Giá thực phẩm ở Hà Nội sau Tết: Tăng chóng mặt
Các Website khác - 04/02/2009
Đến mùng 10 Tết nhưng giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống vẫn còn đang ở mức cao so với thời điểm trước Tết và vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống.
Điều này khiến người dân khi đi chợ buộc phải tính toán chi tiêu phù hợp với thu nhập của gia đình.
 
Thịt, cá đắt

Theo khảo sát của PV Báo GĐ&XH tại các chợ trên địa bàn Hà Nội như: Hôm Đức Viên, Thành Công, Ngọc Khánh, Hàng Bè, Hàng Da... giá thịt lợn đều tăng khoảng 10.000đ/kg các loại. Cụ thể, giá ngày 3/2 là: Thăn lợn 85-  90.000đ/kg, thịt ba chỉ 65.000đ/kg, nạc vai 85.000đ/kg. Đáng chú ý, có một số mặt hàng giá tăng mạnh như thăn bò 180.000đ/kg, tim bầu dục 180.000đ/kg, gà 150.000đ/kg.

Trong khi đó, mặt hàng rau xanh lại tăng giá không nhiều. Rau muống từ 4.000 đ/mớ tăng lên 6.000đ/mớ, hành tây 6.000đ/kg lên 8.000đ/kg, dưa chuột 8.000đ/kg lên 10.000đ/kg, cà chua 12.000đ/kg, bắp cải 3.000đ/kg, su hào 2.500đ/củ.

Các mặt hàng thủy hải sản tăng so với trước Tết từ 15- 20.000đ/kg và đến thời điểm này có dấu hiệu chững lại. Giá ngao 18.000đ/kg, cá chép là 55.000đ/kg, cá quả 65.000đ/kg, tôm sú 270.000đ/kg.
 

Giá thực phẩm tăng mạnh gây bất ngờ cho người tiêu dùng. Ảnh: Chí Cường

Ông chủ cửa hàng Trọng Hòa, chợ Thành Công cho hay, so với sau Tết năm ngoái thì năm nay sức tiêu thụ giảm mạnh. Các mặt hàng bán ra đều chậm, người dân đi chợ cũng chi tiêu dè sẻn, trong khi đó các mặt hàng thủy hải sản thường có giá cao hơn các mặt hàng khác. Theo ông chủ cửa hàng, phải qua rằm tháng Giêng giá cả mới bình ổn trở lại và lúc đó mới có thể buôn bán đắt hàng được.

Theo anh Phúc, bán thịt lợn tại chợ Ngọc Khánh (Ba Đình), ngay từ đầu vào, cửa hàng anh đã phải nhập cao nên buộc phải bán với giá cao mới có lãi. Và không thể nói trước, giá cả sẽ lên hay xuống trong mấy ngày tới vì còn tùy thuộc vào thị trường.

Tại các siêu thị lớn ở Hà Nội như Big C, Metro đã mở cửa đón khách từ ngày mùng 3 Tết và các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, trái cây được tiêu thụ khá nhanh. Do dự trữ nguồn hàng phong phú nên ngay từ những ngày đầu năm, giá các loại thịt lợn, bò, gà, thuỷ sản trong siêu thị tăng không đáng kể, chỉ khoảng từ 5 - 10%.

Đi chợ “méo mặt”, ăn hàng “cháy túi”

Giá cả các mặt hàng tại chợ tăng khiến bà con khi đi chợ đều lâm vào tình cảnh thiếu tiền hoặc khất nợ tại các cửa hàng quen. Chị Thắm (khu đô thị Linh Đàm) nghe cậu con trai dặn đầu năm mời bạn bè đến nhà ăn uống, vội vàng đi chợ chuẩn bị. “Tôi cầm 500.000đ mà vừa tiêu đã thấy hết trong khi mới chỉ mua được rau quả, thịt bò, cá mỗi thứ một ít. Vừa phải nợ bà bán tôm 200.000đ”. Còn chị Hồng Anh (Hoàn Kiếm) sau một hồi đi chợ vội gọi điện về dặn cô con gái ở nhà không được chặt gà ra nấu vì muốn để dành con gà thắp hương cúng rằm tháng Giêng. Vì giá gà  cũng đã 150.000đ/kg, đến rằm có khi còn đắt hơn mà kinh tế gia đình chị lại eo hẹp.

Giá cả các loại thực phẩm tăng, thêm vào đó nhu cầu của người dân sau Tết tăng cao khiến nhiều nhà hàng quán ăn “chém” khách không thương tiếc. Bún ốc, bún riêu, những món ăn bình dân thường ngày chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng/bát thì dịp sau Tết tăng lên 20.000 - 25.000 đồng/bát, nộm bò khô từ 10.000 đồng tăng lên 20.000 đồng/bát. Chị Ngọc ở khu tập thể Kim Liên ngại ngùng nợ chủ cửa hàng bán bún gần nhà 5.000đ do chỉ mang theo 20.000 đồng để ăn trưa. “Tôi nghĩ ăn một bát bún chắc chỉ khoảng 20.000đ nên mang theo từng đó, ai ngờ một bát bún thang mà tận 25.000đ. Bày bán vỉa hè còn đắt thế thì vào nhà hàng không biết đắt thế nào”, chị Ngọc than thở. Tại cửa hàng này, phở là 20.000đ/bát, bún chả 20.000đ/suất, bún thang 25.000đ/bát.

Các cửa hàng bán phở gia truyền trên phố Hồ Tùng Mậu cũng đều khiến khách phải lè lưỡi khi trả tiền. Giá một bát phở rẻ nhất ở đây cũng 20.000đ, một suất mì xào bò cũng đến 40.000đ. Anh Đức (ĐH Thương mại) chia sẻ: “Giá cao thế này em chả dám mơ đến việc ăn sáng nữa, cứ “chung thân” với mì gói thôi. Tiền cơm sinh viên ăn uống đơn giản nhất cũng đủ 2kg gạo ở quê em rồi. Em phải tiết kiệm vì bố mẹ ở nhà làm ruộng rất khó khăn”.
 
Theo Giadinh.net