Trong khi giá tôm và cá tra lại các chợ đầu mối TP HCM giảm mạnh so với ngày thường thì tại thị trường Hà Nội các sản phẩm này vẫn giữ ở mức cao. Một vài ngày tới giá sẽ tiếp tục nhích lên khi sức mua được dự báo tăng cao trong dịp Quốc khánh.
![]() |
Cá tra tiếp tục dội ao tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. |
Tối qua, sản lượng cá tôm về chợ đầu mối thủy hải sản Trần Chánh Chiếu, quận 8, TP HCM tăng đột biến lên 331 tấn, vượt đến 131 tấn so với đêm trước đó. Giá thủy sản do vậy đã giảm mạnh từ 5 đến 10%, đặc biệt rớt giá tôm, cá tra và một số loại cá biển.
Ông Trương Minh Đức, Phó phòng kinh doanh Công ty Bình Điền, đơn vị quản lý chợ Trần Chánh Chiếu cho biết, nếu tính sản lượng về chợ cao nhất của năm 2004 thì chỉ đạt tối đa 272 tấn/đêm. "Lượng hàng về chợ tối hôm qua làm Ban quản lý cũng rất bất ngờ, nhất là trong tình hình tin đồn giá xăng dầu tăng và ảnh hưởng của tháng ăn chay", ông Đức nói.
Tối qua, giá bán sỉ tôm sú loại 1 tại chợ Trần Chánh Chiếu chỉ còn trung bình 75.000-90.000 đồng/kg so với trước đó giá 90.000-130.000 đồng/kg. Cá tra giảm mạnh còn 7.000-9.000 đồng/kg, rớt 2.000-3.000 đồng/kg. Chỉ có 1 số ít loại cá biển hiếm trong mùa này như bạc má thì giá tăng 1.000-2.000 đồng mỗi kg. Khi về đến các chợ bán lẻ trong nội thành, mức giá này cao hơn 1.000-2.000 đồng, nhưng vẫn thấp hơn 5-7% so với giá của cuối tuần trước.
Như mọi năm, tháng ăn chay mùa vu lan luôn làm cho nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản giảm so với bình thường. Theo phân tích của ông Trương Minh Đức, tập quán tiêu dùng này đã góp phần kéo hạ giá thủy sản xuống. Song, thêm vào đó là tình trạng dội chợ của các loại thủy sản nuôi đồng là cá tra, tôm đã khiến chợ "ngập" trong hàng thủy sản vào tối qua.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá tôm và cá tra đều cùng đang sụt giảm mạnh trong khi nhiều chủ ao nuôi phải giãn dần thời gian thu hoạch ra để "hãm" bớt đà dội giá. Nhiều ngày nay, hộ ông Đỗ Hồng Vinh ở Cần Thơ đang phải nuôi "cố" 120.000 tấn cá tra trong ao và gánh chi phí hơn 30 triệu tiền thức ăn cho cá mỗi ngày để "mỏi mắt" chờ doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đến bắt. Song trọng lượng cá tăng trưởng hàng ngày, đến nay đã trên 1 kg/con là mức mà nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản không "thèm" mua, nên hy vọng được thu mua sỉ càng giảm. Không thể chờ hơn, buộc lòng gia đình ông Vinh quyết định bán hết số lượng cá này ra thị trường bán lẻ, bất kể giá rẻ để "cứu vãn" chi phí chăn nuôi.
Tôm nuôi tại các tỉnh phía Nam cũng đang chịu tình trạng dội cung giảm giá tương tự cá tra. Không chỉ vì áp lực giảm mức tiêu thụ bởi tháng ăn chay như lý giải của nhà kinh doanh chợ Bình Điền, mà nguyên nhân sâu xa hơn theo giải thích từ Bộ Thủy sản, là do các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan... cũng đang vào vụ thu hoạch tôm thẻ chân trắng nên đã ảnh hưởng đến sản lượng chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Hồ Quốc Lực cho biết, sản lượng của các nước này năm nay lớn hơn, mức cung tăng, giá thấp và phương thức thanh toán cũng linh hoạt hơn. Nhiều tỉnh nuôi tôm ở phía Nam Việt Nam lại đang trong thời kỳ thu hoạch nên lượng tôm đưa ra thị trường tăng đột biến.
Ngoài ra, việc đồng Yên mất giá cũng khiến sức tiêu thụ tại Nhật - thị trường xuất khẩu tôm chủ yếu của VN - giảm sút, ảnh hưởng tới giá cả.
Trong khi tôm cá tại TP HCM rớt giá thê thảm thì tại thị trường Hà Nội, giá những mặt hàng này vẫn ở mức cao dù nguồn cung cũng khá dồi dào. Diễn biến trái chiều này được Ban quản lý các chợ đầu mối giải thích là do nhu cầu tăng cao trong những ngày diễn ra Triển lãm 60 các thành tựu kinh tế - xã hội. Theo ước tính của Sở Thương mại Hà Nội, trong 3 ngày từ 1-4/9, sẽ có lượng lớn dân chúng từ các tỉnh lân cận đổ về Hà Nội tham gia lễ hội. Do vậy, nhu cầu mua sắm sẽ tăng khoảng 15-20% và giá dự báo tăng 10-15% so với ngày thường.
Tại chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội sáng 31/8, tôm sú loại to được chào bán với giá 140.000 đồng/kg (loại 30 con), tôm loại 2 giá 130.000 đồng/kg (35-40 con). Tôm bao (vỏ mỏng hơn tôm sú) giá khoảng 80.000-135.000 đồng/kg (tùy loại). Chị Mai, người bán hàng cho biết, so với đầu năm, giá hải sản đã giảm đáng kể, tuy nhiên so với mặt bằng giá hiện nay thì tôm vẫn được coi là loại thực phẩm đắt đỏ. Chị cho biết, đã có rất nhiều nhà hàng khách sạn đặt mua với số lượng lớn để phục vụ nhu cầu ăn uống của khách hàng trong những ngày diễn ra lễ hội.
"Dù lượng hàng dồi dào, nhưng với nhu cầu mua sắm cao cộng thêm chi phí vận chuyển chịu tác động bởi lần xăng dầu tăng giá vừa qua, giá tôm sẽ khó giữ được mức như hiện nay trong một vài ngày tới", chị Hằng, chủ hàng tại chợ Cầu Giấy, Hà Nội nhận xét.
Dự báo của giới kinh doanh hàng thủy sản, tình hình sụt giảm giá thủy sản nói chung ở thị trường trong nước có thể sẽ còn kéo dài cho đến hết tháng 9, khi kết thúc mùa thu hoạch ở các nước láng giềng.
Phan Anh - Hồng Anh
▪ ''Sống chung'' trong kinh doanh (31/08/2005)
▪ ACB tăng vốn điều lệ lên gần 950 tỷ đồng (31/08/2005)
▪ Rộn ràng các hoạt động thương mại dịp 2/9 (31/08/2005)
▪ Thị trường bánh trung thu: Nhiều loại và... đắt (31/08/2005)
▪ Tin vắn 29/8 (30/08/2005)
▪ Xuất khẩu thuỷ sản hướng tới mục tiêu 4,5 tỷ USD (30/08/2005)
▪ EC công bố thuế chống bán phá giá đối với chốt cài VN (30/08/2005)
▪ Nâng lãi suất tiền gửi ngoại tệ cho pháp nhân (30/08/2005)
▪ Doanh nghiệp thiếu trầm trọng mặt bằng sản xuất kinh doanh (30/08/2005)
▪ Xôn xao tin đồn xăng tăng giá (30/08/2005)