Chạy đua “làm giàu” với thực phẩm chức năng
Saigon Times - 06/06/2016
Trước nhu cầu lớn từ thị trường, hiện hầu hết doanh nghiệp sản xuất dược phẩm đều hướng đến sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN). Nhưng với hiện tượng “trăm hoa đua nở”, có ý kiến cho rằng thị trường TPCN đang có hiện tượng chụp giật, có thể dần đánh mất lòng tin của người tiêu dùng.

Chạy đua sản xuất

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG), doanh thu TPCN năm 2015 của công ty này vào khoảng 228 tỉ đồng, chiếm 6,3% tổng doanh thu toàn công ty. Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2014 của DHG cũng cho thấy trong số 18 công ty con có tới 15 công ty kinh doanh TPCN. Nằm trong “top 3” công ty dược lớn nhất nước, đặc biệt với thế mạnh là các sản phẩm đông dược, bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc của DHG từng công bố sẽ nâng tỷ lệ doanh thu TPCN của công ty này từ 8% lên 15% trong những năm tới.

Ông Đoàn Đình Duy Khương, Phó tổng giám đốc DHG, cho biết việc đẩy mạnh sản xuất TPCN hoàn toàn thuận lợi đối với nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu Việt Nam này. Ông cho biết: “Chúng tôi thuận lợi từ quy trình sản xuất, công nghệ sản xuất cho đến nghiên cứu bào chế...”. Những sản phẩm TPCN của DHG đang chiếm lĩnh thị trường hiện nay như Naturenz, Spivital, NattoEnzym... Theo ông Khương, trong thời gian tới, DHG sẽ tăng cường sản xuất các sản phẩm TPCN từ các loại thảo dược thiên nhiên truyền thống nổi tiếng của Việt Nam.

Hiếm có nhà sản xuất TPCN nào khuyến cáo nên dùng sản phẩm bao lâu thì dừng lại và có cần đi khám bệnh với thầy thuốc hay không để biết kết quả sử dụng. Có vẻ như nhà sản xuất muốn người ta dùng mãi mãi, như dùng thực phẩm hàng ngày, để giúp họ ổn định doanh số bán hàng.

Công ty Dược phẩm Traphaco cũng cho biết sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển các sản phẩm bổ não, bổ gan mà doanh nghiệp đã rất thành công khi tung ra thị trường (chỉ hai sản phẩm đã đóng góp doanh thu gần 200 tỉ đồng/năm). Bên cạnh đó, các nhóm dược phẩm có nguồn gốc thiên nhiên mang dáng dấp của TPCN như Hoạt huyết dưỡng não, Boganic... cũng mang về doanh thu hàng năm gần 700 tỉ đồng cho công ty này.

Tại đại hội đồng cổ đông năm 2015, Traphaco thông báo kế hoạch tăng mức đầu tư cho nhà máy tại Hưng Yên lên 420 tỉ đồng, thay vì 300 tỉ đồng như kế hoạch ban đầu. Thế mạnh của Traphaco là ngoài hai nhà máy GMP-WHO tại Hưng Yên và Hà Nội còn có cơ sở nuôi trồng dược liệu ở Nam Định, Sapa... Cơ cấu sản phẩm của công ty chỉ 20% là tân dược, 80% là đông dược.

Ngoài ra, rất nhiều công ty dược khác của Việt Nam như Nam Dược, Đông Tây, Sao Thái Dương, Domesco Đồng Tháp, IMC, ADC Pharma, Dược phẩm Cửu Long, Dược Bến Tre, Dược phẩm Thành Đạt, Y tế Bình Nghĩa... cũng đang đầu tư nhà xưởng, vùng trồng nguyên liệu và nghiên cứu sản phẩm để cho ra đời nhiều sản phẩm mới đáp ứng thị trường.

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco, cho rằng sự xuất hiện của các sản phẩm đông dược trên truyền hình mỗi tối cho thấy thị trường đang cạnh tranh gay gắt. TPCN do dễ sản xuất, dễ sao chép, dễ bán nên thị trường này như một miếng bánh ngon, một miếng đất dễ cày xới thu hút nhiều người chơi mới.

