Doanh nghiệp thiếu trầm trọng mặt bằng sản xuất kinh doanh
Các Website khác - 30/08/2005

Công ty Sơn Hà được thuê 9.000 m2 đất tại Từ Liêm, sau vài năm phát triển nhà xưởng trở nên chật chội không có cả chỗ để đặt máy và phải đi thuê tá lả mỗi nơi một chút.

Phó tổng giám đốc Lê Hoàng Hà cho biết, đặt rải rác các cơ sở sản xuất như vậy khiến việc quản lý rất khó khăn, chi phí đội thêm nhiều. "Khu công nghiệp Từ Liêm, nơi chúng tôi thuê đất vẫn còn chỗ nhưng đề nghị được thuê thêm không được vì thành phố còn dành cho các doanh nghiệp di dời khỏi nội thành", ông Hà kể.

Trong tình trạng phân tán tương tự Sơn Hà, công ty Diana được thành phố cấp 5.000 m2 đất tại Khu công nghiệp thuộc địa phận Thanh Nhàn, Hoàng Mai, sau nhiều lần đề nghị lên xuống được cấp thêm 3.000 m2 nữa nhưng vẫn phải thuê thêm 1.000 m2 ở Vĩnh Tuy và 500 m2 rải rác ở các nơi làm kho nguyên phụ liệu. "Sắp tới chúng tôi mở rộng thêm 2 dây chuyền không biết phải thuê tiếp ở đâu nữa", ông Trần Duy Hà, Trưởng phòng tổ chức hành chính trình bày. Bên cạnh thiếu đất, khu công nghiệp còn không có hệ thống thoát nước phải thải ra đồng, nông dân phản đối tự bịt cống khiến nước thải chỉ có cách tự tiêu, ngày mưa toàn công ty rơi vào cảnh ngập lụt tất cả kho kệ hàng đều phải kê cao tới nửa mét so với mặt đất.

Khu công nghiệp hết đất cho nhà đầu tư.

Khi giao đất cho các doanh nghiệp, địa phương nào cũng yêu cầu phải tuyển dụng lao động tại chỗ nhưng thực tế đây chỉ là việc làm hình thức. Do lao động địa phương hầu như không có tay nghề nên Sơn Hà chỉ tuyển đủ chỉ tiêu ban đầu để làm tròn trách nhịêm với huyện sau đó lại phải sa thải. Ông Lê Hoàng Hà đề nghị đặt khu công nghiệp ở đâu địa phương cần có kế họach đào tạo lao động ở đó để phần nào đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Công ty Diana không cần tuyển dụng công nhân có tay nghề cao nhưng do khu công nghiệp đặt tại nội thành nên dân xung quanh không có nhu cầu cho con em vào làm việc. Lao động ngoại tỉnh buộc phải thuê nhà sống tại địa bàn có tình hình an ninh xấu khiến nhiều người chỉ sau một thời gian ngắn vào làm việc đã tiêm nhiễm tệ nạn. Ông Trần Duy Hà kể có đợt bị công an truy bắt, con nghiện chạy cả vào công ty gây ầm ĩ ảnh hưởng xấu tới môi trường làm việc. "Chúng tôi chỉ mong sao tình hình an ninh tốt lên chứ như thế này công ty phải thuê thêm cả vệ sỹ hỗ trợ đội bảo vệ", ông Hà nói.

Chi phí cho mặt bằng sản xuất tăng mạnh, trong khi doanh nghiệp lại phải thuê manh mún nhiều nơi, thực hiện trách nhiệm tuyển dụng lao động địa phương không được là những khó khăn được kêu nhiều nhất với đoàn kiểm tra đất đai Hà Nội trong sáng 30/8. Theo ban quản lý Khu chế xuất Khu công nghiệp Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 6 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu diện tích hơn 400 ha đã xây dựng xong hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy tới 90,7%. Ngoài ra có 18 dự án cụm công nghiệp vừa và nhỏ đang triển khai, cho 143 doanh nghiệp thuê đất. Tuy nhiên tỷ lệ doanh nghiệp thiếu đất phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn rất lớn. Theo nhận xét của doanh nhân, nếu thành phố không có kế hoạch dài hơi, tính toán quy hoạch sớm, rất dễ xảy ra tình trạng hết đất cho nhà đầu tư.

Việt Phong