Doanh nghiệp ma: Có sự tiếp tay của cơ quan cấp phép, thuế...
Các Website khác - 25/03/2006

Doanh nghiệp ma "móc túi" Nhà nước
Có sự tiếp tay của cơ quan cấp phép, thuế...

Công an Phú Thọ hiện đang phá vụ án vụ buôn bán hoá đơn GTGT, với trị giá khai khống lên tới trên trăm tỉ đồng, liên quan gần 30 tỉnh, thành suốt từ Bắc vào Nam. Từ vụ án này, Công an Phú Thọ đã phát hiện ra gần 100 doanh nghiệp "ma" ở Hà Nội, đồng thời đã mở rộng thêm 3 chuyên án khác liên quan đến khấu trừ thuế GTGT và rút ruột công trình.

Nhà nước mất tiền tỉ
Từ năm 2001-7.2005, Nguyễn Thị Ngọc Anh - chủ sạp hàng buôn bán ở chợ Mè, thị xã Phú Thọ - đã chỉ đạo, rủ rê 5 đối tượng khác (chủ yếu là người nhà) lập doanh nghiệp (DN) với mục đích chính... mua và bán hoá đơn GTGT. Để hợp thức hoá đầu vào, thị Anh đã mua hoá đơn của các DN "ma" khác.

Cụ thể, thông qua các đầu mối trung gian, thị Anh đã mua gom của 89 DN ở Hà Nội và 1 DN ở Hà Tây tổng cộng 378 tờ hoá đơn GTGT. Mang hoá đơn này về, thị Anh thoả sức... "vẽ voi". Kết quả, thị Anh "vẽ" hoá đơn đầu vào có tổng trị giá (khống) lên tới trên 96 tỉ đồng. Khi có đầu vào rồi, thị Anh cùng các đầu mối của mình đến Chi cục Thuế thị xã Phú Thọ mua hoá đơn xịn để làm đầu ra.

Từ hoá đơn xịn này, thị Anh cùng các đệ tử đã "bôi đen" 7.783 tờ hoá đơn để bán cho 1.127 cơ quan, tổ chức, cá nhân nằm trên 23 tỉnh, thành với trị giá khống ghi trên hoá đơn trên 98 tỉ đồng. Vì hoá đơn khống này, Nhà nước mất trắng 7,4 tỉ đồng do phải khấu trừ thuế và hoàn thuế.

Bước đầu, thị Anh khai nhận, tuỳ mặt hàng mà đối tác thích "bôi" trên hoá đơn, thị Anh bán với giá bằng 3 hoặc 7% (tương ứng với mức 5 hoặc 10% thuế GTGT sẽ được cơ quan thuế khấu trừ) tổng lượng tiền ghi trên hoá đơn. Kết quả, thị Anh đã thu lời bất chính trên 4 tỉ đồng. Số trên 3 tỉ đồng còn lại là phần các DN mua hoá đơn khống được hưởng.

Chuyện khó tin
Khi cơ quan CA xác minh khoảng 50/89 DN ở Hà Nội - đã bán hoá đơn đầu vào cho thị Anh - thì chỉ có 1 DN còn tồn tại, còn tất cả các DN khác đều đã... biến mất. Ông Trần Đình Đốc (sinh 1948, trú ở đường Triệu Việt Vương, Hà Nội) - giám đốc của DN duy nhất còn hiện hữu (Cty TNHH xây dựng vận tải Tân Hà Minh, trụ sở ở phố Long Biên, quận Hoàn Kiếm) - cũng chỉ là giám đốc hờ. Còn bà chủ thực sự là Nghiên Thị Vu (thường trú ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Hai Bà Trưng) đã "cao chạy xa bay" từ lâu.

Còn với giám đốc của các DN đã biến mất, phần lớn là con nghiện, có tiền án, tiền sự và cả những người đã bỏ nơi cư trú đi đâu không rõ. Chẳng hạn, Bùi Quý Hải là Giám đốc Cty TNHH thương mại xây dựng thiết bị điện máy Hà Nội (sinh 1965, trú ở đường Nguyễn Trường Tộ, Ba Đình, Hà Nội) đã bỏ nhà đi từ năm 1996 và không biết đi đâu! Vậy mà, không hiểu sao đến tháng 10.2004, Quý Hải vẫn được đứng tên giám đốc ở địa chỉ trên? Vì vậy, dư luận có quyền đặt câu hỏi, cơ quan cấp phép đăng ký kinh doanh có thẩm tra hồ sơ theo đúng quy định?

Về trách nhiệm của Chi cục Thuế Phú Thọ, thay vì phải kiểm tra, tính thuế riêng với những hộ kinh doanh trên, cán bộ thuế của chi cục này chỉ làm việc với Nguyễn Thị Ngọc Anh - "bà chủ" thật sự của đường dây mua bán hoá đơn này (!?). Ngoài ra, khi khấu trừ thuế cho thị Anh, lẽ nào cơ quan thuế không phát hiện ra những dấu hiệu rất không bình thường của hoá đơn đầu vào: Bỏ tiền tỉ mua gạch, cát, đất từ Hà Nội lên... Phú Thọ (?!).

Duy Hưng

Từ vụ án này, CQĐT mở rộng thêm 3 vụ án, khởi tố thêm 18 đối tượng ở Cty cổ phần gốm sứ Thanh Hà, Phú Thọ sử dụng hoá đơn khống, trị giá 1,13 tỉ đồng để quyết toán toàn bộ tiền mua vật tư để chiếm đoạt; HTX sản xuất giấy Phong Châu - ở thị xã Phong Châu, Phú Thọ - đã phát hành khống hoá đơn trị giá trên 12 tỉ đồng để chiếm đoạt 1,2 tỉ đồng tiền khấu trừ thuế; Chi nhánh Pjico Phú Thọ cũng sử dụng hoá đơn khống để hoàn thiện hồ sơ đền bù bảo hiểm, tiền sử dụng cho hội nghị khách hàng, mua thiết bị văn phòng để rút tổng cộng gần 800 triệu đồng. Như vậy, trong cả 4 vụ án này, 26 đối tượng đã bị khởi tố.