Thuế đối với cá nhân: Nhiều bất hợp lý cần sửa đổi
Các Website khác - 09/01/2006
Thuế đối với cá nhân: Nhiều bất hợp lý cần sửa đổi

Theo các chuyên gia, tình trạng trốn thuế còn nhiều là một minh chứng cho chính sách thuế chưa thực sự hợp lý và chưa khuyến khích được người dân tự giác tham gia thực hiện nghĩa vụ thuế.

Hộ kinh doanh buôn bán nhỏ -
đối tượng đang phải chịu thuế TNDN.
Thu nhập thấp: Thuế nặng hơn thu nhập cao

Cải cách thuế năm 1990, VN đã ban hành Luật Thuế lợi tức, trong đó điều chỉnh thu nhập của cả pháp nhân và cá nhân kinh doanh. Vì vậy, năm 1991, khi ban hành Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, pháp lệnh này đã không điều tiết thuế đối với hộ kinh doanh.

Qua 15 năm thực hiện, chính sách này đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý. Cụ thể: Cùng tính chất thu nhập của cá nhân, nếu là cá nhân kinh doanh thì thu nhập từ kinh doanh sau khi trừ chi phí liên quan bị điều tiết bởi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với thuế suất 28%.

Đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, chính sách điều tiết thuế thực hiện theo biểu thuế luỹ tiến từng phần: Thu nhập trên 40 triệu đồng thì phần vượt trên 40 triệu nộp thuế suất 40%. Cùng thu nhập 100 triệu đồng/năm, cá nhân kinh doanh sẽ phải chịu mức thuế cao (28 triệu đồng), trong khi cá nhân không kinh doanh chỉ chịu thuế 10 triệu đồng. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp dụng thuế TNDN đối với cá nhân kinh doanh là không hợp lý và phần thiệt thuộc về các hộ kinh doanh vừa và nhỏ.

Với biểu thuế "vênh" nhau như vậy, cá nhân kinh doanh dù có thu nhập thấp hơn vẫn bị đánh thuế nặng hơn cá nhân không kinh doanh có thu nhập cao. Nhiều ý kiến cho rằng nên áp dụng một biểu thuế thu nhập cá nhân chung cho cả cá nhân kinh doanh và không kinh doanh. Với mức thuế hợp lý hơn, các cá nhân kinh doanh sẽ tự giác hơn trong việc kê khai nộp thuế và hạn chế được thất thu cho ngân sách.

Theo đánh giá của cơ quan thuế, thất thu thuế đối với hộ kinh doanh cá thể cả về đối tượng nộp thuế và doanh thu tính thuế còn lớn. Trong đó, số hộ thất thu chủ yếu là hộ kinh doanh nhỏ, kinh doanh lưu động, vãng lai hoặc những ngành nghề khó quản lý như: Vận tải, xây dựng. Đồng thời, hiệu quả quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể còn thấp: Cơ quan thuế cũng phải "dàn" tới 33% tổng biên chế của toàn ngành chỉ để thu về 3-4% tổng số thu của ngành thuế!

Biểu thuế chung
Theo quy định hiện hành, cấu trúc bậc thuế được quy định khác nhau giữa người Việt Nam và người nước ngoài. Đối với người Việt Nam có 4 bậc thuế với các mức thuế suất luỹ tiến từ 10-40%. Mức ngưỡng thu nhập áp dụng thuế suất 10% là 5 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập áp dụng thuế suất 40% là 40 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, đối với người nước ngoài, mặc dù cũng có 4 bậc thuế với các mức thuế suất luỹ tiến 10-40% nhưng mức khởi điểm chịu thuế là 8 triệu đồng/tháng, mức thu nhập áp dụng thuế suất 40% là 80 triệu đồng/tháng.

Khoảng cách chênh lệch về thu nhập chịu thuế giữa các bậc còn thấp dẫn đến điều tiết về thuế tăng nhanh. Ví dụ: Người Việt Nam có thu nhập trên 5 triệu đến 15 triệu đồng/tháng nộp thuế 10%. Nhưng nếu có thu nhập trên 40 triệu đồng thì phần thu nhập vượt trên 40 triệu phải nộp thuế 40%. Như vậy, khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa bậc thuế suất 10% và thuế suất 40% chỉ là 8 lần, trong khi đó, cấu trúc khoảng chênh lệch này của các nước thường hàng chục lần. Ngay Trung Quốc, khoảng chênh lệch thu nhập chịu thuế là trên 100 lần.

Việc quy định khác biệt trong chính sách thuế đối với người nước ngoài thời gian qua là cần thiết để thu hút các nhà quản lý, cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao. Tuy nhiên, quyết định này không còn phù hợp với thông lệ quốc tế vì hầu hết các nước đều đã áp dụng chung một biểu thuế cho cả cư dân trong nước và nước ngoài.

Điều này cũng tạo ra sự bất bình đẳng trong nghĩa vụ nộp thuế cũng như môi trường kinh doanh, tác động tiêu cực đến nền kinh tế đất nước trong tương lai, đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và thu nhập thực tế của một bộ phận dân cư trong nước ngày càng được nâng cao.

Hạnh Phương