Da giày lo thiếu đơn hàng cho năm 2006
Các Website khác - 07/10/2005

Cuộc điều tra chống bán phá giá giày da VN chưa đến hồi kết, nhiều nhà sản xuất giày đang lo lắng về chuyện không có hợp đồng đặt hàng cho mùa vụ năm sau. Các đối tác nhập khẩu vẫn đang lưỡng lự chưa muốn ký đơn hàng vì sợ nguy cơ phải chịu thuế phá giá cao.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần xúc tiến công nghệ ngành da giày (VSP) cho biết, với đơn hàng đặt từ đầu năm, ngành giày có thể an tâm làm việc từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, tình hình năm sau chắc chắn sẽ khó khăn hơn. Theo ông Khánh, đến thời điểm này khách hàng vẫn chưa quyết định ký đơn hàng cho năm tới. Họ muốn chờ có phán quyết cuối cùng của Ủy ban châu Âu (EC) về mức thuế bán phá giá áp cho sản phẩm da giày VN là bao nhiêu, sau đó mới ký đơn đặt hàng. Cứ thành thông lệ, tháng này mọi năm doanh nghiệp đã có đơn hàng cho năm sau, nhưng phải hết tháng 10, EC mới có quyết định.

Một số doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng éo le, bởi các đơn hàng sản xuất phục vụ cho mùa hè tới đã bị hủy. "Đây là những hợp đồng đã ký kết trước khi vụ kiện xảy ra. Nhưng sau đó, do tâm lý các đối tác sợ mức thuế cao nên đã rút lại. Như thế, không phải chờ đến năm sau, nhiều đơn vị có nguy cơ mất việc sớm", ông Khánh nói.

Giám đốc một doanh nghiệp nằm trong danh sách vụ kiện cho biết, không như các doanh nghiệp khác được yên tâm sản xuất những đơn hàng còn lại của năm nay, công ty ông phải tất bật để thu thập thông tin số liệu đối chiếu trong quá trình kiểm tra. Các khách hàng truyền thống của công ty chưa có một lời hứa hẹn nào về việc đặt đơn hàng cho năm tới. "Không biết sau khi vụ kiện kết thúc, tiến trình đàm phán đơn hàng như thế nào, chứ trước mắt tình thế rất bất lợi. Từ trước đến nay công ty chủ yếu xuất vào EU. Nếu mở thêm thị trường xuất khẩu phải cần có thời gian để tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác", vị giám đốc này lo lắng.

Theo Tổng giám đốc Công ty xuất khẩu dệt may da giày Sài Gòn (Wec Saigon) Diệp Thành Kiệt, việc EU áp đặt thuế chống phá giá sẽ tạo nên những ảnh hưởng khó lường. Da giày đang là ngành xuất khẩu đứng thứ 3 của cả nước, đồng thời sử dụng lao động nhiều nhất. EU lại là thị trường chính, chiếm đến 70% năng lực cả ngành. Thuế chống phá giá cao có thể làm suy sụp ngành kinh tế còn non trẻ nhưng nhiều triển vọng này. Gần một triệu lao động và hàng trăm nghìn người ăn theo sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Kiệt cho rằng, việc cần làm hiện nay là phía Hiệp hội da giày VN nên có những động thái tích cực như chủ động tiếp xúc với Liên đoàn những nhà sản xuất giày dép châu Âu (CEC) - những người khởi xướng vụ kiện - nhằm giới thiệu cho họ về ngành giày dép còn non trẻ của VN. Trên 80% doanh nghiệp VN có quy mô nhỏ, vốn liếng ít và khó có thể bán phá giá. Sở dĩ giá bán của da giày VN thấp hơn so với các sản phẩm tại EU là do sự chênh lệch về chi phí nhân công. "Với công nghệ như hiện nay thì còn lâu ngành giày dép VN mới có đủ sức ảnh hưởng đến những sản phẩm cao cấp sản xuất tại EU. Tôi nghĩ rằng, họ khởi kiện cũng một phần do chưa hiểu hết ngành giày dép VN", ông Kiệt hy vọng.

Một số doanh nghiệp khác cho rằng, trên thị trường EU giá sản phẩm Trung Quốc rẻ hơn Việt Nam rất nhiều. Nếu kết thúc phiên điều tra, EC áp thuế bán phá giá đối với giày mũ da VN thì chắc chắn sản phẩm Trung Quốc cũng không thể tránh khỏi và mức thuế bị áp có thể cao hơn hàng VN. Như thế, doanh nghiệp VN vẫn còn nhiều cơ hội làm ăn với các đối tác EU.

Để tháo gỡ những khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp ngành giày, đồng thời tìm giải pháp giúp họ vượt qua cơn khủng hoảng, Hiệp hội da giày TP HCM sẽ có cuộc họp với các thành viên vào cuối tháng 10.

Nguyễn Thùy