Đầu tư nhà chung cư vỡ mộng
Các Website khác - 07/03/2006

Khu đô thị Nam Thăng Long (Hà Nội) vừa nhận lại 2 căn hộ do khách hàng nhờ công ty bán hộ bởi họ thiếu khả năng tài chính đóng nốt tiền để nhận bàn giao nhà. Những quảng cáo rao bán giá gốc như nhà E01 tầng 17, nhà E04 tầng 12 trong khu cũng xuất hiện khá nhiều.

Đầu tư nhà cao cấp chưa chắc đã lời. Ảnh: A.T.

Ông David Arnsdoff, Tổng giám đốc Ciputra, thừa nhận, những chung cư giá bình dân từ E1 đến E5 với hơn 500 căn đã bán hết từ lâu, trong số đó có không ít khách hàng mua với hy vọng bán lại ăn chênh lệch kiếm lời.

"Thị trường đang chậm lại, những tòa chung cư chất lượng 4 sao như G2-G3, giá khoảng 800-900 USD/m2 bán không nhanh như mong đợi", ông Arnsdoff cho hay.

M. - một ông chủ đất chuyên đổ tiền đầu cơ vào những khu chung cư cao cấp - ngán ngẩm kể, hiện trong tay có hơn 10 căn hộ ở các khu như Ciputra, Ngọc Khánh, Huỳnh Thúc Kháng mà không "đẩy" được, đành chấp nhận ăn chênh lệch thấp, thậm chí bán giá gốc.

Cùng cảnh ngộ như ông M., khá nhiều đầu nậu mượn tên họ hàng người quen đứng ra mua hàng chục lô đất hoặc căn hộ của các dự án như khu đô thị mới Việt Hưng, Mễ Trì Hạ đang vội vã tìm khách sang tên.

Do tiền mua nhà đóng theo tiến độ xây dựng nên phương thức đầu tư phổ biến của những ông bà chủ này là dò la thông tin tìm cách tiếp cận với chủ đầu tư rồi đóng tiền (khoảng 30%) ôm trước, tìm khách bán lại ăn chênh lệch sau. Giờ thị trường ảm đạm, hạn đóng đủ tiền đã đến nhưng vẫn chưa có khách mua, nhiều người buộc phải rao bán giá gốc hoặc nhờ chủ đầu tư bán giúp.

Giới đầu cơ nhà tập thể thì ngao ngán thật sự bởi hầu hết các khu nhà đều cũ kỹ, chất lượng tồi, an ninh vệ sinh kém, giá cả loại hàng này đang xuống khá mạnh. Bình thường căn hộ 34 m2 tầng 3 khu tập thể Văn Chương "hét" 450 triệu đồng, giờ hạ 90 triệu đồng vẫn chả có khách nào hỏi thăm.

Phí quản lý không dễ chịu

Trong các hợp đồng mua nhà, chủ đầu tư thường đưa ra mức phí quản lý khá thấp, khoảng 300.000 đồng/tháng như chung cư 25 Láng Hạ, tuy nhiên thời điểm ký từ năm 2002 đến nay có bàn giao nhà họ cũng phải áp mức mới. Hàng loạt phản ánh của người dân từ những khu chung cư bình dân đến cao cấp về phí quản lý thu bất hợp lý cũng khiến khá nhiều khách hàng tỏ ra dè dặt khi chọn mua chung cư. Hiện mức phổ biến vào khoảng 150.000 đồng/tháng chưa kể tiền gửi xe, rồi các khoản lặt vặt khác.

Với những khu cao cấp như Ciputra, mức thấp nhất là 300.000 đồng, khu Pacific Place một căn hộ 100 m2 phí khoảng 1 triệu đồng/tháng, nếu kể cả tiền gửi ôtô có khi tới hơn 2 triệu đồng. Với mức đóng cao như vậy, nhiều người không có mục đích ở mà chủ yếu nhằm bán lại hoặc cho thuê về sau. Khi thị trường lên cơn sốt, người ta dễ dàng bỏ qua khoản tiền này nhưng giờ thị trường vắng vẻ, mức phí này được nhiều khách hàng đem ra mổ xẻ và kết luận là đầu tư bằng cách mua lại không mấy hấp dẫn.

Chôn vốn ở dự án chậm tiến độ

Giá nhà đất giảm mạnh khiến không ít cá nhân bỏ tiền đầu tư một hai căn sốt ruột khi vớ phải dự án chậm tiến độ. Theo Sở Tài nguyên Môi trường Nhà đất Hà Nội, tính sơ sơ, thành phố hiện có tới chục dự án vẫn bỏ không, tình trạng chậm trễ giao nhà rất phổ biến. Đơn cử như chung cư 28 tầng Làng quốc tế Thăng Long huy động vốn từ đầu năm 2005 đến nay vẫn là bãi đất trống đang chờ thay đổi thiết kế. Khu CT2, Cầu Diễn II, Từ Liêm, chưa khởi công trong khi hợp đồng giao nhà ghi chậm nhất là vào quý IV năm 2004. Khu đô thị mới Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, chung cư 16 tầng tại 262 Nguyễn Huy Tưởng... Sớm như Khu đô thị mới Mễ Trì Hạ cũng chậm so với hợp đồng 15 tháng.

Bỏ ra hơn 400 triệu đồng mua một căn hộ tại Khu CT2, Cầu Diễn II, Từ Liêm, qua một công ty nhà đất, ông Nguyễn Văn Quyết nhà ở Đại Kim, Hoàng Mai, hy vọng nếu không kiếm được ít tiền chênh lệch cũng có thể cho thuê, nhưng hơn hai năm trôi qua dự án vẫn chưa khởi công. "Giàu đâu chả thấy, bao tiền tiết kiệm chôn ở đó chưa biết bao giờ rút ra được", ông than thở. Khổ nỗi mua qua tay nên dò hỏi thông tin gì cũng kín như bưng vì chủ đầu tư kêu chỉ làm việc với khách hàng đầu tiên.

Phong Lan