UBND tỉnh trái lệnh Chính phủ
Các Website khác - 07/03/2006

Thất thoát trong việc xây dựng Nhà máy ximăng Hồng Phong (Lạng Sơn):
UBND tỉnh trái lệnh Chính phủ

Chủ đầu tư, nhà thầu cung cấp thiết bị đã tự ý thay đổi xuất xứ hàng hoá và kết quả đấu thầu thiết bị. Mới tiến hành thẩm định 43 hạng mục của công trình này, các cơ quan chức năng đã phát hiện có thể giảm được trên 300 triệu đồng.

Không cho, cứ xây
Hiện Lạng Sơn đã có một nhà máy ximăng và đang bị buộc phải di dời khỏi thành phố để đảm bảo môi trường, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã không chấp hành nghiêm túc việc di dời mà lại quyết định xây mới thêm một nhà máy ximăng lò đứng, công suất 8,5 vạn tấn/năm tại Hồng Phong (Cao Lộc). Trong khi Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng nhà máy ximăng 1,4 triệu tấn/năm tại Đồng Bành (Chi Lăng) theo đúng quy hoạch phát triển công nghệ ximăng Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt.

Điều khó hiểu là, khi đã có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh muốn xây mới một nhà máy thì phải báo cáo xin ý kiến Chính phủ cũng như Tỉnh uỷ, tuy nhiên UBND tỉnh vẫn tiếp tục triển khai thực hiện.

Theo quyết định của UBND tỉnh, các cơ quan chức năng cùng Cty ximăng và xây dựng công trình Lạng Sơn (chủ đầu tư) đã lập ngay dự án Nhà máy ximăng lò đứng Hồng Phong. Trong dự án có nội dung nhập một dây chuyền thiết bị đồng bộ sản xuất ximăng lò đứng, công suất 85.000 tấn/năm.

Đấu thầu một đằng, thiết bị một nẻo

Dây chuyền thiết bị ximăng đã được các cơ quan có thẩm quyền ở Lạng Sơn tổ chức đấu thầu. Công ty cổ phần XNK kỹ thuật Technimex thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (trụ sở tại 70 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) trúng thầu dây chuyền thiết bị trị giá là 18.843.133.197 đồng. Trong hồ sơ tham gia thầu của Technimex thì nhà sản xuất cung cấp thiết bị là Tập đoàn Bằng Phi (Trung Quốc).

Sau khi ký kết xong hợp đồng, nhà thầu lại có công văn, thông báo thay đổi nhà sản xuất từ Tập đoàn Bằng Phi (Giang Tô, TQ) sang Cty Phi Bằng (Nan Thông, TQ) và một số nhà máy khác. Nhận được thông tin này, nhưng chủ đầu tư - ông Phạm Thanh Sơn - GĐ Cty ximăng và xây dựng công trình Lạng Sơn - đã không báo cáo Sở Xây dựng và UBND tỉnh, mà lại tự ký 2 biên bản bổ sung hợp đồng, đồng ý thay đổi nhà sản xuất mà không hề xem xét giá cả, chất lượng.

Để "nắm đằng chuôi", UBND tỉnh Lạng Sơn đã cử đoàn cán bộ đi TQ để kiểm tra thiết bị dây chuyền ximăng trước khi nhập khẩu về VN. Về nước, đoàn có báo cáo kết quả chuyến đi, nhưng nội dung kiểm tra thiết bị dây chuyền chỉ dừng ở mức khảo sát các địa điểm và cơ sở sản xuất, bỏ qua việc kiểm tra cụ thể chi tiết về chuyên môn, kỹ thuật, chất lượng sản phẩm... Điều mà rất ít người biết là kinh phí cho chuyến đi kiểm tra này lại do chủ đầu tư chi.

Tư túi hay vô trách nhiệm?
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy ximăng Hồng Phong có tổng mức đầu tư là 57.465.151.000 đồng; phần thiết bị nhập khẩu và lắp đặt là 25.682.111.000 đồng; nhưng chủ đầu tư đã nhập về một dây chuyền, có tới 50/105 thiết bị không đúng chủng loại theo hồ sơ đấu thầu.

Theo đúng kế hoạch thì nhà máy đi vào sản xuất trong năm 2005, nhưng đến nay toàn bộ dây chuyền nhà máy vẫn chưa được lắp đặt, vận hành. Ngoài ra, chênh lệch giữa hợp đồng nội và hợp đồng ngoại là 3 tỉ 591 triệu đồng (bằng 20% trị giá hợp đồng).

Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã nêu rõ: "Những máy móc nhập về công nghệ sản xuất nhỏ, chất lượng thấp, giá cả cao, không phù hợp với dự án được phê duyệt, không phù hợp với hợp đồng đã ký kết".

Nhóm PVTS