Hỗn loạn chất lượng

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, tính đến năm 2015, Việt Nam có hơn 3.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh TPCN, bao gồm cả thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Sản phẩm sản xuất trong nước chiếm khoảng 65% phần còn lại là nhập khẩu.

Có ý kiến cho rằng thị trường TPCN đang cạnh tranh khốc liệt và hỗn loạn, chất lượng khó kiểm soát. Trong năm 2015, Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định xử phạt 261 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt hơn 4,7 tỉ đồng. Bốn tháng đầu năm 2016, cục đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 15 cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm với số tiền phạt hơn 300 triệu đồng.

Theo một cán bộ của Cục An toàn thực phẩm, mặc dù không phải là thuốc, nhưng hiện rất nhiều loại TPCN trên thị trường đều ghi rõ thành phần giống như những bài thuốc cổ truyền (như Hạ Áp, Cường Dược, Dạ Minh Châu, Loãng xương AbFuco,..). Các thành phần trong sản phẩm là các loại cây, cỏ, cao động vật... và có thể nói, chúng giống như thành phần của các thang thuốc Đông y được kê bởi các lang y hay tại các phòng khám y học cổ truyền.

Theo đó, khi dùng các TPCN dạng này một cách thường xuyên, người dùng đã đưa một lượng thuốc, thảo dược đều đặn vào cơ thể mà không biết rõ mức độ phù hợp và không kiểm chứng được tác dụng phụ. Việc dùng TPCN dạng này khác với việc uống thuốc qua khám chữa bệnh theo phương pháp Đông y. Khi được khám chữa bệnh, bệnh nhân được thầy thuốc khám và kê thang thuốc phù hợp với thể trạng, được điều chỉnh thuốc khi không phù hợp hoặc được chấm dứt dùng thuốc khi cơ thể đã phục hồi cân bằng. Thầy thuốc sẽ chịu trách nhiệm khi bệnh nhân có rủi ro nếu dùng thuốc do họ kê đơn. Trong khi đó, rất hiếm có nhà sản xuất TPCN nào khuyến cáo nên dùng sản phẩm bao lâu thì dừng lại và có cần đi khám bệnh với thầy thuốc hay không để biết kết quả sử dụng. Có vẻ như nhà sản xuất muốn người ta dùng mãi mãi, như dùng thực phẩm hàng ngày, để giúp họ ổn định doanh số bán hàng.

Thực phẩm chức năng do dễ sản xuất, dễ sao chép, dễ bán nên thị trường này như một miếng bánh ngon, một miếng đất dễ cày xới thu hút nhiều người chơi mới.

Chỉ 1% hiểu rõ về TPCN

Có ý kiến cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh TPCN đang giẫm đạp lên nhau, cơ quan chức năng cũng chỉ quản lý đằng ngọn, và người dân thì thiếu hiểu biết trong tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Liêm, nguyên Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển công nghệ của Dược Sài Gòn (Sapharco), hiện là cố vấn cho Công ty cổ phần Jadovie, cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh TPCN hiện nay theo phong trào với hàng trăm sản phẩm trùng lắp như sản xuất thuốc paracetamol vậy. Các công ty đua nhau tung ra những sản phẩm làm đẹp da, làm eo thon, các sản phẩm collagen... dù chỉ nêu một vài chất cho “kêu”. Ông cho rằng “cả thị trường TPCN chỉ có khoảng 1% nhà sản xuất có sự hiểu biết đầy đủ về TPCN”.

Thực chất là nhiều nhà sản xuất chưa hiểu hết một sản phẩm tốt cho da cần những điều kiện gì. Hiếm có người chủ doanh nghiệp tìm đến các nhà khoa học thực sự để đặt câu hỏi, chẳng hạn thuốc giảm béo thì sử dụng như thế nào, tác hại ra sao, chỉ định những ai được dùng... Họ cứ sản xuất, quảng cáo quá lố “đánh” vào tâm lý dùng sản phẩm thiên nhiên là tốt và bán vô tội vạ. Nhiều người tiêu dùng không đủ điều kiện để phân biệt nhà sản xuất nào tử tế, sản phẩm nào chất lượng, họ bị dẫn dụ và cứ dùng. Nhờ vậy, vô số doanh nghiệp đổ xô kiếm lời, còn có những doanh nghiệp làm ăn tử tế thì phải sống lay lắt chờ cho đến lúc người tiêu dùng nhận ra là họ tử tế thì mới hy vọng mở ra con đường sống.

