Chế biến nông sản hậu WTO: Cuộc đối đầu hạng sang
Các Website khác - 19/06/2006
Khi Việt Nam "chơi chung sân" WTO

Bài 5: Chế biến nông sản gia nhập WTO:
Cuộc đối đầu hạng sang
Cẩm Văn

Chế biến nông sản cao cấp trong nước rất khó theo kịp tốc độ hội nhập và sẽ sớm đánh mất thị trường cao cấp một thời gian dài khi thực hiện cắt giảm thuế. Cuộc cạnh tranh gay gắt sẽ không dừng lại ở một vài sản phẩm cụ thể...

Chế biến tiêu xuất khẩu.
Đương đầu
Chuyên gia WTO của Viện Chính sách nông nghiệp (Bộ NNPTNT) - ông Phạm Quang Diệu phân tích, khi một loạt sản phẩm nông nghiệp như thịt bò, thịt lợn hay bơ sữa được cắt giảm thuế, giá mặt hàng nông sản Mỹ vào VN sẽ thấp hơn trước đây đồng nghĩa sẽ dễ dàng thâm nhập thị trường VN hơn.

Ông Diệu cảnh báo, việc giảm thuế nhập khẩu đối với một số nông sản trước mắt không tác động nhiều đến ngành chế biến trong nước song dễ nhận thấy, thị trường nông sản cao cấp nhiều khả năng bị chiếm lĩnh bởi sản phẩm nhập ngoại.

Bà Lê Kim Dung - chuyên gia WTO của Tổ chức Oxfam tại VN - lại cho rằng, các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của VN như chè, hạt điều hay càphê sẽ đối mặt với thách thức khi giá trị gia tăng còn rất thấp và phụ thuộc nhiều vào yếu tố nhân công lao động rẻ. Về lâu dài, các yếu tố này không bền vững và VN có nguy cơ phải đương đầu với các vụ kiện bán phá giá. Hơn nữa, các sản phẩm như ngô, mía sẽ phải đương đầu với mức trợ cấp lớn của các nước như EU, Mỹ và VN sẽ đối đầu với cuộc cạnh tranh không cân bằng khi trình độ sản xuất các mặt hàng này còn thấp.

Với ngành chăn nuôi, bà Dung khẳng định, do không được tiếp cận với cơ chế tự vệ đặc biệt chống lại những đột biến về nhập khẩu, các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu sẽ có tác động đến giá của các mặt hàng trong nước. Còn theo ông Diệu: "Nhóm hàng thô không bị ảnh hưởng nhiều, song các mặt hàng chế biến được giảm thuế sẽ gây khó khăn rất lớn cho VN bởi phát triển công nghiệp chế biến mới là hướng đi quan trọng và cần nhiều thời gian, nhằm chuyển lên sản xuất tinh, giá cao và lợi nhuận hơn".

Tìm một "cách chơi"
Ông Phạm Quang Diệu cho rằng, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ có tác động rất lớn trong quá trình VN thực hiện chuyển đổi từ chế biến thô sang chế biến tinh. "Điều nguy hiểm nhất là trong khi chúng ta chưa kịp hoặc chưa đủ thời gian thực hiện sự chuyển đổi này thì thị trường cao cấp đã bị các sản phẩm của nước ngoài chiếm lĩnh" - dẫu vậy theo chuyên gia này, rất có thể sức ép cắt giảm thuế, giảm hỗ trợ của Nhà nước sẽ hình thành một nhóm các DN tư nhân đủ sức chơi và có khả năng cạnh tranh với nước ngoài.

Bộ NNPTNT đưa giải pháp, trong 5 năm tới ngành này sẽ cho tăng cường năng lực cạnh tranh, phát triển nông thôn tạo việc làm cùng với cải cách hành chính nhằm tăng cường năng lực thực thi. Trong đó, các DN nông thôn và các làng nghề cũng là một hướng trợ giúp chính. Cơ quan này cũng tập trung vào việc cải thiện môi trường đầu tư nông thôn và thúc đẩy các DN vừa và nhỏ.

Song, bà Dung cảnh báo, kinh nghiệm của Oxfam cho thấy việc tự do hoá thương mại quá nhanh, không dựa vào trình độ phát triển của một nước và không có giai đoạn quá độ chuyển đổi khi thực hiện các cam kết đã gây những tác động không tốt đối với đói nghèo ở nông thôn, làm gia tăng khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội. Tác động của hội nhập do đó sẽ không dừng lại ở một vài sản phẩm cụ thể. (còn tiếp)

Mức thuế đánh vào thịt bò, thịt lợn loại kém (nội tạng, phần thừa...) sẽ giảm ngay lập tức từ 20% xuống 15% và giảm xuống 8% trong vòng 4 năm tiếp theo... Những sản phẩm thịt lợn chất lượng cao như jambon, thịt lợn nguyên con sẽ được giảm thuế từ 30% xuống 15% trong vòng 4 năm. Với các mặt hàng hoa quả, táo lê, nho tươi sẽ giảm ngay thuế từ 40% xuống 20% và xuống 10% sau 5 năm. Các sản phẩm bông, da thuộc và chưa thuộc sẽ hưởng mức thuế suất 0% ngay lập tức... B.K.T (Nguồn USTR)

Theo dòng sự kiện: Khi Việt Nam "chơi chung sân" WTO

>> Bài 1: Ngân hàng Việt Nam hậu WTO: Chấp nhận đối mặt với thách thức

>> Bài 2: Ngành viễn thông: Thách thức là hiện thực, cơ hội là tiềm năng

>> Bài 3: Hệ thống phân phối trước hội nhập: Cơ hội ít, nguy cơ đổ vỡ nhiều

>> Bài 4: Công nghiệp thời hậu WTO: Phải tìm "lối đi" riêng

>> Bài 5: Chế biến nông sản gia nhập WTO: Cuộc đối đầu hạng sang