Giá các mặt hàng thiết yếu bắt đầu hạ nhiệt
Các Website khác - 07/02/2006

Đúng như dự đoán của Tổ điều hành thị trường, giá các mặt hàng thiết yếu liên tục biến động trong thời điểm trước và sau Tết. Tuy nhiên, với các biện pháp bình ổn đồng bộ của Bộ Tài chính, giá cả thị trường tuy có tăng tới 10-16% nhưng không gây đột biến.

Kết quả khảo sát được Bộ Tài chính công bố chiều 6/2 cho thấy, trong tuần sau Tết, giá mặt hàng điện tử, điện máy (tivi, tủ lạnh) luôn giữ mức tương đối ổn định. Ngoài ra, giá các dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy ở nhiều nơi cũng vẫn nằm trong tầm kiểm soát theo mức quy định của UBND các tỉnh. Trừ điểm mua bán và vui chơi giải trí tập trung đông người xuất hiện các điểm trông giữ xe tạm thời, tự phát của tư nhân thì giá có tăng cao, gấp 2-3 lần điểm trông xe được cấp phép hành nghề.

Hoa quả tiêu thụ mạnh dịp Tết. Ảnh: A.T.

Theo thống kê của Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, đến nay, hầu hết mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng công nghiệp tiêu dùng... tuy vẫn còn cao nhưng so với những ngày giáp Tết giá đã giảm khá nhiều. Trong đó, mặt hàng gạo tẻ ở khu vực phía Bắc hiện chỉ còn khoảng 4.000-4.800 đồng/kg, ở miền Nam khoảng 4.300-4.500 đồng/kg, giảm 1.00-250 đồng/kg.

Trước Tết, hầu hết giá các loại thực phẩm tươi sống đều tăng khoảng 10%. Chẳng hạn, thịt lợn mông sấn tại Hà Nội giáp Tết giá 40.000-45.000 đồng/kg, tăng trên 10%, chiều 30 Tết khoảng 50.000 đồng/kg, mùng 5 Tết giá giảm còn 35.000-40.000 đồng/kg. Tại TP HCM, giá tương đối ổn định, trừ một số chợ có tăng 1.000-2.000 đồng/kg như chợ Gò Vấp, Tân Bình, Cần Giờ.

Nhận xét về diễn biến giá cả thị trường Tết, lãnh đạo Cục Quản lý Giá cho rằng, nhu cầu tăng là nguyên nhân chính tạo đà tăng giá. Bên cạnh đó, dịch cúm gia cầm tuy đã được kiểm soát nhưng sản lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường còn hạn chế đã gây áp lực tăng giá lên các loại thực phẩm thay thế như thịt trâu, bò, thủy hải sản và các mặt hàng chế biến sẵn. Tuy nhiên, theo Cục quản lý giá, nếu không có những nguyên nhân kiềm chế áp lực tăng giá như chuẩn bị đầy đủ lượng hàng hóa, cân đối cung cầu, kiểm soát chặt chẽ ngân sách, từ chối các khoản chi tiêu không hợp lý... thì giá sẽ còn cao hơn nữa. Thậm chí, có thể xảy ra khả năng sốt giá ở một số mặt hàng.

Phương Minh