Ở góc độ quản lý nhà nước, cơ quan quản lý cho biết TPCN khó kiểm tra hơn thuốc. Ví dụ một sản phẩm của doanh nghiệp kê khai có hoạt chất A trong một loài cây ở Nam Mỹ, cơ quan quản lý phải đi tìm mua chất chuẩn của cây đó về kiểm nghiệm nhưng kiếm hoài không ra. Máy móc thì thiếu thốn nên để kiểm nghiệm một chất trong sản phẩm phải mất vài tháng, trong khi doanh nghiệp thì luôn kêu ca phải chờ đợi. Do vậy, quản lý nhà nước luôn chạy theo đuôi doanh nghiệp.

Có ý kiến cho rằng, trong thời buổi nguyên liệu sản xuất dược phần lớn mua từ Trung Quốc, chất lượng thả nổi, Nhà nước phải kiểm soát được sản phẩm đó có gây độc hại gì cho người dùng hay không.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Vũ Thị Thuận tin rằng khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại, thị trường đông dược và TPCN sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn. Các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... sẽ đổ tiền vào Việt Nam đầu tư. Khi đó, ai xác định phát triển bền vững, tôn trọng chất lượng, đạo đức kinh doanh, có giá cả hợp lý thì sẽ được người tiêu dùng tín nhiệm. 

 

Làm sao quản thị trường TPCN?

Ông Nguyễn Văn Liêm, cố vấn của Công ty Dược Jadovie, cho rằng trước thực trạng bát nháo về chất lượng thực phẩm chức năng (TPCN) như hiện nay, để giúp người dân tránh những hậu quả từ sản phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và túi tiền, Nhà nước mà ở đây là Bộ Y tế cần lập ra một trang thông tin điện tử đăng công khai thực phẩm nào kém chất lượng, thực phẩm nào tốt. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng cần lập ra ban tư vấn về TPCN với những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, hoặc bác sĩ đang điều trị trực tiếp cho bệnh nhân tại các bệnh viện, cung cấp thông tin cho cộng đồng biết những ca tai biến từ thực phẩm chức năng...

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng cần thẩm định lại đạo đức, trình độ của các chuyên gia đang đứng ra làm phát ngôn quảng cáo cho các sản phẩm, bởi nhiều sản phẩm sản xuất chưa đúng khoa học, tiêu chuẩn hàm lượng... nhưng vẫn quảng cáo sản phẩm đạt chuẩn, chữa khỏi bệnh như thần dược; trong khi người tiêu dùng lại tin vào lời giới thiệu của chuyên gia để chọn mua sản phẩm.

Hiện nay những doanh nghiệp dược làm ăn tử tế đang chờ cho thị trường TPCN bão hòa, chờ đến lúc người tiêu dùng sẽ nhận ra sản phẩm của hãng nào là tốt hay xấu, ai làm ăn đàng hoàng, nhưng liệu phải chờ đến bao lâu?
Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco, cho rằng việc phát triển y học cổ truyền thông qua dòng sản phẩm TPCN sẽ giúp người dân phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cần cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững, không kinh doanh bán hàng theo kiểu “tam sao thất bản”; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ, trang thiết bị sản xuất TPCN theo tiêu chuẩn GMP Đông dược (thực hành sản xuất tốt). Nhà nước cũng cần đưa ra tiêu chuẩn kiểm nghiệm nguyên liệu đầu vào, Nhà nước đã từng có những dự án ưu tiên phát triển cây dược liệu để không bị phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu, đảm bảo chất lượng. Chiến lược đã đưa ra nhưng ai là người thực thi, đến nay vẫn chưa có câu trả lời.