Doanh nghiệp cũng phải nhìn lại mình
Các Website khác - 07/02/2006
Tiến tới cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng DN vào ngày 9.2:
Doanh nghiệp cũng phải nhìn lại mình


Từ năm 1991 đến nay, cả nước có thêm khoảng 200.000 DN dân doanh. Mặt mạnh của DN dân doanh ai cũng thấy, nhưng "mặt trái" của khối DN này cũng đang còn nhiều điều phải bàn.

Xuất nhập khẩu - lĩnh vực dễ bị DN
lợi dụng! (ảnh minh hoạ).
Tiên trách kỷ...

Mỗi lần Thủ tướng gặp cộng đồng DN - kể từ khi có Luật DN đến nay - là hàng loạt ách tắc trong quản lý nhà nước, chính sách điều hành... đối với DN lại được tháo gỡ nhằm tạo thuận lợi cho DN, nhất là khối DN dân doanh.

Tuy nhiên, không phải tất cả các DN dân doanh đều làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ... mà vẫn có hiện tượng lợi dụng sự thông thoáng chính sách để cố tình phạm pháp trục lợi.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô - Viện Quản lý kinh tế T.Ư - cho biết: "Trong số các DN đăng ký kinh doanh, có trên 30% không hoạt động".

Thực tế có nhiều đối tượng lập DN để lấy hoá đơn VAT đem bán rồi "mất tích". Trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu (XNK), sau một vài lần làm thủ tục XNK để tạo lòng tin với cơ quan hải quan, DN "biến mất" cùng với số tiền thuế khổng lồ chiếm đoạt của Nhà nước.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 30.9.2005, tiền thuế XNK các DN nợ quá hạn đã lên tới 3.051 tỉ đồng.

Lấy đất... bỏ hoang
Trong những lần gặp Thủ tướng, nhiều DN kêu về chuyện thiếu mặt bằng sản xuất; không được tạo thuận lợi giải quyết đất đai tạo mặt bằng... nhưng chuyện các DN lãng phí đất đai không phải là không có.

Chỉ riêng ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên đang có hơn 20 DN được cấp đất quá thời hạn 12 tháng, thậm chí có DN nhận đất đã trên 30 tháng, nhưng chưa triển khai thi công nhà xưởng, đất đai để cỏ mọc. Được biết, chuyện đất đai tương tự như ở Yên Mỹ không phải là hiếm.

Tuy nhiên, luật gia Trần Hữu Huỳnh - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN - cho rằng: Nếu so sánh số lượng DN dân doanh đang hoạt động với tỉ lệ DN "ma", DN "mất tích" thì phần được của các DN vẫn lớn hơn rất nhiều. Bởi vậy, không nên vì quá cầu toàn mà làm ảnh hưởng đến chính sách đối với việc phát triển DN dân doanh.

Trả lời câu hỏi: "Làm thế nào để hạn chế đến mức tối thiểu những DN "ma", DN sai phạm", các chuyên gia kinh tế khẳng định: Pháp luật phải xử lý nghiêm khắc những tội phạm gian lận kinh tế. Mặt khác, khi xây dựng chính sách quản lý nhà nước cần phải thực hiện tính minh bạch, công khai.

Công Thắng