TP - Đầu tư vào vàng và lên sàn giao dịch vàng (SGDV) đang được xem như một kênh hấp dẫn. Tuy nhiên, khá nhiều nhà đầu tư buôn vàng qua mạng hay tham gia SGDV của NH ACB lại đang “vàng mắt” vì thua lỗ.
![]() |
Sàn giao dịch vàng Sài Gòn. Ảnh: Hồng Vĩnh |
Tiền phong đã đi tìm câu trả lời cho vấn đề này từ các chuyên gia vàng của VN, tại Hội thảo kinh doanh vàng quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, chủ đề Sàn giao dịch vàng – Kinh nghiệm Thế giới & Thực tiễn Việt Nam, do Cty cổ phần Đầu tư & Đào tạo Doanh Chủ, tổ chức ngày 24/4/2008, tại TPHCM…
Thua lỗ là khó tránh khỏi?
Ông Albert Cheng, Tổng GĐ Hội đồng Vàng thế giới khu vực châu Á cho rằng, đầu tư vào vàng vẫn sẽ có lợi nhuận hoặc thua lỗ như chứng khoán, ngoại tệ, bất động sản. Tuy nhiên, thực tế hàng trăm năm nay cho thấy, vàng vẫn là một kênh đầu tư, tích trữ hay tiết kiệm an toàn, hiệu quả và có tính thanh khoản cao nhất.
Các NĐT tại VN hiện chưa có nhiều lựa chọn ngoài SGDV của NH ACB và chủ yếu mua bán với nhau, chưa kết nối với thị trường vàng thế giới, và nhất là chưa có kinh nghiệm nên thua lỗ là điều khó tránh khỏi.
Ông Cheng nhận định, trước mắt vàng có thể biến động lên xuống nhưng về lâu dài giá vàng sẽ lên, vì vậy đầu tư vào vàng ngoài vốn, kinh nghiệm thì NĐT cần có kiến thức, thông tin và các hình thưc đầu tư khác nhau.
Trên thế giới, các thị trường vàng tương lai (Futures) ngày càng phát triển và đem lại nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư. Ông Albert Cheng đưa ra mô hình của Sàn vàng Thượng Hải, một sàn vàng vật chất mới chỉ hoạt động từ 2002, nhưng cũng đang phát triển theo hướng giao dịch các hợp đồng Futures, giao nhận chậm T+3 & T+5 như một hình thức phát sinh của giao dịch vàng vật chất.
Ngoài ra, ông Cheng còn đề cập đến một hình thức mới trong Kinh doanh vàng – Gold Exchange Traded Fund (ETFs), một hình thức đầu tư vàng - chứng khoán được đảm bảo 100% bằng vàng vật chất.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, đánh giá nhu cầu giao dịch vàng đang tăng rất cao, chỉ trong quý 1/2008, nhu cầu vàng vật chất ước tính là 43 tấn, bằng 57% tổng nhu cầu của năm 2007.
Nhưng SGD vàng duy nhất tại VN ở ACB cũng chỉ dừng lại ở mức giao dịch vàng vật chất trong nước, các NĐT và tổ chức mua bán với nhau, chưa liên thông với thị trường thế giới nên giá lên xuống không theo thế giới là điều tất nhiên.
Đó cũng là nguyên nhân chính để các NĐT hiểu vì sao mình đặt giá bán hoặc mua theo giá tình hình vàng thế giới, nhưng thực tế việc mua bán lại chỉ theo ý các “đại gia”, và họ thường thua lỗ.
Để khắc phục tình trạng này, cần có nhiều SGDV trong đó nơi điều hành nên có vai trò trung lập, không nên vừa quản lý lại vừa mua bán, tạo sự bất bình đẳng.
Ông Trần Phương Bình, Tổng GĐ NH Đông Á: nơi sẽ có SGDV vào tháng 5/2008 cũng đồng ý với ý kiến trên và khẳng định NH ông mở sàn, nhưng không tham gia giao dịch, để tránh những xung đột quyền lợi với các nhà đầu tư.
Ông Ng. Cheng Thye - Giám đốc kinh doanh Vàng NH Standard Bank khẳng định, để giảm rủi ro, tạo ra những “sân chơi” bình đẳng, minh bạch cho NĐT thì SGDV nên đa dạng hóa các sản phẩm, chứ không nên chỉ đơn thuần mua bán vàng tài khoản với một sản phẩm duy nhất như đang làm tại SGDV ACB.
