Để thuế không chỉ công bằng trên... giấy
Các Website khác - 10/01/2006

Tháng 1, ngành thuế thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập cao năm 2005. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Văn Ninh, sẽ không còn cảnh ngành thuế phải “chạy” theo từng ca sĩ, nghệ sĩ... để “đòi thuế” như năm trước.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Ninh
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Ninh. Ảnh: Tuổi Trẻ.
- Cơ quan thuế dường như vẫn còn lúng túng trong việc tính thuế thu nhập của các ca sĩ, nghệ sĩ?

- Các nghệ sĩ cũng chỉ là một phần trong số nhiều người dân của chúng ta có nhận thức chưa cao và chưa có thói quen chấp hành nghĩa vụ thuế.

Một trong những nguyên nhân có thể là do chúng tôi đã chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích để giúp người dân hiểu được bản chất tốt đẹp của đồng tiền thuế.

Lâu nay Nhà nước buộc người dân phải thực hiện nghĩa vụ thuế nhưng chưa chỉ ra cho họ thấy quyền lợi được hưởng, rằng mỗi con đường, mỗi ngôi trường, bệnh viện, sự an ninh của khu phố... đều từ tiền thuế của dân mà ra. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa trong năm 2006.

- Ngành thuế có lường trước tình hình năm nay giới người mẫu, diễn viên hài, nghệ sĩ múa rối... sẽ tiếp tục phản ứng về việc họ không được khấu trừ 25% thu nhập trước khi tính thuế?

- Chúng ta cho khấu trừ như vậy vì đang ở xuất phát điểm khá thấp. Nhưng đối tượng nào được trừ, vì sao trừ, trừ bao nhiêu... đều có căn cứ để tính toán ra cả. Ý kiến của họ chúng tôi sẽ lưu tâm, nhưng việc có nên mở rộng diện được khấu trừ hay không còn phải xem xét lại tình hình triển khai chính sách trong năm nay.

- Có ý kiến cho rằng công khai hợp đồng quảng cáo, tổng thu nhập... là đụng chạm đến đời tư của ca sĩ?

- Nếu như họ sợ thanh danh bị ảnh hưởng thì trước hết phải làm tròn nghĩa vụ công dân của mình.

- Nhưng dường như chính sách thuế của ta chỉ “nắm người có tóc”?

- Không, chính sách của ta là công bằng, chỉ có triển khai thực hiện là chưa thật công bằng. Có một thực tế là người kê khai không đúng, nộp không đầy đủ thì có lợi thế cạnh tranh hơn người làm đúng theo các qui định của pháp luật.

Trong điều kiện chúng ta chưa có quy định buộc các cá nhân, tổ chức khi giao dịch phải thanh toán qua ngân hàng thì việc thiết lập cơ chế giám sát đồng bộ, hiệu quả là rất cần thiết.

Cơ chế này cho phép ngành thuế phối hợp với các bộ, ngành liên quan để nắm được các thông tin về đối tượng nộp thuế, chẳng hạn với giới biểu diễn thì phải phối hợp cùng sở văn hóa - thông tin, để thu thuế các giảng viên thì cần sự hỗ trợ của sở giáo dục - đào tạo... Năm ngoái chúng ta quá vất vả vì thiếu sự phối hợp này.

- Ông có nhận được thông tin rằng cán bộ thuế không thu thuế hay chia thuế với các cá nhân, doanh nghiệp?

- Tôi không dám nói là không có, nhưng nếu khẳng định là có thì phải nói thẳng cá nhân nào, vi phạm trong trường hợp cụ thể nào. Dĩ nhiên, việc thông đồng với nhau ăn chặn tiền Nhà nước có thể được ngăn ngừa thông qua một hệ thống giải pháp tổng thể, trong đó có cả việc giáo dục người quản lý thuế, người nộp thuế và các đối tượng liên quan khác.

Giáo dục không vẫn chưa đủ mà phải kiểm tra, thanh tra, giám sát… và cốt lõi là phải tiến tới đảm bảo đời sống cho các cán bộ Nhà nước nói chung và cán bộ thuế nói riêng.

(Theo Tuổi Trẻ)