TP - Ngày 1/4, Bộ Xây dựng cho hay, hiện tượng quá nóng của thị trường bất động sản tại TPHCM, Hà Nội và các vùng lân cận trong thời gian qua đã “chững lại đột ngột".
![]() |
Giao dịch nhà ở đã chững lại. Hình mang tính minh họa. Ảnh: HP |
Tất cả diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, như rút bớt tiền trong lưu thông, kiểm soát chặt chẽ việc cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản, tăng lãi suất cho vay lên 14%-16%/năm và chủ trương thực hiện điều chỉnh một số sắc thuế liên quan đến bất động sản để hạn chế đầu cơ.
Giá nhà đất hiện đã giảm 15%-20%, số lượng rao bán tăng nhưng số lượng giao dịch thực tế không đáng kể, thị trường có dấu hiệu chững lại.
Từ “sôi động” đến “biến động phức tạp”
Theo báo cáo mới nhất về diễn biến tình hình thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng, trong năm 2007, thị trường bất động sản nhìn chung sôi động, nhất là ở Hà Nội, TPHCM và các tỉnh lân cận.
Sự sôi động của thị trường bất động sản thời gian qua vừa phù hợp với sự tăng mạnh của đầu tư, sự phát triển nhanh của nền kinh tế và tốc độ đô thị hóa.
“Bắt bệnh” thị trường bất động sản “Bắt bệnh” của thị trường bất động sản trong thời gian gần đây, Bộ Xây dựng cho rằng, nguyên nhân trực tiếp là do sự chuyển hướng của các nhà đầu tư từ thị trường chứng khoán sang thị trường bất động sản để bảo toàn vốn. Mặc khác, thuế trong sử dụng nhà đất quá thấp, không khuyến khích sử dụng có hiệu quả đất đai và không hạn chế được đầu cơ nhà đất. “Căn bệnh” lâu dài cơ bản vẫn là nhu cầu tăng nhanh trong khi cung không đáp ứng kịp trên thị trường. Trên thực tế nhu cầu về nhà ở đô thị ngày càng tăng. Nếu tính theo diện tích nhà ở bình quân ở đô thị là 11m2/người thì nhu cầu nhà ở đô thị hàng năm đòi hỏi tăng thêm khoảng trên 21 triệu m2. Ngoài ra, một số chính sách cởi mở của Nhà nước như người dân được mua nhà ở tại các đô thị mà không cần hộ khẩu; dự kiến mở rộng đối tượng Việt kiều được mua nhà và cho phép thực hiện thí điểm người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam... cũng làm tăng cầu về nhà ở tại một số đô thị lớn. Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục về đất đai, thoả thuận quy hoạch, phê duyệt dự án phức tạp, qua nhiều cấp kéo dài, nhà đầu tư khó khăn và không bình đẳng trong việc tiếp cận dự án phát triển nhà ở và khu đô thị mới. Công tác lập quy hoạch phát triển đô thị ở nhiều địa phương triển khai chậm. Nhiều vướng mắc trong giải quyết đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa được tháo gỡ làm cho các dự án nhà ở, khu đô thị mới chậm được triển khai. |
Một chuyên gia kinh tế cho rằng: “Không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà nhiều tập đoàn kinh tế lớn nước ngoài đánh giá Việt Nam là một địa điểm đầu tư bất động sản hấp dẫn”.
Từ chỗ “sôi động”, vào cuối năm 2007 và đầu năm 2008, thị trường bất động sản tại TPHCM, Hà Nội và một số tỉnh lân cận chuyển sang có những biến động phức tạp, giá một số chủng loại hàng hóa, ở một số khu vực nhất định tăng đột biến.
Theo thống kê, giá của các căn hộ chung cư cao tầng ở TPHCM và Hà Nội tăng khoảng 50% so với năm 2006.
