Tụt hạng về chỉ số tự do kinh tế: Đáng quan ngại
Các Website khác - 09/01/2006
Tụt hạng về chỉ số tự do kinh tế: Đáng quan ngại

TS Lê Đăng Doanh có những bình luận về việc VN tụt hạng trong Báo cáo thường niên về chỉ số tự do kinh tế năm 2006 do Wall Street Journal và Heritage Foundation vừa công bố.

Theo đó, VN đứng thứ 142 trong số 161 nền kinh tế, tụt 5 hạng so với năm 2005.

Ông Doanh nói: Quốc tế có nhiều sự đánh giá như chỉ số thịnh vượng quốc gia (WIN), chỉ số phát triển con người (HDI)..., và chỉ số tự do kinh tế (IEF).

Trong đó IEF là đánh giá dựa trên những tiêu chí của trường phái tự do, được tính điểm trên 10 nhân tố cho 161 nước với điểm 1 là cao nhất và 5 là thấp nhất, IEF 2006 của VN là 3,89 điểm.

Những nhân tố này là: Chính sách thương mại, gánh nặng ngân sách của chính phủ, sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế, chính sách tiền tệ, lưu chuyển vốn và đầu tư nước ngoài, ngân hàng và tài chính, tiền công và giá cả, quyền sở hữu tài sản, quy định quản lý và hoạt động thị trường chợ đen.

Thông thường với đánh giá của các tổ chức quốc tế chúng ta có thể tham khảo mà không nên quá coi trọng, tuy nhiên tụt hạng về chỉ số tự do kinh tế là đáng quan ngại trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

Thực ra, chỉ số IEF VN 2006 có mặt tốt lên có mặt giảm đi, tuy vậy không phải ngẫu nhiên mà có những phát biểu của các chuyên gia nước ngoài về việc VN gia nhập WTO là ¿bóng đang ở trong chân các bạn¿, cộng đồng quốc tế đang đòi hỏi và trông đợi chúng ta có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa để tự do hoá nền kinh tế.

Rõ ràng là "người ta" đang đánh giá VN có sự can thiệp quá mạnh của Chính phủ vào nền kinh tế, thể hiện ở con số đầu tư Nhà nước cao, thể hiện ở việc chúng ta dành toàn bộ số vốn vay 750 triệu USD trái phiếu Chính phủ cho một TCty Nhà nước, rồi các động thái khoanh nợ, giãn nợ của ngân hàng đối với doanh nghiệp.v.v..

Cũng cần phải thấy rằng, bản thân đánh giá của tạp chí Wall Street Journal và Heritage Foundation trong những năm qua đã ghi nhận nhiều nỗ lực của VN trong các chính sách thúc đẩy tự do kinh tế nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho thương mại và khuyến khích các hoạt động kinh doanh.

Cùng với quá trình gia nhập WTO, có nhiều nội dung đang được VN xem xét nghiêm túc như việc mở cửa các thị trường dịch vụ phù hợp với nền kinh tế VN.

(Theo TP)