Cần phát triển đầy đủ các phương tiện phòng ngừa rủi ro
Theo ông Khánh, để thị trường vàng Việt Nam phát triển, ngoài việc tự do hóa các cơ chế quản lý thị trường vàng, tạo hành lang pháp lý về quản lý sàn vàng, thì các sàn giao dịch vàng được lập trong thời gian tới cần phát triển đầy đủ các phương tiện phòng ngừa rủi ro.
Vừa qua, có ý kiến cho rằng, vàng nhập siêu quá nhiều (hơn 40 tấn từ đầu năm 2008- PV) là nguyên nhân gây lạm phát, nhưng theo ông Khánh thì “đó là do vàng chưa được phép xuất khẩu, nếu được xuất khẩu tôi tin rằng sẽ dần cân bằng và còn tạo ra nhiều công ăn việc làm, uy tín cho ngành vàng VN”.
Ông Khánh cho rằng, cho đến lúc này khi mà có ít nhất 5 SGDV sắp hoạt động, nhưng vẫn chưa có khung pháp lý hay cơ chế chung từ NHNN là quá chậm. Hiệp hội Vàng VN đang đề xuất với NHNN về mô hình SGDV theo cách làm như Sở GDCK hiện nay.
Còn ông Bình lại nói, NHNN khó có thể đứng ra lập một SGDV như vậy, mà tốt nhất là các NH, Cty kinh doanh Vàng nên góp vốn lập ra một “sàn trung lập” để các NĐT cùng tham gia giao dịch.
Còn ông Cheng thì đề xuất một SGVD liên ngân hàng để tận dụng thế mạnh, lượng khách hàng và nối kết với thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian tới các SGDV vẫn sẽ hoạt động theo “lệ” của nơi mở sàn và NHNN đến giữa tháng 5 mới cử một đoàn sang tham khảo kinh nghiệm của SGDV tại Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore.
Việc giao dịch vàng miếng trên thị trường tăng vọt, có ngày tới 500.000 lượng, tương đương 19 tấn, đang đòi hỏi một mô hình quản lý và điều hành thị trường này chuyên nghiệp, chứ không để các “chủ” SGDV và NĐT tự “bơi” như hiện nay.
Ông Anbert Cheng: Tôi cũng đầu tư vào vàng nhưng chỉ rót vào một phần vốn, còn lại phân bổ cho chứng khoán, tiền tệ, bất động sản hay các loại hình khác. Tôi khuyên NĐT không nên đổ hết tiền vào vàng mà nên đa dạng hóa danh mục. Nên mua vàng vào nhiều thời điểm với nhiều mức giá khác nhau phù hợp với tình hình chung. Hiện nhu cầu vàng để đầu tư, đầu cơ tăng rất cao cho nên giá có lúc không phản ánh đúng tình hình kinh tế, chính trị của thế giới nên NĐT cần cẩn trọng. Tôi vẫn cho rằng, về lâu dài vàng sẽ còn tăng nữa
Ông Huỳnh Trung Khánh: Nếu đầu tư tôi chỉ dành 1/4 cho vàng vì dù tính an toàn, thanh khoản cao nhưng buôn bán vàng vẫn thua lỗ như các loại đầu tư khác. Khi chưa có kinh nghiệm, phân tích thông tin đầy đủ thì bạn không nên quá mạo hiểm vào vàng. Nên nhớ càng lợi nhuận cao càng rủi ro nhiều, nếu muốn bảo toàn vốn và hạn chế rủi ro nên chọn những sàn có biên độ thấp nơi thu lợi nhuận ít nhưng thua lỗ cũng sẽ không nhiều. Sắp tới có nhiều SGDV, NĐT sẽ có nhiều lựa chọn hơn về mức phí, dịch vụ, công nghệ, sản phẩm… nhưng cũng sẽ đối mặt với cạnh tranh, rủi ro nhiều hơn. |
▪ Giá dầu mỏ thế giới "hạ nhiệt" (25/04/2008)
▪ Ảm đạm thương mại toàn cầu (25/04/2008)
▪ Diễn biến trái chiều trên 2 sàn giao dịch (25/04/2008)
▪ Dân Mỹ cũng khốn đốn vì lạm phát (24/04/2008)
▪ “Nâng trần lãi suất lên 200% là chưa có cơ sở” (24/04/2008)
▪ Financial Time: Thị trường Việt Nam đang trở về giá trị thực (24/04/2008)
▪ Cty Vạn Thịnh Hưng lừa đảo? (23/04/2008)
▪ EVN phải đảm bảo cung cấp điện ở mức cao nhất (23/04/2008)
▪ Vietcombank sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược (23/04/2008)
▪ Doanh nghiệp xăng dầu mỗi tháng lỗ 1.000 tỉ đồng (23/04/2008)