nhận tài sản trên đất trong sổ đỏ trong khi chờ Luật đăng ký bất động sản ra đời. Tuy nhiên, việc ghi nhận tài sản trên đất vào sổ đỏ đã phát sinh nhiều phản ứng của người dân khi không có giá trị pháp lý để chủ sở hữu chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố... tài sản trên đất.
Đối với việc cấp giấy hồng cho nhà ở, công trình xây dựng theo Nghị định 95/CP, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Đua cho rằng: "Quyền sở hữu tài sản trên đất của người dân được công nhận giúp cho các giao dịch dân sự thuận lợi hơn, cũng như tạo cơ sở pháp lý để giải quyết khi có tranh chấp và tác động vào thị trường bất động sản theo hướng phát triển lành mạnh".
Trả lời câu hỏi của báo giới về việc ghi nhận tài sản trên đất vào sổ đỏ có thừa khi đã cấp giấy hồng cho nhà, công trình theo Nghị định 95/CP, ông Đua nhấn mạnh: "Giấy hồng là công nhận quyền sở hữu hợp pháp của người tạo lập tài sản đối với nhà cửa của mình, trong khi giấy đỏ chỉ ghi nhận chứ không có giá trị công nhận".
Quy trình cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sở hữu công trình xây dựng (gọi chung là giấy hồng) theo Nghị định 95/CP, đã được Bộ xây dựng triển khai tại Đồng Nai (hôm qua) và TP HCM. Tuy nhiên việc áp dụng thực hiện còn tùy thuộc vào "phản ứng" nhanh hay chậm của từng địa phương.
Theo Sở Xây dựng TP HCM, đã có khoảng 380.000 giấy hồng đã được cấp từ trước tới nay và ước tính chừng 400.000 giấy hồng phải cấp theo quy trình cấp đổi Nghị định 95/CP, trong đó có 140.000 giấy hồng cho nhà ở nông thôn trên địa bàn thành phố. Với số lượng giấy hồng phải cấp này, việc quá tải ở cơ quan cấp đổi giấy hồng (UBND các cấp) là điều khó lòng tránh khỏi. "Trước khi đưa vào thực hiện, các cơ quan chức năng cần phải chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng", ông Đỗ Phi Hùng cho biết.
Thứ 5 tuần này, Sở Xây dựng sẽ làm việc với các Sở ngành liên quan và đại diện UBND các quận huyện, phường xã nhằm triển khai mẫu giấy hồng theo quy định Nghị định 95/CP để tiến hành thử nghiệm. "Khoảng đầu tháng 9, UBND thành phố sẽ có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Nghị định 95/CP để áp dụng đồng loạt việc cấp giấy hồng ngay trong tháng", ông Đỗ Phi Hùng khẳng định.
Phan Anh
▪ Xuất khẩu chè giảm mạnh (11/08/2005)
▪ Việt Nam kết thúc đàm phán WTO với Iceland (12/08/2005)
▪ Thành lập thêm 13 KCN trên cả nước (12/08/2005)
▪ Các nhà máy của Vinashin quá tải (12/08/2005)
▪ Xây dựng khu thương mại VN tại Quảng Tây (12/08/2005)
▪ Triển lãm quốc tế về chăn nuôi và chế biến sữa 2006 (12/08/2005)
▪ Tôm rớt giá, không chỉ người nuôi điêu đứng... (12/08/2005)
▪ Được xuất khẩu 23 loại khoáng sản (16/08/2005)
▪ Temasek - ẩn số của Pacific Airlines (16/08/2005)
▪ Cuộc gặp thú vị giữa các kỷ lục gia (16/08/2005)