Đằng sau sự "đồng thuận" về lãi suất
Các Website khác - 03/05/2008


Trao đổi về vấn đề "đồng thuận" lãi suất trần huy động VND mới được Hiệp hội Ngân hàng công bố là 12%/năm, hầu hết lãnh đạo các ngân hàng cổ phần đều cho biết: ngân hàng nào tuân thủ nghiêm thì... chỉ có thiệt!

Họ cũng cho rằng, sự đồng thuận là không thực chất.

Theo tìm hiểu của PV, trong cuộc họp của các thành viên Hiệp hội Ngân hàng tại miền Bắc, đại diện của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam có phát biểu đề xuất phương án nâng trần lãi suất huy động VND lên 12%/năm, sau đó một vài ngân hàng cổ phần cũng phát biểu hưởng ứng đồng thuận với ý kiến này.

Tuy nhiên, khi biểu quyết theo hình thức giơ tay với sự có mặt của đại diện cấp cao của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì chính các ngân hàng cổ phần này lại vẫn đồng ý với phương án giữ nguyên trần lãi suất huy động VND là 11%/năm.

Lãnh đạo cấp cao một ngân hàng tham dự cuộc họp này cho biết: "Đó rõ ràng là một sự đồng thuận giả tạo. Các ngân hàng vẫn giơ tay đồng ý nhưng thực tế thì huy động dưới các hình thức khác nhau với lãi suất cao hơn hoặc kèm thêm khuyến mãi".

Ông này cũng cho biết, có không ít ngân hàng "đồng thuận" cũng bởi hình thức giơ tay dưới sự có mặt của Ngân hàng Nhà nước. "Chứ nếu biểu quyết bằng bỏ phiếu kín thì chắc chắn là có nhiều ngân hàng không đồng tình", ông này nói.

Thực tế, các ngân hàng thương mại cổ phần không muốn đồng thuận về lãi suất huy động vì thực tế trong nội bộ các thành viên đã không thực hiện đúng cam kết.

Một số ngân hàng không công bố công khai nhưng thỏa thuận lãi suất với khách hàng vượt mức trần, có ngân hàng thì tổ chức khuyến mãi lớn như Techcombank (gửi 10 triệu trúng 1 tỉ đồng).

Thêm vào đó, khối ngân hàng nước ngoài, một số ngân hàng cổ phần nhỏ không thuộc Hiệp hội Ngân hàng không phải "đồng thuận" theo trần lãi suất của Hiệp hội thì cứ công khai niêm yết lãi suất cao, khuyến mãi để huy động vốn cũng làm cho các ngân hàng tuân thủ đúng cam kết rất sốt ruột.

Trao đổi với báo chí, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cỡ vừa tại Hà Nội cho biết, Ban điều hành của ngân hàng này đang xem xét việc có nên tiếp tục tuân thủ đúng quy định của Hiệp hội hay không vì người làm, người không thì "mình biến thành đồ ngốc". 

Trong cuộc họp với các thành viên của Hiệp hội ngân hàng ở phía Nam, tình hình có khác hơn. Cũng biểu quyết theo kiểu giơ tay nhưng không có ngân hàng nào đồng thuận với phương án giữ nguyên trần lãi suất VND là 11%/năm như các thành viên phía Bắc đã "đồng thuận" trước đó.

Tuy nhiên, khi kết thúc vẫn có đa số các thành viên còn ở lại đến cuối cuộc họp biểu quyết giơ tay "đồng thuận" với mức trần lãi suất huy động là 12%/năm cho VND và 6%/năm cho USD.

Sau khi có kết quả họp, Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cỡ vừa tại TP.HCM nói: "Đấy cũng là sự đồng thuận không có trong thực tế". Ông này nói tiếp: "Hiệp hội nói và bảo các ngân hàng giơ tay biểu quyết thì chúng tôi cũng giơ tay nhưng cả chục triệu người gửi tiền ngoài kia họ có đồng thuận không mới là điều quan trọng.

Ai cũng biết là trần lãi suất huy động 12%/năm là mức trần do Ngân hàng Nhà nước đưa ra vào hồi tháng 2 khi tỷ lệ lạm phát mới chỉ khoảng 6%. Ngay khi lạm phát đã lên tới 11,6% rồi mà lại bảo là các ngân hàng đều "thống nhất" về một mức trần lãi suất huy động bằng với mức trước đây thì là đi ngược lại thị trường. Mà ngân hàng nào thích đi ngược lại với thị trường thì cứ làm đi!".

Lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng cổ phần khác thì cảnh báo về một hệ quả của việc lách trần lãi suất: "Mọi thứ đều méo mó hết cả. Nhân viên ngân hàng đi kéo khách hàng gửi tiền về cũng phải tìm đủ mọi cách và "linh hoạt" đủ kiểu. Mà việc cứ "linh hoạt" như vậy thì đến quản nhân viên của mình cũng khó chứ chưa nói đến việc kinh doanh từ đồng vốn huy động được".

Vị này nhận định, với tình hình như hiện nay, trần lãi suất 12%/năm sẽ khó lòng giữ được lâu. Một chuyên gia có kinh nghiệm về chính sách tiền tệ thì bình luận: "Vấn đề là người gửi tiền sẽ không chịu chứ không phải là các ngân hàng mà người gửi tiền mới là quyết định".