Các quan chức của Bộ Xây dựng đưa ra phân tích: “Bên cạnh nhu cầu thực về nhà ở và văn phòng cho thuê, thì phần lớn là do đầu cơ mua đi bán lại hoặc tích trữ tài sản.
Giá văn phòng cho thuê ở nước ta đứng ở khoảng thứ 17, giá căn hộ đứng ở khoảng thứ 30 so với thế giới.
Mức giá trên chưa phải là cao so với thị trường thế giới, nhưng so với thu nhập của người dân và mức độ phát triển của nền kinh tế là chưa phù hợp”.
Tuy nhiên, tình hình giao dịch và giá cả tăng đột biến chỉ xảy ra ở một số khu vực nhất định.
Các khu vực khác thuộc hai địa phương nêu trên, thậm chí nhiều quận gần trung tâm thành phố và tại các địa phương khác trong cả nước, giá cả và số lượng giao dịch vẫn ở mức trung bình, không có sự dao động lớn.
Hàng hóa bất động sản có cơ cấu không hợp lý
Lạm phát tăng cao trong 3 tháng đầu năm 2008, đã dẫn đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Từ đó, việc hạn chế cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và tăng lãi suất cho vay tuy có tác dụng hạn chế đầu cơ bất động sản, góp phần “giảm nhiệt” thị trường, nhưng cũng làm các chủ đầu tư khó khăn trong việc huy động vốn.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng cho hay trong vòng 1 tháng qua (từ 22/2-20/3), hầu hết các chủ đầu tư vào thị trường bất động sản không vay được tiền từ ngân hàng.
Trước tình hình đó, nhiều chủ đầu tư tạm dừng đầu tư, nhiều đơn vị thi công cũng tạm dừng do giá vật liệu tăng quá cao so với lúc nhận thầu.
Trên thực tế, qua theo dõi thị trường, các quan chức của Bộ Xây dựng thừa nhận, hiện nay hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở, có cơ cấu không hợp lý, chủ yếu các doanh nghiệp đầu tư loại nhà cao cấp, diện tích rộng và giá thành lớn chỉ phù hợp với đối tượng có thu nhập cao.
Thị trường thiếu hàng hóa có quy mô và giá cả hợp với đa số nhu cầu của thị trường, thiếu loại nhà ở cho thuê phù hợp với nhu cầu của đối tượng thu nhập trung bình và thấp.
Việc triển khai nhà ở xã hội để cho thuê theo quy định của Luật Nhà ở còn chậm, kể cả ở các địa phương trọng điểm.
Bên cạnh đó, việc công khai quy hoạch phát triển đô thị theo quy định của Luật Xây dựng, công khai các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới theo quy định của Luật Nhà ở, công khai việc bán nhà ở và công trình xây dựng qua sàn giao dịch bất động sản theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản chưa được thực hiện nghiêm túc.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cho rằng để góp phần ổn định thị trường, cần kiên quyết triển khai thực hiện quy định về việc các tổ chức cá nhân kinh doanh bất động sản phải thực hiện việc mua bán bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản.
Võ Văn Thành
▪ Thị trường sẽ tràn ngập cổ phiếu ngân hàng (01/04/2008)
▪ Chứng khoán tiếp tục tăng trần (28/03/2008)
▪ Nỗ lực vực dậy thị trường chứng khoán Việt Nam (26/03/2008)
▪ Chứng khoán nhăm nhe ngưỡng 'đốt sàn' (25/03/2008)
▪ Tờ International Herald Tribune : Thử thách đối với Việt Nam (24/03/2008)
▪ Các ngành hàng ồ ạt lên mặt bằng giá mới (20/03/2008)
▪ Nhà nhập khẩu xăng bắt đầu có lãi (19/03/2008)
▪ Địa ốc đồng loạt tuột giá (18/03/2008)
▪ Doanh nghiệp bán lẻ - địa ốc cùng “chia lửa” (13/03/2008)
▪ VN-Index lên 643,9 điểm (12/03/2008)