Tiến tới cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp: Doanh nghiệp dân doanh vẫn còn nhiều rủi ro
Năm 1991 - 1999, cả nước mới có trên 30.000 DN thì từ năm 2000 (khi có Luật DN) đến nay, có khoảng 160.000 DN đăng ký hoạt động. Về mặt lượng, DN đã tăng tương đối nhanh. Nhưng về tỉ trọng vốn đầu tư đang có vấn đề. Đến năm 2000, khối DN dân doanh mới chỉ chiếm khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nay tuy số lượng đã tăng vọt, nhưng lượng vốn của khối DN này chỉ chiếm gần 30%. Về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung - Viện Quản lý kinh tế T.Ư - cho biết:
 | Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở Tuyên Quang. | - Lượng vốn đầu tư tăng không tương xứng với số DN cho thấy, phần lớn các DN dân doanh vẫn rất nhỏ. Và các DN vẫn còn gặp khó khăn nên họ chưa tích tụ được vốn, chưa tập trung được tài chính để phát triển. Điều này thể hiện độ rủi ro trong kinh doanh của chúng ta còn rất lớn.
- Làm thế nào để củng cố được lòng tin của những DN dân doanh để họ phát triển cả về số lượng và chất lượng, thưa ông?
- Để làm điều đó, không đơn giản ở việc Nhà nước ban hành các luật lệ, mà cần có định hướng từ cơ quan quản lý nhà nước để tạo ra môi trường kinh doanh có niềm tin từ các nhà đầu tư. Muốn vậy, Nhà nước phải tạo ra độ an toàn về mặt pháp lý. Nhưng hiện tại, hệ thống thuế đang làm cho kinh doanh không chắc chắn; hệ thống tư pháp chưa rõ ràng trong việc xử lý tranh chấp... làm cho các DN làm đúng luật pháp chưa chắc đã hoạt động có hiệu quả, bị thiệt thòi và càng đầu tư lớn càng rủi ro nhiều. Và "cuộc đời" những loại DN này rất ngắn để "len lỏi" trong môi trường kinh doanh hơn là xây dựng DN thực sự có thương hiệu có sản phẩm uy tín để phát triển.
- Chúng ta đã có hệ thống khá nhiều văn bản pháp quy của Nhà nước, có Luật DN... mà DN vẫn chưa thấy yên tâm để đầu tư?
- Điều kiện môi trường kinh doanh chúng tôi muốn nói là vấn đề thực thi luật pháp. Gồm có thực thi về mặt hành chính và con người trong bộ máy tư pháp xử lý. Trong đó có cả việc xử lý sai luật pháp, có cả việc luật pháp không quy định nhưng cơ quan công quyền vẫn cứ can thiệp. Pháp luật đâu có cho cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông thu tiền của lái xe, nhưng họ vẫn chặn ôtô thu tiền là một ví dụ điển hình.
- Theo ông, phải làm gì để củng cố được niềm tin cho các DN?
- Đầu tiên, phải có sự minh bạch trong cơ quan nhà nước, trong luật pháp; thậm chí, Nhà nước phải chịu thiệt. Phải quy định rõ trong mọi trường hợp, việc thực thi luật pháp phải thiên về DN, tạo thuận lợi cho DN. Vấn đề này đã được chúng tôi cũng như các tổ chức của DN nêu ra nhiều lần. Nhưng trong tư duy cũng như trong hành động của các cơ quan công quyền, họ chưa coi trọng đến việc tạo điều kiện cho DN phát triển.
Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi phải có một sự thay đổi về chất trong cách hành xử với DN, nhằm thay đổi cả về tư duy của hệ thống vận hành luật pháp thì mới có tác dụng.
- Theo ông, chúng ta nên tháo gỡ bắt đầu từ chỗ nào?
- Tôi cho rằng nên tập trung xử lý từng việc một. Ví dụ, năm nay tập trung giải quyết các vấn đề minh bạch trong lĩnh vực thuế: Từ cách hành xử của cán bộ thuế, cách hành thu thuế... có vướng mắc đưa hết ra. Vấn đề nào thuộc về luật thì tập trung sửa luật, vấn đề thuộc lĩnh vực thi hành chưa đúng thì sửa đổi về cách thi hành. Không nên cái gì cũng làm một chút như vừa qua để rồi cuối cùng môi trường kinh doanh chẳng cải thiện được mà độ phức tạp, khó khăn còn tăng lên như vừa qua.
- Luật DN chung sẽ có hiệu lực từ 1.7.2006, điều này có tạo ra không khí mới cho việc phát triển DN?
- Luật này không tạo ra bước đột phá rõ nét như là Luật DN năm 2000 mà là bước mở cửa cho các DN nước ngoài vào làm ăn tại VN được đối xử bình đẳng và công bằng như các DN trong nước. Điều này sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn giữa các DN trong nước với các DN có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng sẽ là cơ hội cho DN của chúng ta phát triển. Theo đó, các DN làm ăn trung thực, đúng pháp luật sẽ phát triển mà không cần phải dựa vào các mối quan hệ thân quen. Khi đó tốc độ phát triển DN sẽ tốt hơn, tạo ra nền tảng vững chắc hơn cho DN chúng ta phát triển.
- Xin cảm ơn ông!
Công Thắng thực hiện |