Lao đao trước diễn biến mới của giá dầu thế giới, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước hy vọng giá bán lẻ sớm được nâng lên. Song, các cơ quan chức năng tuyên bố chưa tính đến khả năng này mà vẫn tập trung cho nhiệm vụ số một là ngăn nạn xuất lậu nhiên liệu qua biên giới.
Kể từ cuối tháng 7 đến nay, các mức cản 60, 61, rồi 64 USD/thùng dầu lần lượt được vượt qua. Đến phiên giao dịch đêm qua tại New York, giá một thùng vàng đen chính thức chạm 65 USD/thùng.
Trao đổi với VnExpress, Trưởng phòng kinh doanh xăng dầu Petro Vietnam Gas Phạm Thị Lợi cho biết, bà vừa nhận báo giá mới nhất phiên giao dịch chiều qua trên thị trường Singapore. Theo đó, giá xăng 92 là 71,78 USD/thùng, K.O 73,9 USD/thùng, dầu diezen 70,82 USD, FO 3% là 283,52 USD/tấn. Bà Lợi nói, thời gian vừa qua, kinh doanh xăng có lãi một chút nhưng các mặt hàng khác thì lỗ nặng. Tuy được Nhà nước trợ giá nhưng ngân sách rót cho doanh nghiệp rất chậm. Hiện tại Petro Vietnam Gas còn chưa nhận tiền hỗ trợ từ tháng 5.
Phó tổng giám đốc Petrolimex Bùi Ngọc Bảo cũng không giấu nổi lo lắng, cho biết, hiện mỗi lít xăng công ty lỗ hơn 300 đồng, diezen lỗ hơn 2.000 đồng. Nếu cộng lại từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này lỗ hơn 3.200 tỷ đồng do tác động của xăng dầu tăng giá. Theo ông Bảo, giá thế giới tăng mạnh, song doanh nghiệp vẫn liên tục phải ký hợp đồng nhập khẩu, vì lượng dự phòng theo quy định là 15 ngày chỉ đủ để đảm bảo cung ứng cho thị trường trong các trường hợp tàu về chệch ngày so với kế hoạch hoặc có sự cố nào đó.
Theo ông Bảo, đối tác nước ngoài tỏ ra sẵn sàng cắt hợp đồng nếu nhà nhập khẩu không đảm bảo được khả năng tài chính. Một số doanh nghiệp Indonesia vừa qua đã không thanh toán đúng hạn cho nhà cung cấp, khiến nước này rất khó khăn khi đàm phán các hợp đồng tiếp theo. "Các đầu mối nhập khẩu của VN tuy từ trước đến nay vẫn có tiếng là đúng hạn, nhưng nếu giá dầu thế giới tiếp tục leo thang với tốc độ như hiện nay, doanh nghiệp khó đảm bảo tiền nhập xăng dầu vì vay ngân hàng cũng chỉ có mức độ nhất định", đại diện một doanh nghiệp nói thêm.
Bà Lợi cũng đồng ý với quan điểm này và cho rằng, khả năng thanh toán của các doanh nghiệp VN hiện tại chưa có gì đáng ngại, đến nay mới chỉ có một vài trường hợp chậm thanh toán ít ngày. Tuy nhiên, nếu giá dầu trên thế giới vẫn không ngừng tăng thì các doanh nghiệp chắc chắn gặp khó, bởi dù đã được chính phủ hứa bù lỗ hoặc ngay cả khi vay được ngân hàng, phía đối tác cũng đánh giá khả năng tài chính của doanh nghiệp không cao và có thể ép giá. Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho các đầu mối nhập khẩu xăng, tuy nhiên, họ phải có sẵn lượng tiền Việt đầy đủ thì ngân hàng mới chấp nhận.
Trong các cuộc họp với liên bộ Thương mại, Tài chính và Văn phòng Chính phủ, các doanh nghiệp được hứa hẹn nếu giá dầu tăng cao liên tục trong vòng 1 tháng thì các cơ quan chức năng sẽ xem xét tăng giá bán định hướng. Tuy nhiên, cả ông Bảo và bà Lợi đều hiểu rằng khả năng tăng giá đợt này chưa được đặt ra vì còn liên quan đến nhiều mục tiêu của nhà nước.
"Các doanh nghiệp đã quen với việc kêu lỗ", Cục phó Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa trao đổi với VnExpress về khả năng tăng giá xăng dầu trong nước. Ông Thoả khẳng định, trong thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính chưa đặt ra vấn đề tăng giá bởi giá dầu thế giới mới lên 63-65 USD trong 2-3 ngày nay và cũng chưa có công ty nào nhập về với mức giá ấy. "Sau khi giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh vào đầu tháng 7, giá dầu thế giới có lúc xuống chỉ còn 54-55 USD/thùng, các doanh nghiệp lãi gần 100 đồng/lít xăng thì không thấy ai kêu gì. Còn nếu giá dầu lỗ thì đã có Nhà nước bù rồi. Nếu cứ lấy giá chào thế giới để kêu lỗ thì không được. Với mức giá thế giới hiện tại, trước mắt chúng tôi quyết định chỉ theo dõi chặt chẽ" - ông Thoả nói.
