Chợ đầu mối lúa gạo miền Tây: "Thí điểm" lãng phí hàng chục tỉ đồng
Các Website khác - 24/04/2006

Chợ đầu mối lúa gạo miền Tây:
"Thí điểm" lãng phí hàng chục tỉ đồng

Đông Anh

Hàng chục tỉ đồng từ ngân sách đầu tư cho việc xây dựng các chợ đầu mối nông sản ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Thế nhưng trên thực tế, những chợ đầu mối nông sản ấy đến nay gần như đã... phá sản. Vì sao?

Tiền tỉ tiêu tan
Miền Tây Nam Bộ có lượng hàng nông sản cao nhất nước. Vì vậy, từ năm 2004, Chính phủ đã cho phép xây dựng thí điểm 3 chợ trung tâm đầu mối lúa gạo, tại 3 vùng trọng điểm lúa gạo là Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang.

Tổng vốn đầu tư cho 3 chợ này hơn 64 tỉ đồng (30 tỉ đồng từ ngân sách, 17,9 tỉ đồng vay Quỹ hỗ trợ phát triển, còn lại do các chủ đầu tư), gồm: Chợ trung tâm nông sản Hậu Thạnh Đông (huyện Tân Thạnh, Long An), chợ Phú Cường (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) và chợ Thanh Bình (thị trấn Thanh Bình, Đồng Tháp). Những chợ này đều nằm trong danh mục dự án phát triển thương mại ĐBSCL đến năm 2010 của Chính phủ.

Trên thực tế, chợ đầu mối Phú Cường - do Cty lương thực Tiền Giang làm chủ đầu tư, mặc dù tốn kém trên 17 tỉ đồng (ngân sách 11 tỉ đồng), khánh thành từ tháng 4.2005, nhưng tới nay, vẫn chưa thể biến thành một chợ lúa gạo thật sự.

Chợ vắng hiu hắt, chủ yếu làm chức năng nhập lúa vào (bình quân 400 tấn/ngày, ngang với một nhà máy xay xát Phước Vinh của tư nhân cạnh bên) để đảm bảo lượng hàng xuất khẩu cho... Cty mẹ (?!). Chợ chưa có nhà máy xay xát, nên việc thu mua lúa chế biến cho dân, thu hút các DN để tạo thành sàn giao dịch lúa gạo, trao đổi thông tin giữa nông dân, thương lái, chỉ... trên giấy.

Hộ dân nào muốn bán gạo cho chợ lúa gạo Phú Cường, phải chấp nhận tình cảnh... dích dắc: Thu hoạch xong, bốc lên ghe chở đến chợ... phơi. Phơi khô, lại bốc xuống ghe mang ra cho tư nhân xay, chà bóng gạo. Sau đó, lại bốc xuống ghe chở đến bán cho... Cty mẹ của chợ Phú Cường. Thảo nào người dân ngao ngán, "chẳng chợ búa, đầu mối gì hết, bán tuốt luốt cho tư thương ngay tại ruộng cho đỡ mất công".

Ông Võ Văn Hiển - GĐ chợ Phú Cường, thú nhận: "Mới là mô hình thí điểm thôi, nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm!". Tương tự, chợ lúa gạo Hậu Thạnh Đông (do Cty lương thực tỉnh Long An làm chủ đầu tư), nằm trên diện tích 3ha, vốn xây dựng tới 14 tỉ đồng. Chợ nằm giữa vùng lúa, nhưng nghiệt nỗi con đường dài hơn 20km vào chợ quá xuống cấp; dẫn đến chẳng thương lái nào cả gan vào chợ giao dịch.

Nhà nước thua tư nhân!
Trong khi đó khá nhiều chợ lúa gạo tư nhân kề bên lại thật sự tấp nập, sôi động... Thí dụ chợ Bà Đắc (huyện Cai Lậy, Tiền Giang), hoàn toàn không có đồng vốn ngân sách nào đầu tư. Mỗi chủ vựa có một đội bốc xếp rất năng động. Giữa đầu sông và đầu đường cách nhau cái kho chợ, trên bến dưới thuyền, kẻ mua người bán tấp nập suốt ngày đêm. Một cảnh mà chợ đầu mối nhà nước chỉ nằm... mơ.

Ông Nguyễn Văn Tư -chủ vựa lúa gạo, cho biết: "Đồng bằng, giao thông thuỷ bộ là mạch máu. Thuỷ thông mà bộ tắc cũng tiêu hoặc ngược lại. Chợ Bà Đắc hội tụ đủ 2 huyết mạch đó nên tụi tui bán gạo cho nội địa thôi cũng phát mệt".

Mỗi ngày chợ Bà Đắc thu hút hàng trăm thương lái kinh doanh lúa gạo. Số lượng lúa gạo bán ra mỗi ngày cỡ... 1.500 tấn, gấp 4 lần chợ Phú Cường. Cho nên không phải tự dưng ông GĐ chợ Hậu Thạnh Đông tỏ ý: "Giá như con đường vào chợ Hậu Thạnh Đông mà thông..., tui sẽ có ít nhất 50% khách hàng từ chợ Bà Đắc. Thế cũng là quá tốt!".