Vụ trưởng Chính sách thị trường trong nước Bộ Thương mại Hoàng Thọ Xuân cho biết, trong khi VN đang phải cân đong từng ngày lượng xăng dầu nhập khẩu vì giá thế giới lên cao thì nạn xuất lậu xăng, dầu qua các biên giới vẫn ngang nhiên diễn ra. Dù mới đây, giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng từ 800 đến 1.300 đồng/lít nhưng giá trong nước vẫn thấp hơn so với giá tại Campuchia khoảng 2.000-3.000 đồng/lít, thậm chí vào sâu hơn tới 4.000 đồng, khiến tình hình buôn lậu xăng dầu qua biên giới không có dấu hiệu giảm. Nhiệm vụ đang được Bộ Thương mại đặt lên hàng đầu hiện nay là đối phó với tình hình trên.
Ông Xuân cho biết, thời gian qua, dù các cơ quan chức năng đã "vào cuộc" rất quyết liệt, ở hầu hết các khu vực biên giới nạn xuất lậu xăng dầu vẫn diễn ra với mức độ ngày một táo tợn. Nhức nhối nhất là ở khu vực biên giới Tây Nam. Trong bối cảnh thị trường nhiên liệu trên thế giới đang nóng bỏng hiện nay, theo ông Xuân, những vi phạm này gây thất thu rất lớn cho ngân sách và làm rối loạn nguồn cung ứng cho thị trường nội địa.
Nhằm hạn chế hiệu quả nạn xuất lậu qua biên giới này, ông Xuân cho biết hiện Bộ Thương mại đang xúc tiến cho ra đời một cơ chế chính sách riêng đối với khu vực biên giới, bên cạnh những chính sách hiện có. Cục phó Quản lý thị trường Bộ Thương mại Phạm Quang Viễn cũng cho hay, mới đây Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại đã tổ chức một đoàn khảo sát dọc biên giới các tỉnh Tây Nam để nắm tình hình báo cáo về Bộ. Dự kiến, trong tháng này Bộ sẽ tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp đầu mối và lãnh đạo 5 tỉnh biên giới để tăng cường phối hợp các biện pháp ngăn chặn buôn lậu xăng dầu.
Thứ trưởng Thương mại Phan Thế Ruệ vừa qua cũng đã yêu cầu Cục quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc đưa ra xử lý những cá nhân, tổ chức buôn lậu xăng dầu với số lượng lớn, đồng thời xử lý nghiêm với những cán bộ, công chức tiếp tay hoặc tham gia buôn lậu xăng dầu. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn nạn này, ông Ruệ cho rằng cần nhanh chóng xây dựng lộ trình đưa giá bán xăng dầu trong nước tương ứng với giá khu vực.
Không chỉ VN, giá dầu tăng cao những ngày qua cũng khiến nhiều quốc gia trên thế giới điêu đứng. Giá xăng bán lẻ của Mỹ trong tuần qua đã tăng gần 8 cent lên mức kỷ lục 2,37 USD/gallon. Trong khi đó, giá xăng không chì cũng đã tăng 49 cent so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Indonesia, quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đang phải chứng kiến một nghịch lý trớ trêu là, từ một nước chuyên xuất khẩu dầu thô, nay Indonesia đã phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tinh chế, hóa dầu, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước. Nguyên nhân chủ yếu là từ nhiều tháng nay, mỗi ngày Indonesia chỉ khai thác được trên dưới 1 triệu thùng dầu thô. Do đó, họ phải nhập khẩu gần 60.000 thùng dầu thô mỗi ngày. Hơn thế nữa, Chính phủ Indonesia dự kiến còn phải trợ giá xăng dầu nhiên liệu tiêu thụ tại thị trường trong nước riêng cho năm nay là 46.000 tỷ rupiah (4,89 tỷ USD) để bình ổn giá. Là một thị trường phụ thuộc nhiều vào dầu lửa và có nhu cầu sử dụng dầu cao, Trung Quốc luôn lo lắng mỗi khi giá dầu trên thế giới tăng cao. Suốt từ tháng 7/2003, nước này đã phải chứng kiến những đợt tăng giá xăng dầu bán lẻ trong nước. Hiện, quốc gia 1,4 tỷ dân cũng rơi vào tình cảnh khan hiếm xăng dầu. Những ngày gần đây, các tài xế xe hơi rất khó có thể mua được xăng 90, nguồn cung xăng 92 cũng trở nên cực kỳ nóng bỏng. |
Việt Phong - Hà Vy
▪ Xuất khẩu chè giảm mạnh (11/08/2005)
▪ Cá basa vẫn ngon hơn catfish Mỹ (11/08/2005)
▪ Chỉ số giá vẫn trong tầm kiểm soát (11/08/2005)
▪ Ngân hàng muốn tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi (11/08/2005)
▪ Xử phạt trang web Vietstock vì tổ chức mua/bán chứng khoán trái phép (11/08/2005)
▪ Viettel Mobile giảm hơn 60% giá sim di động (11/08/2005)
▪ Cá ba sa VN thắng thế so với cá da trơn Mỹ (11/08/2005)
▪ Triển lãm sản phẩm Thái Lan 2005 (11/08/2005)
▪ Xe Future II của Honda VN giảm giá 2,4 triệu đồng/chiếc (11/08/2005)
▪ Thêm 4 DN có vốn đầu tư nước ngoài được chuyển sang cổ phần hoá (11/08/2005)